Cảnh sát 113 có được dừng xe xử lý vi phạm giao thông?

Theo Lê Hải/zing.vn Thứ bảy, ngày 30/04/2022 20:23 PM (GMT+7)
Cảnh sát 113 hay cảnh sát phản ứng nhanh là lực lượng cảnh sát thường trực 24/24 để tiếp nhận thông tin và giải quyết ban đầu những vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự và yêu cầu chính đáng của nhân dân.
Bình luận 0

Câu hỏi:

Những ngày qua, mạng xã hội lan truyền video ghi cảnh một tài xế xe máy bị 2 người mặc trang phục cảnh sát 113 dừng xe để báo lỗi, xử phạt vi phạm giao thông tại đại lộ Thăng Long, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Hai người mang trang phục cảnh sát 113 cho biết tài xế đã sử dụng điện thoại khi điều khiển xe và thông báo mức phạt là 800.000 - 1 triệu đồng. Sau khi tranh luận, 2 người mặc quần áo cảnh sát đã xin lỗi tài xế xe máy và trả lại giấy tờ. 

Vậy, cảnh sát 113 có được tuần tra, xử phạt người vi phạm giao thông hay không?

Trả lời: 

Thạc sĩ Hoàng Hương Giang, Văn phòng luật sư Chính Pháp

Dưới góc độ pháp lý, cảnh sát 113 hay cảnh sát phản ứng nhanh là lực lượng cảnh sát thường trực 24/24 để tiếp nhận thông tin và giải quyết ban đầu những vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự và yêu cầu chính đáng của nhân dân.

Theo quy định tại định tại khoản 3, Điều 74, Nghị định 100/2019/NĐ-CP về phân định thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, lực lượng cảnh sát trật tự, cảnh sát phản ứng nhanh (cảnh sát 113), cảnh sát cơ động, cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao liên quan đến trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm.

Cảnh sát 113 có được dừng xe xử lý vi phạm giao thông? - Ảnh 2.

Cảnh sát 113 hay cảnh sát phản ứng nhanh là lực lượng cảnh sát thường trực 24/24 để tiếp nhận thông tin và giải quyết ban đầu những vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự và yêu cầu chính đáng của nhân dân. Ảnh: D.T

Một số lỗi vi phạm luật giao thông mà các lực lượng trên được quyền xử phạt gồm: Đỗ ôtô chiếm một phần đường xe chạy không đặt ngay báo hiệu nguy hiểm theo quy định; Bấm còi trong đô thị và khu đông dân cư trong thời gian từ 22h ngày hôm trước đến 5h ngày hôm sau... Ngoài ra, lực lượng này cũng có quyền xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy... vi phạm quy tắc giao thông đường bộ đối với một số lỗi như: Không có báo hiệu xin vượt trước khi vượt; Không giữ khoảng cách an toàn để xảy ra va chạm với xe chạy liền trước...

Trong đó, hành vi sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính khi đang điều khiển xe máy quy định tại điểm h, khoản 4, Điều 6 Nghị định 100, được liệt vào một trong những lỗi mà cảnh sát 113 và những lực lượng còn lại được phép xử phạt người vi phạm.

Riêng cảnh sát 113, theo quy định tại khoản 2, Điều 9, Nghị định số 27/2010/NĐ-CP, lực lượng này sẽ độc lập thực hiện việc tuần tra, kiểm soát theo sự chỉ đạo, điều hành và theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Khi thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo, điều hành hoặc kế hoạch đã được phê duyệt, cảnh sát 113 được phép xử phạt vi phạm hành chính khi tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ mà không cần CSGT đi cùng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem