Chuyện Tết ở thành phố

Thứ ba, ngày 04/02/2014 09:18 AM (GMT+7)
Mỗi khi nhắc chuyện Tết, ta lại thường hướng đến những kỉ niệm quá khứ, những tập tục, chất liệu của nông thôn để gợi tìm lại cái hồn vía của Tết và những ký ức một thời....
Bình luận 0

Nhưng dẫu sao, đó chỉ là chút hoài cổ về Tết ở quê xưa. Còn từng giờ, từng phút của hiện thực, Tết ở thị thành là chút không gian, khung cảnh của cuộc sống xô bồ, nhà cửa ngày càng chật hẹp lại, rượu ngoại, thức ăn vẫn còn trong tâm lý lo lo, sợ ngấm hóa chất, phẩm mầu với những thứ mua vội ở chợ cóc, chợ tạm. Thế nên dù có là người lãng mạn đến đâu cũng khó có thể thoát khỏi những nỗi lo, để thanh thản mà chờ đón, hình dung ra sự xuất hiện của mùa Xuân.

Tết như thế, thật khó làm ta thấy hết ý nghĩa như nó vốn có. Và cũng chẳng biết từ bao giờ, người thị thành cũng đã dần dần tự thích nghi với phong cách Tết thành phố.

img

Đầu tiên phải là chuyện của bánh chưng. Những chiếc bánh lạt nhựa (nghe nói còn bị yểm pin đèn) xuất hiện vào thời kinh tế mới mở cửa, giờ bị tẩy chay. Thay vào đó là những chiếc bánh chưng của ông bà, anh em, bạn hữu một thời trang lứa từ thôn ổ gửi ra nhân dịp đón Xuân, là chút quà quê gửi tặng người ở phố.

Những gia đình không may mắn có được điều ấy thì bánh chưng mua ở đâu cũng là một chuyện phải lo. Rồi bất ngờ những ngày hăm chín, ba mươi, một số gia đình cũng có nồi nhỡ nhỡ với dăm bẩy khúc gỗ thừa từ bàn, tủ, giá gỗ, két gỗ…để bập bùng ngọn lửa luộc bánh chưng cho con cháu quần tụ, hỏi dăm ba câu ngô nghê về nguồn gốc chiếc bánh của tổ tiên.

Kế đến là phải có một cành đào, cây quất. Những cây đào rừng, đào vườn giá bạc triệu trong các biệt thự đã đành. Nhưng dân viên chức phố thị cũng biết chăm chút cho những cành đào mộc điểm xuyết thêm ít nụ. Cái quy luật “nghề chơi cũng lắm công phu” giờ được khắc phục bằng những sáng kiến nảy ra từ cái túng thiếu lo Tết của những gia đình ở mức thu nhập thấp.

Lần đến nhà anh bạn tôi, thấy cả nhà hì hục cắt giấy nến vo ve thành nụ đào, giấy bạc thuốc lá của được gấp thành hạc giấy, vỏ lon bia được gắn kẹo màu thành trái này, trái nọ gợi nhớ cái thời còn sơ tán, khi ấy chúng tôi hì hụi làm xúc xích giấy treo tường đạm bạc mà vui…

Nói thế, giáp Tết ở phố thị được cái đông vui, sôi động, ồn ào bởi cuộc sống hoa lệ. Nhưng pha chút buồn vì cảnh “đèn nhà ai nhà nấy rạng” vẫn khá phổ biến. Qua thời khắc giao thừa và sáng mùng Một, muốn đến thăm nhau nhưng ngại cái kiêng cữ, sợ rủi may đường "quan lộ" của bạn, ngại cái danh phận, ngại vì hên xui cho buôn bán.

Ngày thường gặp nhau suồng sã cốc bia, chén trà đá, ngày Tết lại ngại nhau cái vía, cái tuổi xông đất, ngại cái xe "cà ràng" đặt cạnh ô tô. Có lẽ chỉ đến khi nào lên lão, hay đã về hưu, cùng sánh vai đi họp tổ dân phố, mới thấy cái thú tiêu dao bạn hữu…

Có lẽ, người thành phố ít nhiều có điều kiện sắm sửa, miệt mài mưu sinh, ồn ã xô bồ, nhưng lại là những nơi dấu ấn Tết với nét văn hóa xưa dần bị phôi phai, thiếu đi sự bình dị trong tiết Xuân. Và đâu đó ở nơi thị thành, Tết cũng là dịp mà các phong tục bị biến dạng.

Nhưng, như một bản năng sống, một thuộc tính văn hóa, những gì là hồn vía dân tộc, là truyền thống cha ông thì không thể mất. Để rồi đến khi hội nhập đủ lượng và đủ tầm, chợt thấy yêu Tết, nhớ quê mình đến lạ…

Bùi Việt Phương (Bùi Việt Phương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem