Còn hàng chục ngàn chỉ tiêu vào đại học vùng

Tùng Anh Thứ sáu, ngày 02/10/2015 06:56 AM (GMT+7)
Thống kê của Bộ GDĐT, đến cuối ngày 30.9 còn 34 trường (11 trường ĐH và 23 trường CĐ) với hàng chục ngàn chỉ tiêu tiếp tục xét tuyển đợt 3 nguyện vọng bổ sung, trong đó hầu hết là các trường ĐH vùng.
Bình luận 0

Trường ĐH Công nghiệp Việt Hung còn 600 chỉ tiêu với điểm chuẩn trúng tuyển là 15, một số ngành được coi là “hot” của trường này mọi năm nhưng năm nay vẫn rơi vào tình trạng ế ẩm như Tài chính – Ngân hàng, Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Công nghệ thông tin.. Tương tự, Trường ĐH Công nghiệp dệt may Hà Nội cũng còn 600 chỉ tiêu; ĐH Công nghệ Long An còn 323 chỉ tiêu bậc ĐH và 223 chỉ tiêu bậc CĐ; ĐH Công nghiệp Việt Trì cũng còn 650 chỉ tiêu cả hai bậc ĐH, CĐ. Đặc biệt, do yếu tố vùng miền, thí sinh KV1 xét tuyển vào hệ ĐH chỉ cần có điểm từ 11,5 – 13,5; khu vực 2NT từ 12 – 14 điểm và khu vực 3 từ 13 – 15 điểm; Trường ĐH Sao Đỏ cũng còn hơn 1.000 chỉ tiêu…

img

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào ĐH Công nghiệp Việt Hung.  Ảnh:   Tùng Anh 

Các trường ĐH đều xác định, đến thời điểm này rất khó khăn để có thể tuyển đủ chỉ tiêu. “Mọi năm các trường ĐH vùng, ĐH địa phương vẫn thuộc top khó tuyển mặc dù được ưu tiên bởi các chế độ đặc thù, tuy nhiên khối trường này cũng có lợi thế khi thu hút được học sinh gần nhà. Nhưng với cách xét tuyển năm nay, học sinh có quá nhiều lựa chọn khi biết trước điểm, vì vậy, gần nhà không còn là lợi thế  nữa” – đại diện Trường ĐH Công nghiệp Việt Trì cho biết.

Theo thông tin từ Bộ GDĐT, tính đến thời điểm hiện tại đã có 554.953 thí sinh trúng tuyển vào ĐH, CĐ ở cả hai hình thức xét tuyển dựa theo điểm của kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển bằng học bạ, đạt 85,74% chỉ tiêu đề ra. Đánh giá của Bộ GDĐT, kết quả trên đã nhiều hơn số tuyển được của cả năm 2014 (tuyển được 505.000 sinh viên, đạt 78,9% so với chỉ tiêu). Con số này cũng sát với mức “dôi dư” chỉ tiêu so với tính toán ban đầu của Bộ GDĐT, vì vậy các chuyên gia giáo dục cho rằng, nguồn tuyển gần như đã cạn kiệt.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng – quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT), năm nay việc xét tuyển vào ĐH của thí sinh bị chi phối bởi nhiều yếu tố, trong đó có việc phân luồng đã bước đầu hiệu quả, học sinh đã nhận ra nguy cơ thất nghiệp hiện rất cao sau khi ra trường. “Đó cũng là lý do mà nhiều em dù có điểm đủ xét tuyển nhưng không tham gia xét tuyển mà chọn đi làm” – bà Phụng nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem