Bà Nông Mỹ Hiền - người Nùng ở xã Phúc Sen cho biết: Ở Phúc Sen cứ 100 người thì có tới 70 người biết rèn.
Dao, kéo sản xuất tại Phúc Sen nổi tiếng cả nước về chất lượng, hơn cả dao Thái, Trung Quốc, vì rèn thủ công, nguyên liệu chính là nhíp xe ô tô, không dùng sắt thường hoặc sắt chữ V nên dao có độ bền và rất sắc bén, có thể vừa thái thịt vừa chặt xương. “Nhờ chất lượng tốt nên sản phẩm của thợ rèn Phúc Sen được thương lái ở các tỉnh vùng núi phía Bắc đến đặt hàng thường xuyên"- bà Hiền tự hào.
Vì thế mà người dân Phúc Sen luôn gìn giữ nghề rèn truyền thống và ngày càng nâng cao uy tín của sản phẩm. Theo anh Lương Văn Quyết (SN 1978), ngụ xóm Tình Đông, chỉ riêng đoạn đường vào xóm anh đã có hơn 50 nhà làm nghề rèn, đúc nông cụ: Liềm, búa, bừa, cuốc, dao, kéo... Nghề rèn ở xã Phúc Sen theo kiểu “cha truyền, con nối”. Mỗi dòng họ, mỗi gia đình đều có kỹ thuật rèn riêng, nên dao nhà này có độ sắc, bền, rắn hay có đường cong bắt mắt… hơn dao nhà kia chủ yếu nằm ở sự cảm nhận bằng mắt, bằng tay của thợ rèn. Để trở thành thợ lành nghề, người sáng dạ cũng phải mất 3 năm.
Anh Lương Văn Quyết (trái) cùng thợ phụ đang thực hiện 1 công đoạn rèn dao. (ảnh t.t)
Nguyên liệu rèn dao là thanh nhíp xe ô tô. Sau khi đưa vào lò nung khoảng 2 phút cho đến khi nhíp rực lửa, thợ đem ra đặt lên đe và đập thành từng thanh dài 40-50 cm, ngang 8-12 cm và dày 1-2 cm. Sau đó đưa vào lò lửa để tôi, rồi dùng búa đập nhằm chỉnh theo hình hài thô (chưa thành dao - PV) của từng loại dao. Khi đã có con dao thô, thợ rèn lặp lại các công đoạn như trước để rèn thành dao, trong lúc quai búa thợ rèn dùng thanh thép khắc tên mình để đóng dấu vào thân dao và cuối cùng đem mài cho sắc là xong 1 sản phẩm.
“Dao quắm rèn mất thời gian nhất vì phải thêm công đoạn rèn cho mũi dao cong quặp xuống. Rèn một con dao thường mất khoảng 2 giờ, vì thế mỗi ngày thợ chính làm việc cật lực cũng chỉ được 4-6 con dao các loại, bán giá thấp nhất 100.000 đồng và cao nhất 200.000 đồng/dao, trừ công, chi phí nguyên liệu còn lãi khoảng 120.000 - 180.000 đồng/thợ/ngày, nhưng không phải lúc nào cũng bán được hàng, nên cuộc sống vẫn phải phụ thuộc nghề nông” - anh Quyết bộc bạch.
Ông Nông Văn Vinh - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phúc Sen cho biết: Xã có tổng cộng 157 lò rèn với 470 thợ chính. Để bảo tồn nghề rèn truyền thống, xã thường xuyên tuyên truyền bà con cải tiến mẫu mã, đầu tư máy móc hỗ trợ sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.