Đối thoại Shangri - La: Định hướng chiến lược an ninh châu Á

Thứ bảy, ngày 02/06/2012 07:57 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày 1.6, Hội nghị cấp cao An ninh châu Á lần thứ 11, hay còn gọi là Đối thoại Shangri-La đã khai mạc tại đảo quốc sư tử Singapore, nhằm tìm kiếm cơ hội để các nước tìm hiểu định hướng chiến lược an ninh của nhau đối với châu lục này.
Bình luận 0

Diễn ra trong bối cảnh châu Á-Thái Bình Dương ngày càng nổi lên là trọng tâm trong chính sách ngoại giao của cả 3 cường quốc trên thế giới, là Mỹ, Trung Quốc và Nga, Đối thoại Shangri-La lần thứ 11 đặc biệt thu hút sự quan tâm của các nước trong khu vực, nhất là khi châu Á – Thái Bình Dương đang chứng kiến nhiều diễn biến quân sự nóng ở các vùng biển đảo, cũng như sự cạnh tranh ảnh hưởng của các nước, thể hiện qua sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, sự thay đổi chiến lược quân sự của Nhật Bản, Philippines, Hàn Quốc và chính sách can dự trở lại châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ.

img
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta dự Shangri- La 2012.

Dù tâm điểm của Đối thoại Shangri- La lần này là vấn đề Biển Đông và lập trường của các bên liên quan, song Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đã quyết định không tham dự hội nghị kéo dài đến ngày 3.6 này. Thay vào đó, Bắc Kinh chỉ cử Trung tướng Nhậm Hải Tuyền - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc, làm lãnh đạo phái đoàn nước này.

Trong khi đó, Mỹ đã cử một phái đoàn hùng hậu do Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta dẫn đầu, bao gồm Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Martin Dempsey, Thứ trưởng Ngoại giao Dill Burns, Tư lệnh Thái Bình Dương - Đô đốc Samuel Locklear và Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách các vấn đề châu Á- Thái Bình Dương Mark Lippert.

Ngoài ra, còn có một phái đoàn Quốc hội Mỹ có mặt tại Singapore, bao gồm thành viên Ủy ban Quân vụ Thượng viện John McCain, Thượng nghị sĩ Joe Lieberman và Hạ nghị sĩ Eni Faleomavaega, thành viên Ủy ban Đối ngoại Hạ viện.

Ngoài chủ đề nóng về Biển Đông mà lập trường của Mỹ là chỉ trích Trung Quốc đừng quá bành trướng, còn Trung Quốc thì phản pháo rằng, Mỹ đừng can thiệp quá sâu vào những vấn đề “không phải là của mình”, những phiên họp đặc biệt khác sẽ bàn về vai trò của lực lượng vũ trang trong tình trạng khẩn cấp quốc tế, sự phát triển của chiến tranh tàu ngầm, chiến tranh mạng và sự xuất hiện của các hệ thống quân sự mới như là các phương tiện không người lái.

Ngoài ra, Mỹ, Nhật và Hàn Quốc cũng sẽ tận dụng cơ hội để tổ chức hội nghị 3 bên, nơi vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên dự kiến sẽ được mang ra thảo luận.

Dư luận hy vọng Đối thoại Shangri-La 11 sẽ giúp hình dung rõ hơn về định hướng quân sự của các nước đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời là cơ hội để quan chức quốc phòng cấp cao các nước tìm hướng giải quyết các bất đồng liên quan đến chủ quyền hàng hải.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem