Cái chết của George Floyd có đủ sức thức tỉnh nước Mỹ?

Thứ ba, ngày 09/06/2020 19:00 PM (GMT+7)
Cái chết của người đàn ông da màu George Floyd sau khi bị cảnh sát da trắng đè lên cổ trong suốt 8 phút 46 giây liệu có đủ sức thức tỉnh nước Mỹ để chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc vốn đã "thâm căn cố đế" suốt hàng thập kỷ qua?
Bình luận 0

Quá khứ khủng khiếp của Minneapolis

Theo ABC News, trong nhiều năm, các nhà hoạt động đã cáo buộc, Sở Cảnh sát thành phố Minneapolis đã duy trì văn hóa phân biệt chủng tộc và bạo lực.

Nhưng phải đến khi viên cảnh sát da trắng Derek Chauvin ghì đầu gối vào cổ người đàn ông da màu George Floyd trong suốt 8 phút 46 giây khiến anh này tử vong, Sở Cảnh sát Minneapolis mới bị trả giá.

Cái chết của George Floyd sẽ đánh dấu một bước ngoặt mới ở Mỹ? - Ảnh 1.

Người đàn ông da màu George Floyd

Cảnh sát Derek Chauvin trước đó có thể chưa từng tưởng tượng rằng mình sẽ chịu kết cục như hôm nay với tội danh giết người cấp độ 3, ngộ sát cấp độ 2.

Bằng cách đè đầu gối lên cổ George Floyd trong gần 8 phút, cựu sĩ quan cảnh sát Chauvin đã buộc Minneapolis phải thay đổi hoàn toàn cách thức thi hành luật trong tương lai.

Những thay đổi khác đang được thực hiện, bao gồm yêu cầu các cảnh sát phải báo cáo ngay cho cấp trên của họ khi họ thấy đồng nghiệp sử dụng bất kỳ biện pháp kiềm chế hay siết cổ nào.

Cái chết của George Floyd sẽ đánh dấu một bước ngoặt mới ở Mỹ? - Ảnh 2.

Biểu tình rậm rồ khắp nước Mỹ sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd

Thậm chí, các thành viên Hội đồng thành phố Minneapolis còn đề nghị sẽ tháo dỡ sở cảnh sát thành phố. Chính xác điều này sẽ dẫn tới đâu chưa rõ ràng. Nhưng chắc chắn người dân thành phố Minneapolis muốn sự thay đổi. Người dân chắc chắn muốn 1 lực lượng thực thi pháp luật nhân văn nhưng vẫn đủ cứng rắn để xử lý các vụ cướp, giết người và thậm chí là tai nạn giao thông.

Người biểu tình muốn thay đổi thực sự và lâu dài 

Cái chết của George Floyd sẽ đánh dấu một bước ngoặt mới ở Mỹ? - Ảnh 3.

Trong nhiều năm, các nhà tội phạm học Mỹ đã thảo luận về việc liệu các sở cảnh sát có nên đưa ra lời xin lỗi chính thức cho việc đối xử phân biệt chủng tộc đối với thường dân da đen trong nhiều thế kỷ hay không.

Chẳng hạn, năm 2011, cảnh sát trưởng Jim Fealy ở thành phố High Point, Bắc Carolina - đã đưa ra lời xin lỗi công khai tới cộng đồng người da đen vì những sai lầm lịch sử mà cảnh sát gây ra.

"Tôi biết chúng tôi đã làm các bạn thất vọng. Chúng tôi chưa bảo vệ được các bạn. Những gì chúng tôi đã làm chưa hiệu quả. Và chúng tôi đã làm những điều tồi tệ. Chúng tôi đã cố gắng làm điều đúng đắn, nhưng cuối cùng lại gây hại và tôi rất xin lỗi", ông Fealy nhấn mạnh.

Năm 2016, Terrence M Cickyham, chủ tịch của tổ chức quản lý cảnh sát lớn nhất đã thay mặt cho 23.000 quan chức cảnh sát Mỹ, xin lỗi người Mỹ da màu.

"Vì chúng ta không thể thay đổi quá khứ, rõ ràng là chúng ta phải thay đổi tương lai. Về phần chúng tôi, bước đầu tiên là cơ quan thực thi pháp luật thừa nhận và xin lỗi về những hành động trong quá khứ của chúng tôi đã góp phần vào sự ngược đãi của xã hội đối với các cộng đồng da màu", người đứng đầu Hiệp hội Cảnh sát trưởng Quốc tế tuyên bố.

Tuy nhiên, lời xin lỗi vẫn chưa đến từ người đứng đầu nước Mỹ.

Khi được đặt câu hỏi rằng những thay đổi nào sẽ khiến họ hài lòng để trở về nhà, nhiều người  biểu tình cho biết, họ muốn chấm dứt sự tàn bạo của cảnh sát, sự phân biệt chủng tộc. Họ muốn một xã hội an toàn hơn, tử tế hơn.

Họ muốn một nước Mỹ mới. Và tất cả những người được hỏi đều nói rằng họ sẽ tiếp tục biểu tình cho đến khi thấy sự thay đổi thực sự và lâu dài.

 

Minh Nhật (ABC News)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem