Daniel Ellsberg: Người nguy hiểm nhất nước Mỹ (Kỳ 5)

Thứ năm, ngày 11/09/2014 21:00 PM (GMT+7)
Trên thực tế, bản thân Bộ trưởng Quốc phòng McNamara cũng rất nghi ngờ khả năng Mỹ và Việt Nam Cộng hòa sẽ thắng lợi nếu kéo dài cuộc chiến.
Bình luận 0
Trong những cuộc họp bí mật, ông ta đã đề nghị ngừng chiến dịch ném bom và thay bằng các giải pháp ngoại giao, song các đề nghị đó đều bị Tổng thống Johnson bác bỏ. 
img 
Sự kiện D.Ellsberg công bố tài liệu về chiến tranh Việt Nam được đăng tải trên tạp chí Time.

Vì vậy, tháng 6/1967, McNamara ra lệnh tiến hành một nghiên cứu toàn diện về quá trình tham gia của Mỹ vào cuộc chiến Việt Nam. Bản nghiên cứu có tên “Quan hệ Mỹ - Việt Nam 1945 - 1967”. Sỹ quan Lầu Năm Góc Mort Halperin, người sau này phụ trách công tác giám sát quá trình nghiên cứu kể lại: “Chúng tôi tới RAND để tuyển những người từng kinh qua nghiên cứu lịch sử. Tất nhiên, một trong số những người chúng tôi tuyển là Ellsberg”. Ngoài đáp ứng yêu cầu trên, người tham gia cần có kỹ năng phân tích nhạy bén, có khả năng phân chia các nhóm vấn đề và đề xuất những điểm mấu chốt cần nghiên cứu. Một tiêu chí có thêm càng tốt: Đó là đã từng phục vụ tại Việt Nam. Và đáp ứng những yêu cầu này không ai tốt hơn Ellsberg.

Ellsberg không bao giờ nghĩ rằng việc tham gia thực hiện nghiên cứu bản tài liệu sẽ không chỉ thay đổi cuộc sống của ông, mà cả lịch sử hiện đại của nước Mỹ.

Toàn bộ bản tài liệu Quan hệ Mỹ - Việt, hay còn gọi là bản “Tài liệu Lầu Năm Góc” được Bộ Quốc phòng Mỹ xếp vào dạng tuyệt mật, thậm chí mỗi một trang đều được đóng dấu “Tuyệt mật”. Ngay bản thân sự tồn tại của nghiên cứu này cũng được coi là tuyệt mật, không phải với người Việt Nam, những người trên thực tế không quan tâm tới chuyện này, mà chính là với Tổng thống Johnson. Bộ Quốc phòng sợ rằng nếu việc nghiên cứu tài liệu này đến tai Johnson, ông ta sẽ tìm cách ngăn chặn nó. Johnson biết McNamara có một sự hoài nghi lớn về tương lai của Mỹ trong cuộc chiến và có một nhóm người rất quyết tâm làm mọi thứ để kéo Mỹ ra khỏi Việt Nam.

Tháng 8/1969, Ellsberg bắt đầu đọc những trang đầu tiên của Tài liệu Lầu Năm Góc. Hiểu được cuộc chiến từ giai đoạn khởi đầu đã ảnh hưởng tới ông một cách ghê gớm. Nó thay đổi toàn bộ cảm nhận của Ellsberg về tính hợp pháp của cuộc chiến.

img 
Cuốn “Tài liệu Lầu Năm Góc” chứa đựng những âm mưu của chính quyền Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

 Với bản tài liệu mật trong tay, Ellsberg hiểu rằng “các tổng thống đều muốn tránh vết nhơ bị mất Đông Dương vào tay Cộng sản trong nhiệm kỳ của mình”. Nếu không có bàn tay của Mỹ thọc vào, ban đầu là gián tiếp và sau đó là trực tiếp, cuộc xung đột tại Việt Nam sẽ không tàn khốc như những gì đã diễn ra suốt từ thập kỷ 1940. Sẽ không có cuộc chiến nào sau năm 1954 nếu Mỹ và tay chân ngụy quyền tại Việt Nam được Mỹ tài trợ không quyết tâm đi ngược lại và phá hoại quá trình giải quyết chính trị bằng tổng tuyển cử như đã cam kết trong Hiệp định Giơnevơ. Ellsberg hiểu rằng ngay từ đầu, sự tham chiến của Mỹ tại Việt Nam đã là một tội ác, được bốn đời tổng thống thực hiện, và giờ đây tổng thống thứ năm đang tiếp tục nối tay cho chuỗi sai lầm không biết bao giờ mới chấm dứt này. Hàng trăm ngàn người bị lính Mỹ giết hại thực sự là một tội ác giết người phi lý. Tội ác đó phải được ngăn chặn. Ellsberg kết luận, trong cuộc chiến này không phải người Mỹ “đứng về phe phi nghĩa”, mà chính họ “là phe phi nghĩa”.

Trong đầu Ellsberg chợt nảy ra ý rằng những gì ông có trong két sắt ở RAND là 7.000 trang tài liệu minh chứng cho sự dối trá của bốn vị tổng thống và chính quyền của họ trong vòng 23 năm, nhằm che giấu các kế hoạch và hành động của những vụ giết người hàng loạt. Ông không muốn sẽ tiếp tục che giấu điều đó nữa và bằng cách nào đó ông sẽ phải công bố tập tài liệu này.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem