Người này giết con, cháu lẫn hộ vệ thân tín của Tào Tháo nhưng lại được Tào Tháo phong làm tướng quân

Minh Nhật (theo Sohu) Thứ sáu, ngày 03/09/2021 07:00 AM (GMT+7)
Tào Tháo nổi tiếng là gian hùng tàn ác từng sát hại rất nhiều người. Người như vậy theo lẽ thường, có thù sẽ tất báo, thậm chí màn trả thù sẽ vô cùng tàn khốc. Vậy Tào Tháo sẽ xử lý kẻ đã giết con, cháu lẫn hộ vệ thân tín nhất của mình thế nào?
Bình luận 0
Giết con, cháu lẫn hộ vệ thân tín của Tào Tháo rồi lại phải hàng Tào Tháo, mãnh tướng này lĩnh kết cục gì? - Ảnh 1.

Với kẻ giết con, cháu mình, Tào Tháo sẽ trả thù tàn khốc thế nào? Ảnh Sohu

Theo Sohu, một điều vô cùng bất ngờ là, Tào Tháo chẳng những không giết kẻ đã giết con, cháu lẫn hộ vệ thân tín nhất của mình mà còn vô cùng trọng dụng người này.

Và người được nhắc đến ở đây là Trương Tú - một mãnh tướng thời Tam quốc trong lịch sử phong kiến Trung Quốc. 

Trương Tú sinh tại Tổ Lệ, là cháu gọi Phiêu kỵ tướng quân Trương Tế bằng chú. Trương Tế là bộ tướng của quyền thần Đổng Trác thời Hán Thiếu Đế và Hán Hiến Đế. 

Sau khi Đổng Trác bị giết năm 192, Trương Tế cùng các bộ tướng khác của Đổng Trác là Lý Thôi, Quách Dĩ và Phàn Trù mang quân đánh vào Trường An, lại giật dây Hán Hiến Đế, thao túng triều đình như Đổng Trác trước đây. Trương Tú theo chú tham gia chiến trận, được phong làm Kiến trung tướng quân.

Năm 196, Tào Tháo đón Hán Hiến Đế về Hứa Xương. Lực lượng của Lý Thôi, Quách Dĩ suy yếu và tan rã vì tàn sát lẫn nhau. Trương Tế không tham gia hỗn chiến nhưng không dựa được vào Lý, Quách như trước nữa. Sau đó, vì hết lương thảo, Trương Tế phải dẫn quân đi về phía nam. Trương Tú cùng chú mang quân thâm nhập Tương Thành thuộc quận Nam Dương, Kinh châu - địa hạt của Lưu Biểu. Trương Tế giao tranh với quân Kinh châu, bị trúng tên tử trận.

Trương Tú tiếp quản quân đội của chú. Biết Lưu Biểu có thiện chí, không có ý đối địch, Trương Tú bèn sai sứ sang liên minh, cùng nương tựa.

Lúc này, Trương Tú được Giả Hủ - một mưu sĩ cũ của Lý Thôi - từ Trường An đến phò tá, từ đó mà có người bày mưu tính kế giúp. Giả Hủ tìm đến Trương Tú vì viên tướng này chưa có mưu sĩ và Giả Hủ tiên liệu ông sẽ nghe theo những điều mình khuyên.

Sau đó, năm 197, để mở rộng lãnh thổ và củng cố quyền lực, Tào Tháo đích thân mang quân tấn công Uyển Thành (Nam Dương). Viên tướng trấn giữ Uyển Thành lúc đó là Trương Tú biết không thể địch lại quân Tào bèn đầu hàng.

Tào Tháo rất vui mừng, sai mở tiệc rượu đãi Trương Tú. Sau khi chiếm được Uyển Thành, Tào Tháo phát hiện Trâu thị - thím của Trương Tú là một mỹ nữ vô cùng xinh đẹp, liền si mê nàng.

Trâu thị vốn là vợ của Trương Tế, người chú đã tử trận mà Trương Tú vô cùng biết ơn. Vì thế, khi biết Tào Tháo bắt Trâu thị về lều của ông ta "mây mưa" cả đêm, Trương Tú vô cùng giận dữ.

Giết con, cháu lẫn hộ vệ thân tín của Tào Tháo rồi lại phải hàng Tào Tháo, mãnh tướng này lĩnh kết cục gì? - Ảnh 2.

Dù đã đầu hàng Táo Tháo, nhưng cuối cùng Trương Tú lại tập kích trong đêm khiến Tào Tháo trở tay không kịp. Ảnh Sohu.

Để rửa nhục, Trương Tú liền mang quân đánh úp vào doanh trại của Tào Tháo khiến quân Tào không kịp trở tay. Trong lúc tháo chạy, ngựa chiến của Tào Tháo là Tuyệt Ảnh bị bắn chết.

Tào Tháo trúng thương của Trương Tú bị thương nặng, những tưởng phải bỏ mạng ở trận chiến này. May mắn cho ông ta, con trai trưởng Tào Ngang, cháu đích tôn Tào An Dân và hộ vệ thân tín Điển Vi đã liều mạng cứu ông ta. 

Tào Ngang đã chủ động nhường ngựa của mình cho cha cưỡi, còn bản thân chạy bộ bảo vệ cha. Cuối cùng, Điển Vi, Tào Ngang, cháu đích tôn của Tào Tháo là Tào An Dân chết trong biến cố ở Uyển Thành. Trận chiến này đã trở thành cơn ác mộng kéo dài trong tâm trí của Tào Tháo vì chỉ vì 1 đêm phong tình, ông ta mất đi cả người thân ruột thịt lẫn những cánh tay đắc lực trên chiến trường. 

Theo lẽ thường, Tào Tháo phải rất hận Trương Tú và nếu có cơ hội, chắc hẳn ông ta phải trả thù rất tàn khốc.

Theo Sohu, sau khi thoát thân thành công, Tào Tháo cũng từng đem quân đi đánh lại Trương Tú, hai bên gia tranh nhiều lần, đều có cả thắng và bại.  

Năm 199,  Viên Thiệu và Tào Tháo bắt đầu giao tranh để giành quyền bá chủ phương bắc. Cả Viên Thiệu và Tào Tháo đều sai sứ đến dụ hàng Trương Tú. Trương Tú đắn đo, muốn hàng Tào Tháo nhưng lại sợ Tào Tháo ghi hận mình từng giết con cháu ông ta nên bèn hỏi Giả Hủ. Giả Hủ khuyên ông nên theo Tào Tháo.

Khi đó, Giả Hủ đã phân tích rằng, Tào Tháo có danh nghĩa vua Hiến Đế, và đang ở thế yếu hơn nên quý trọng người đến hàng hơn. Còn Viên Thiệu không có danh chính lại mạnh nên sẽ không coi trọng người đến quy phục.

Trương Tú nghe theo Giả Hủ, năm 199, mang quân đến xin quy phục Tào Tháo và quả thật mọi thứ diễn ra đúng như dự liệu của Giả Hủ. 

Theo ghi chép, sau khi Trương Tú đến, Tào Tháo không bận tâm mối thù giết con cháu, còn đích thân tới dắt tay Trương Tú, cùng nhau tiến vào yến tiệc. Ông ta sau đó phong cho Trương Tú làm Dương Vũ tướng quân, ngoài ra còn kết tơ hồng cho con trai mình là Tào Quân với con gái Trương Tú.

Sau khi quy hàng, Trương Tú theo Tào Tháo nam chinh bắc chiến, lập nên nhiều chiến công hiển hách. Năm 207, Trương Tú theo Tào Tháo mang quân đi đánh quân Ô Hoàn. Giữa đường đi đánh Ô Hoàn thì Trương Tú bất ngờ chết. Về sau Tào Tháo còn truy tặng Trương Tú làm Định hầu.







Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem