Điểm chuẩn học bạ chạm ngưỡng 30 điểm: "Phương thức có độ tin cậy thấp nhất, thiếu công bằng nhất"

Tào Nga Thứ sáu, ngày 22/07/2022 08:47 AM (GMT+7)
Hàng loạt các trường đã công bố điểm chuẩn học bạ xét tuyển đại học năm 2022, tuy nhiên, điểm chuẩn cao chạm mốc 30 điểm khiến nhiều thí sinh và phụ huynh lo lắng.
Bình luận 0

Điểm chuẩn xét học bạ cao ngất ngưởng

Đại học Luật Hà Nội (HLU) lấy điểm trúng tuyển bằng phương thức xét học bạ từ 21 đến 29,52, bao gồm cả điểm khuyến khích theo quy định riêng của trường.

Ngành có mức điểm chuẩn cao nhất là Luật kinh tế, khối A00 lấy 29,10 điểm. Năm 2022, Đại học Luật Hà Nội tuyển gần 2.300 sinh viên, trong đó gần 1.100 chỉ tiêu được xét dựa vào học bạ THPT. Ở phương thức này, trường xét các thí sinh có học lực loại giỏi trở lên ít nhất hai trong 5 học kỳ (lớp 10, 11 và kỳ I lớp 12), trong đó kết quả học tập học kỳ I lớp 12 của các môn thuộc tổ hợp xét tuyển đạt từ 7 trở lên.

Điểm chuẩn học bạ chạm ngưỡng 30 điểm: "Phương thức có độ tin cậy thấp nhất, thiếu công bằng nhất" - Ảnh 1.

Đại học Công nghiệp Hà Nội tuyển gần 700 chỉ tiêu bằng học bạ THPT với mức điểm chuẩn dao động 26,13-29,38 điểm. Trong đó, ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường có đầu vào thấp nhất và ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng cao nhất. Với phương thức xét học bạ THPT, trường tuyển gần 700/7.120 chỉ tiêu cho 44 ngành. Điểm xét tuyển là tổng điểm trung bình cộng từng môn trong tổ hợp xét tuyển của 5 học kỳ (bỏ kỳ II lớp 12 đối với thí sinh tốt nghiệp THPT năm 2022) hoặc 6 học kỳ (đối với thí sinh tốt nghiệp năm 2021 trở về trước) cộng điểm ưu tiên. Với các ngành ngôn ngữ có môn Ngoại ngữ hệ số 2, điểm xét tuyển được quy về thang 30 theo công thức: (Điểm Toán + Điểm Văn + Điểm Ngoại ngữ x 2) x 3/4 + Điểm ưu tiên.

Một số chương trình đào tạo của Trường Đại học Ngoại thương (FTU) lấy điểm chuẩn học bạ 30-30,5 (đã bao gồm điểm ưu tiên giải học sinh giỏi).

Trường Đại học Văn hóa Hà Nội vừa công bố mức điểm đủ điều kiện theo phương thức xét tuyển kết hợp kết quả học tập cấp THPT với quy định của trường. Theo thông báo của trường, có 3 ngành là Báo chí, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Luật có điểm chuẩn xét tuyển bằng phương thức kết hợp này là 30,50/30 điểm ở tổ hợp C00 và 29,50/30 điểm đối với hai tổ hợp còn lại.

Rất nhiều trường khác cũng ghi nhận có điểm xét học bạ cao ngất ngưởng trong mùa tuyển sinh năm nay.

Điểm chuẩn xét học bạ: Không công bằng cho các thí sinh

Xác định ngay từ đầu sẽ sử dụng phương thức dùng chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển đại học, em Nguyễn Phương Uyên, học sinh lớp 12 tại một trường nổi tiếng ở Hà Nội đã quyết tâm thi IELTS đạt 8.5. Tưởng rằng với số điểm này sẽ chắc suất trúng tuyển sớm vào ngôi trường yêu thích. Tuy nhiên, Uyên không ngờ đã bị trượt trong cuộc đua vì điểm học bạ của mình thấp hơn thí sinh khác.

Không chỉ có Uyên, một số thí sinh khác cũng bày tỏ thiếu công bằng khi đạt điểm IELTS như nhau nhưng lại thua ở điểm xét học bạ. Điểm số này lại có sự chênh nhau giữa chất lượng ở mỗi trường.

Nhận xét về điểm chuẩn xét học bạ năm nay, thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên tại Hà Nội cho biết, điểm xét tuyển bằng học bạ ở các trường tăng cao là điều đã được báo trước, thậm chí 30 điểm cũng chưa đỗ và nếu còn chỉ xét tuyển bằng học bạ trong những năm tới chắc chắn sẽ dẫn đến "lạm phát" điểm chuẩn học bạ.

Điểm chuẩn học bạ chạm ngưỡng 30 điểm: "Phương thức có độ tin cậy thấp nhất, thiếu công bằng nhất" - Ảnh 2.

Dư luận choáng khi điểm xét học bạ lên tới ngưỡng 30 điểm. Ảnh minh họa: Phạm Hưng

"Về mặt lý thuyết, xét tuyển bằng học bạ là hình thức tiên tiến nhưng tại Việt Nam nó lại là phương thức có độ tin cậy thấp nhất, thiếu công bằng nhất, phạm vi xét tuyển học bạ càng rộng thì độ tin cậy càng giảm. Vậy nguyên nhân do đâu và tại sao các trường vẫn xét tuyển bằng học bạ?

Hiện nay có 2 xu hướng xét tuyển bằng học bạ. Xu hướng thứ nhất, các trường sẽ dùng học bạ kết hợp với các điều kiện khác như chứng chỉ ngoại ngữ Quốc tế, hay có thêm bài phỏng vấn… ở phương thức này có độ tin cậy cao hơn và các trường theo phương thức này chỉ duy trì tỉ lệ chỉ tiêu ở mức nhất định, và không phải phương thức chủ yếu.

Vấn đề xảy đến với xu hướng thứ hai khi nhiều trường chỉ tính điểm học bạ, hầu hết là các trường top dưới, dẫn tới điểm học bạ bị lạm phát. Các trường top dưới vốn khó tuyển được thí sinh cho nên họ phải tìm mọi cách, tuyển bằng học bạ là hình thức tuyển dễ nhất, sớm nhất, đồng thời chỉ tiêu các trường này dành cho xét tuyển học bạ cũng rất lớn.

Vậy tại sao điểm chuẩn xét tuyển bằng học bạ lại tăng cao đến vậy, vì đơn giản điểm học bạ là điểm số mà các trường đại học không thể kiểm soát, nó phụ thuộc hoàn toàn vào trường THPT, giáo viên, học sinh. Tình trạng nâng điểm để làm đẹp học bạ, tạo điều kiện cho học sinh diễn ra không ít tại nhiều nơi".

Chị Nguyễn Thị Thanh Hải (đồng tác giả sách Cùng con bước qua kỳ thi) cũng nêu quan điểm: "3 năm trở lại đây đã nắm được thông tin tuyển sinh nên có sự chạy đua về điểm xét học bạ. Năm nay, điểm xét học bạ cao ngất ngưởng, có trường trên 30,5 tạo sự không công bằng cho các thí sinh giữa các trường, các vùng khác nhau".

Theo chị Hải, đầu vào của các trường cấp 3 khác nhau, chênh lệch nhau đến 10 điểm. Học sinh học những trường top đầu sẽ có điểm học bạ vất vả bởi độ khó bài kiểm tra học kỳ cao hơn hẳn. Tổng kết 9,0 hay 10,0 ở trường top đầu khác hoàn toàn so với trường top dưới. Trong khi đó tuyển sinh đại học thì lại cào bằng điểm số này. Lý do là một số trường, tình trạng giáo viên "nương tay" để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh xét tuyển đại học khiến điểm học bạ cấp 3 ngày càng tăng.

Chị Hải cho rằng, ngành giáo dục cần có sự kiểm tra, giám sát học sinh học thật, thi thật để thang điểm giữa các trường THPT có sự tương đồng. Ngoài ra, các trường đại học có phương án xét thêm nhiều tiêu chí khác như chứng chỉ ngoại ngữ, xét học bạ với điểm thi tốt nghiệp hoặc thêm phỏng vấn, viết bài luận để đảm bảo công bằng cho các thí sinh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem