Dân Năm Căn sập bẫy lái buôn Trung Quốc

Thứ ba, ngày 08/05/2012 06:07 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trung tá Nguyễn Tiến Sĩ cho biết: “Thương lái Trung Quốc đội lốt khách du lịch, mua bán không có cửa hàng của hiệu, giao dịch miệng với nhau dễ dẫn đến lừa gạt, nợ nần...".
Bình luận 0

Trung tá Nguyễn Tiến Sĩ - Trưởng công an thị trấn Năm Căn cho biết, nhiều người dân nơi đây vừa làm đơn trình báo việc Wang Juanmei, thường gọi là A Kiều (SN 1974, quốc tịch Trung Quốc, số hộ chiếu G30382530) đã mua cua và vay tiền nhưng không trả.

Bà Trần Thị Bảy ở khóm 1, thị trấn Năm Căn cho biết: "Khoảng hơn 1 năm trước, A Kiều gặp chồng tôi chạy xe ôm ngoài đường, hỏi chuyện mua cua và cho về nhà ở để mua bán cua. Khoảng 2 tháng nay, A Kiều bỏ trốn, không trả tiền nhà, vay nợ nhiều người dân mua bán cua ở Xóm Miễu”.

img
Một vựa cua của người dân Năm Căn.

Bà Đỗ Thị Loan (khóm 1) trình báo: "A Kiều mua cua, vay 900 triệu đồng và 7 chỉ vàng của tôi rồi bỏ trốn".

Những người dân mua bán cua ở Năm Căn, Cái Nước, Đầm Dơi cho biết, trước đây A Kiều thường xuyên mua cua để xuất sang Trung Quốc, thanh toán tiền bạc sòng phẳng, giá cao, giao hàng dễ dàng... Sau khi tạo dựng được lòng tin với người dân, A Kiều bắt đầu mua cua nhưng xin nợ, vay tiền, vàng, chơi hụi. Riêng ông Trần Ngọc Đạt bị A Kiều nợ 1,8 tỷ đồng tiền mua cua.

Một thương lái khác là A Mao cũng vay nợ nhiều người dân ở thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn, Cà Mau). Ông Đỗ Chí Hùng - chủ vựa cua ở thị trấn Năm Căn cho biết: "Người bạn mua bán cua ở TP.HCM giới thiệu A Mao mua cua thịt của tôi để chuyển sang Trung Quốc. Lúc đầu làm ăn nhanh lẹ, hiệu quả nhưng sau đó A Mao khất nợ 1,7 tỷ đồng, từ năm 2011 đến nay không trả".

Trung tá Nguyễn Tiến Sĩ cho biết: “Tình trạng thương lái Trung Quốc đội lốt khách du lịch, mua bán không có cửa hàng của hiệu, giao dịch miệng với nhau dễ dẫn đến lừa gạt, nợ nần. Ngành thuế địa phương không thể thu thuế mua bán cua, dù đây là ngành hàng chủ lực của huyện Năm Căn”.

Theo Công an thị trấn Năm Căn, ở thị trấn này có 20 người Trung Quốc sử dụng hộ chiếu du lịch và xin gia hạn ở lại để mua bán cua. Hiện nay, có 15 người ở các khách sạn Cẩm Hà, Phúc Chinh và 5 người thuê nhà dân ở.

Thương lái Trung Quốc mua cua tại các vựa cua, đóng gói, chuyển hàng và thanh toán tiền nhanh, giá cao. Một số người thuê xe ôm, ghe đến tận nhà dân mua cua.

Bà Trần Thị Bảy ở thị trấn Năm Căn cho biết:

"Tôi cho thuê nhà, giặt quần áo cho A Kiều, được trả 2 triệu đồng/tháng. Nhưng khi trốn nợ, A Kiều chưa trả tiền nhà 7 tháng. Tôi vay dùm A Kiều 60 triệu đồng, hắn cũng “xù” luôn. Nuôi ong tay áo, tôi phải trả nợ thay A Kiều mỗi tháng 1 triệu đồng. Chồng tôi phải đi làm mướn để kiếm tiền trả nợ. Lãnh nợ, rồi trả nợ thay đã đành, bà con ở Xóm Miễu còn kéo đến nhà mắng chửi tôi".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem