Du khách ngán ngẩm vì "cò" du lịch lộng hành ở Đà Lạt

V.L Chủ nhật, ngày 17/06/2018 06:35 AM (GMT+7)
Các nhóm “cò” xuất hiện tại các điểm du lịch trên địa bàn thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) liên tục chèo kéo, mời chào, làm phiền du khách khiến hình ảnh của phố ngàn hoa bị ảnh hưởng.
Bình luận 0

Liên tục làm phiền du khách

Tại Đà Lạt, nhiều thanh niên không đội mũ bảo hiểm, phóng xe rất nhanh, lạng lách để tìm kiếm “con mồi” trên các tuyến đường trung tâm mà khách du lịch thường ghé thăm như Vườn hoa thành phố, Thung lũng tình yêu, đường Phù Đổng Thiên Vương. Mùa hè, khoảng thời gian lượng khách đổ về thành phố Đà Lạt tăng mạnh cũng là lúc hoạt động "cò" du lịch ở đây bắt đầu gia tăng.

Vào vai những du khách, chúng tôi đến trước cổng Vườn hoa thành phố để chụp hình và xác minh phản ánh của nhiều tài xế xe khách. Quả thực, liên tục khoảng 10 thanh niên từ 18 – 30 tuổi (gồm cả phụ nữ) chạy xe máy xung quanh cổng điểm du lịch để chèo kéo du khách, nếu không có xe mới đến, các đối tượng này thường tập trung ngay trước bãi gửi xe máy bên ngoài cổng vườn hoa.

img

"Cò" du lịch thường xuyên tụ tập trước cổng Vườn hoa thành phố để mời chào khách du lịch. 

Phát hiện các xe khách mới đến, một trong số các đối tượng này chạy chiếc xe hiệu Yamaha biển số 49B1-71. 685 liền vòng xe lại và đưa cho bác tài xế danh thiếp đến địa điểm bán dâu, mứt hay đặc sản nào đó. Đôi khi, các hành khách chưa kịp xuống khỏi xe, nhiều đối tượng đã trực sẵn ở cửa xe với những lời mời và nhét địa chỉ vào tận tay để tạo niềm tin.

Nhiều người tỏ ra khá khó chịu về hành động của những đối tượng này. Chị Hồng Hoa (du khách Biên Hòa – Đồng Nai) thở dài chia sẻ: “Hè năm nào, tôi cũng cùng gia đình đưa các con lên Đà Lạt tham quan, nhưng khi đến các điểm tham quan thì xuất hiện nhóm người đến mời chào mua đặc sản và hái dâu tại vườn với giá khá cao. Chúng tôi làm ngơ thì nhóm người này cứ đi theo, làm gia đình tôi cảm thấy mệt mỏi và phiền hà”.

Cánh lái xe đã biết mánh khóe của những tay “cò” rồi nên chỉ gật đầu và cầm danh thiếp cho qua chuyện. Nếu không nhận danh thiếp mà có những lời nói khó nghe, có thể sẽ bị các đối tượng này đe dọa.

img

Một đối tượng đến bên cạnh chiếc xe để mời khách đến các địa điểm bán đặc sản, hái dâu tây trên thành phố.

Anh Đặng Hoàng Tuấn, lái xe đến từ tỉnh Bình Dương cho biết: “Tôi đến đây hai lần. Họ thấy tài xế nào lạ thì chạy theo mời, nếu xe không ghé, họ kiếm chuyện bằng cách hăm dọa và đòi đập xe. Nói chung, tình trạng này công an phải can thiệp, nếu không sẽ làm ảnh hưởng tới chỗ làm ăn đàng hoàng, phiền khách và ảnh hưởng đến du lịch Lâm Đồng”.

Cần vào cuộc giải quyết dứt điểm

Qua phân loại, xác minh, cơ quan chức năng TP.Đà Lạt đã xác định hoạt động của "cò" du lịch tồn tại dưới nhiều hình thức. Theo đó, có 4 loại “cò" gồm: nhân viên cơ sở kinh doanh trực tiếp làm môi giới, "cò" tự do đón khách dẫn vào các cơ sở kinh doanh dịch vụ (có thỏa thuận trước để hưởng tiền hoa hồng), "cò" bảo kê ép cơ sở kinh doanh phải chi tiền môi giới khi đưa khách vào, cuối cùng là một số lái xe, hướng dẫn viên lợi dụng đưa khách đến cơ sở kinh doanh giá cao, chất lượng kém để hưởng tiền hoa hồng.

Theo Công an TP.Đà Lạt, thời gian qua, đơn vị đã bắt giữ, xử lý và phạt hành chính gần 60 triệu đồng đối với hơn 60 đối tượng có hành vi tiếp thị dưới dạng “cò” để chèo kéo, tranh giành và ép buộc du khách. Thế nhưng, hoạt động của “cò du lịch” vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm mà ngày càng lộng hành, làm phiền lòng du khách và gây mất an ninh trật tự tại địa phương.

img

Các đối tượng "cò" lộng hành khiến khách du lịch cảm thấy khó chịu.

Ông Phan Tất Chí - Phó trưởng Công an TP.Đà Lạt cho biết, đơn vị đang quyết tâm chấn chỉnh tình trạng này, song song với việc tuyên truyền, vận động và yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn nghiêm túc thực hiện cam kết không nâng giá, ép giá, không sử dụng lao động cò tiếp thị để chèo kéo, tranh giành khách.

Ông Chí cho biết thêm: “Chúng tôi đã tham mưu cho UBND TP.Đà Lạt yêu cầu tất cả các cơ sở kinh doanh phải cam kết, nếu họ không thực hiện cam kết về việc không sử dụng "cò", nâng giá, kinh doanh các mặt hàng không rõ nguồn gốc thì phải kiên quyết xử lý. Chúng tôi có một tổ gồm Công an, Phòng kinh tế và lực lượng quản lý thị trường tiến hành làm việc này trong trước và trong dịp hè. Chúng tôi cũng giao trách nhiệm, nếu như phường nào để xảy ra "cò" lộng hành như thời gian trước thì trưởng công an phường đó phải chịu trách nhiệm”.

Bà Nguyễn Thị Nguyên - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cho biết, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để chấn chỉnh tình trạng này, tránh làm ảnh hưởng đến ngành du lịch tỉnh và làm du khách cảm thấy khó chịu khi đến thành phố hoa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem