Kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam tăng mạnh tuy nhiên còn nhiều bất cập…
Sáng 13/12, Liên hiệp Các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Chăn nuôi Việt Nam tổ chức Hội thảo "Một số tồn tại bất cập trong triển khai thực hiện Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm".
Phát biểu khai mạc hội thảo, TSKH. Phan Xuân Dũng – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh: “Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng trong sản xuất nông sản, thực phẩm. Sau hơn 40 năm đổi mới, chúng ta không chỉ đảm bảo được nhu cầu trong nước, mà còn trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về xuất khẩu nông sản, góp phần đáng kể vào bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu”.
Dự kiến kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam năm 2024 đạt 62 tỷ USD, tăng trưởng hơn 20% so với năm 2023 và mở rộng tới 185 quốc gia vùng lãnh thổ. Đó là kỳ tích đáng tự hào. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng nông sản xuất khẩu chủ yếu vẫn ở dạng thô, giá trị gia tăng thấp, trong khi chi phí sản xuất lại cao và tỷ lệ chế biến sâu còn hạn chế.
Đề cập đến nguyên nhân, ông Dũng cho biết kỹ thuật canh tác chưa hiện đại và nhiều quy định pháp luật chưa phù hợp, gây khó khăn cho người sản xuất, làm gia tăng chi phí và lỡ cơ hội kinh doanh. Trong đó, đáng lưu tâm là các quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm nông sản. Các quy định này liên quan chặt chẽ tới Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá (CLSPHH) và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật (TCQC).
Cũng theo ông Dũng, hai bộ luật này đã góp phần lớn vào những thành tựu nổi bật trong 40 năm đổi mới, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, sau gần 20 năm áp dụng, hai bộ luật này đã bộc lộ nhiều điểm bất cập cần sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Do đó, Chính phủ đã trình lên và Quốc hội đã đưa vào chương trình sửa đổi hai bộ luật, dự kiến ban hành vào năm 2025.
Trong tham luận về tác động của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (CLSPHH) và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật (TCQC), TS. Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết kế khung pháp lý đồng bộ và hiệu quả để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.
Ông Dương chỉ ra rằng việc quản lý chất lượng hiện nay còn nhiều bất cập, như sự lạm dụng quy chuẩn kỹ thuật đối với các nhóm hàng và quy định công bố hợp quy gây tốn kém, phiền hà cho doanh nghiệp. Ngoài ra, quy định kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu quá mức cần thiết cũng tạo thêm chi phí và mất cơ hội kinh doanh.
Cần khảo sát thực tế, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và lắng nghe ý kiến đa chiều từ các bên liên quan để xây dựng luật pháp có tính khoa học, khách quan, hạn chế sự tùy tiện và góp phần nâng cao giá trị thương hiệu Việt Nam trong thời kỳ hội nhập, ông Dương cho biết.
Ngoài ra, tham luận về các nội dung bất cập của Luật CLSP và luật TCQC, ông Nguyễn Văn Tuế - Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cũng chỉ ra bất cập lớn nhất trong lĩnh vực này là quy định công bố hợp quy sản phẩm, vốn mang tính hình thức, gây tốn kém thời gian và chi phí.
Quy trình đánh giá sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật buộc các cơ sở phải tuân thủ nhiều thủ tục như giám sát hàng năm, thử nghiệm toàn bộ chỉ tiêu kỹ thuật, làm giấy chứng nhận hợp quy cho từng lô hàng nhập khẩu và sản xuất trong nước.
Điều này không chỉ tạo ra sự chồng chéo giữa các quy định mà còn tăng chi phí gần nghìn tỷ đồng mỗi năm cho ngành TACN, làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm nội địa so với nhập khẩu. Ông kiến nghị bãi bỏ quy định công bố hợp quy, thay vào đó chỉ áp dụng quy chuẩn kỹ thuật để thanh kiểm tra và xử phạt nếu vi phạm, đồng thời rà soát các tiêu chuẩn không còn phù hợp.
Những rào cản pháp lý cần được xóa bỏ...
Mục tiêu ban đầu của Luật CLSP hàng hóa và Luật TCQC là tăng cường chất lượng sản phẩm và nâng cao sự cạnh tranh của thương hiệu Việt Nam. Tuy nhiên, khi đi vào thực tế triển khai, nhiều bất cập đã lộ rõ trong nhiều lĩnh vực.
Trong đó, ngành thuốc thú y cũng gặp phải những thách thức đáng kể liên quan đến quy định pháp lý. Theo TS. Nguyễn Thị Hương, Chủ tịch Fivevet Hiệp hội Sản xuất & Kinh doanh thuốc thú y, nhấn mạnh rằng thủ tục công bố hợp quy thuốc thú y gây trùng lặp không cần thiết, vì sản phẩm đã trải qua quá trình kiểm nghiệm khi đăng ký lưu hành theo tiêu chuẩn GMP-WHO.
Hiện tại, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục này định kỳ ba năm một lần với các yêu cầu giám sát hàng năm, gây lãng phí thời gian và nguồn lực. Thậm chí, quy trình hợp quy còn làm chậm nguồn cung thuốc trên thị trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe đàn vật nuôi.
Bà Hương cũng so sánh với các nước như Mỹ, EU, và ASEAN, nơi không áp dụng thủ tục này, và kiến nghị bãi bỏ công bố hợp quy, tập trung vào quản lý chất lượng thông qua thanh kiểm tra theo Luật Thú y.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Hội Thủy sản Việt Nam, chỉ ra rằng hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật hiện nay chưa hợp lý, trong đó tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) và tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) quá nhiều nhưng không có giá trị thực tiễn.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) vừa quy định chỉ tiêu an toàn lẫn chất lượng, trong khi ranh giới giữa tiêu chuẩn tự nguyện và quy chuẩn bắt buộc không rõ ràng. Hơn nữa, quy trình đánh giá sự phù hợp giữa các phòng thử nghiệm không đồng nhất, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Ông Dũng kiến nghị bãi bỏ quy chuẩn kỹ thuật và hệ thống TCCS của doanh nghiệp, thay thế bằng cơ chế tự công bố chất lượng sản phẩm kết hợp thanh kiểm tra nghiêm ngặt, đồng thời rà soát lại hệ thống TCVN để tập trung vào yếu tố quốc gia và quốc tế nhằm hỗ trợ ngành thủy sản phát triển bền vững.
Tham luận của ThS. BS. Nguyễn Văn Nhiên, đại diện Hiệp hội Sữa Việt Nam, đã nêu bật các bất cập lớn trong việc thực thi Luật TCQC và CLSPHH trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh sữa và các sản phẩm từ sữa.
Cụ thể, quy định về tự công bố và đăng ký bản công bố sản phẩm (CBSP) vẫn chưa thống nhất. Nghị định 15/2018/NĐ-CP đã thay thế công bố hợp quy, hợp chuẩn bằng hình thức tự công bố sản phẩm, nhưng lại chưa được luật hóa, dẫn đến việc áp dụng khác nhau giữa các địa phương, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Thêm vào đó, sự phân công trách nhiệm giữa các bộ quản lý nhà nước về thực phẩm chưa rõ ràng, gây chồng chéo và giảm hiệu quả quản lý.
Trong đó, đáng chú ý, quy định về “hàng giả” hiện nay, bao gồm cả sản phẩm không đạt một số chỉ tiêu chất lượng, bị đánh giá là không phù hợp và gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc xử lý sản phẩm không đạt chất lượng. Tham luận đề xuất luật cần được sửa đổi để giảm thủ tục hành chính, rõ ràng hơn trong trách nhiệm quản lý và đảm bảo tính minh bạch trong xử lý vi phạm
Ông Nguyễn Hồng Uy, đại diện Tiểu ban Thực phẩm dinh dưỡng EuroCham, đã đưa ra các ý kiến chi tiết về những bất cập trong dự thảo sửa đổi hai luật trên. Ông nhận xét quy trình sửa đổi tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật hiện tại quá chậm, gây bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiếp cận và áp dụng tiêu chuẩn quốc tế.
Ví dụ, Codex đã cập nhật tiêu chuẩn dinh dưỡng cho trẻ từ 6-36 tháng tuổi vào tháng 2/2024, nhưng việc áp dụng tại Việt Nam phải chờ ít nhất hai năm. Ông cũng nhấn mạnh sự không rõ ràng trong định nghĩa “đặc tính cơ bản của tiêu chuẩn cơ sở” trong dự thảo, dẫn đến nguy cơ lộ bí mật công nghệ của doanh nghiệp.
Các thủ tục hành chính như bắt buộc thông báo tiêu chuẩn cơ sở hoặc áp dụng mã số, mã vạch, cũng được đánh giá là gây tốn kém và không cần thiết. EuroCham kiến nghị cần đơn giản hóa các thủ tục, cho phép doanh nghiệp tự công bố tiêu chuẩn và áp dụng ngay các tiêu chuẩn quốc tế mà Việt Nam đã đồng ý, nhằm tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp nội địa
Tham luận của TS. Nguyễn Trí Ngọc, đại diện Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, đã chỉ ra các vấn đề cốt lõi trong quản lý ngành phân bón. Hiện nay, dù ngành nông nghiệp đã có hơn 1.400 tiêu chuẩn và quy chuẩn quốc gia, nhiều vật tư nông nghiệp, đặc biệt là phân bón, chỉ có tiêu chuẩn cơ sở và không đáp ứng được yêu cầu công bố hợp chuẩn, gây khó khăn trong quản lý chất lượng.
Quy trình xây dựng và sửa đổi quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quá lâu, không theo kịp với tốc độ phát triển của khoa học công nghệ và thị trường, ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của ngành. Ngoài ra, các xung đột giữa Luật TCQC với Luật Đầu tư năm 2020 và Luật An toàn thực phẩm cũng làm phức tạp hóa hệ thống pháp luật. Tổng hội đề xuất cần sửa đổi luật theo hướng cải cách mạnh mẽ, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đồng thời nhanh chóng thúc đẩy cổ phần hóa các tổ chức đánh giá sự phù hợp để tạo sự minh bạch và công bằng cho các doanh nghiệp
Trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra phiên thảo luận đưa ra những thắc mắc, khó khăn, ghi nhận các góp ý trong sửa đổi Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật giữa chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các doanh nghiệp và đại biểu tham dự.
Phát biểu tổng kết, TSKH. Phan Xuân Dũng – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam – nhấn mạnh tầm quan trọng của các ý kiến đóng góp. Ông đồng thuận với các đề xuất và cho biết sau hội thảo, Ban tổ chức sẽ hoàn thiện kiến nghị chính thức, gửi đến các cơ quan quản lý và bộ ngành để thẩm tra, xem xét và đưa ra quyết định phù hợp, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.