Khói do đốt rơm rạ "bủa vây" ngoại thành Hà Nội
Khói do đốt rơm rạ "bủa vây" ngoại thành Hà Nội
Thứ sáu, ngày 05/06/2020 14:28 PM (GMT+7)
Sau khoảng thời gian thu hoạch lúa, rơm rạ sẽ được chất thành đống trên những cánh đồng, đầu làng ngõ xóm tại các làng quê ven Hà Nội. Thay vì được đem về sân nhà đánh đống để trâu, bò ăn thì giờ đây rơm được người dân đốt luôn tại đồng.
Thời gian gần đây, trên địa bàn một số huyện ngoại thành Hà Nội đang bước vụ cao điểm thu hoạch lúa, người ta lại thấy xuất hiện tình trạng đốt rơm rạ. Điều này khiến cho chất lượng không khí ở một số khu vực nội đô thành phố ít nhiều bị ảnh hưởng.
Ghi nhận tại các huyện Đông Anh, Sóc Sơn (Hà Nội)... rất nhiều đụn rơm được bà con nông dân đốt ngay giữa các khu vực dân cư. Theo các chuyên gia, đốt rơm tạo bụi và các chất khí CO2, CO, NOx.... ảnh hưởng tới môi trường không khí và sức khỏe con người. Trong đó, người chịu ảnh hưởng đầu tiên chính là người nông dân trực tiếp thực hiện việc đốt rơm và các khu dân cư lân cận.
Điều này cũng là nguyên nhân góp phần làm gia tăng nồng độ bụi PM2.5 trong không khí và ảnh hưởng đến một số nơi trong khu vực nội đô.
Việc đốt rơm rạ mang lại nhiều tiện lợi như không tốn công xử lý rơm rạ trên đồng ruộng sau khi thu hoạch, đồng thời tiêu diệt được mầm mống dịch hại... Tuy nhiên, việc đốt rơm, rạ ngay trên đồng ruộng không chỉ làm ảnh hưởng tới môi trường sống, sức khỏe con người mà còn gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông, làm mất chất dinh dưỡng của đất, tiêu diệt các loại thiên địch có ích, dẫn đến phát sinh nhiều dịch bệnh hại lúa.
Anh Nguyễn Thành Vinh (Đông Anh, Hà Nội) cho biết, việc đốt rơm rạ ngay trên đồng là việc tất yếu của bà con nông dân sau mỗi mùa gặt vì giờ đây không có nhiều người có nhu cầu sử dụng đến rơm rạ.
Nguồn khói bốc lên từ các đụn rơm còn ảnh hưởng tới tầm nhìn của người tham gia giao thông, gây nguy hiểm khi di chuyển trên các tuyến đường lớn.
Mùa gặt thu hoạch lúa khắp miền Bắc đang diễn ra. Nhiều ngày nay, cảnh đốt rơm rạ của nông dân diễn ra tràn ngập các cánh đồng ven quốc lộ. Theo thống kê của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, mỗi năm TP. Hà Nội phát sinh khoảng 1 triệu tấn rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp.
Từ khắp các cánh đồng cho đến đường làng ngõ xóm đều bắt gặp cảnh tượng khó trắng mù mịt bao phủ do người dân đốt rơm rạ.
Việc này còn góp phần gây ra hiện tượng sương mù quang hóa.
Chị Lê Thị Hà (Đông Anh, Hà Nội) cho hay: "Đốt rơm rạ còn để những người trồng rau có thể lấy tro để ủ rau, đỡ tốn kinh phí đi mua ở bên ngoài".
Rơm sau khi cháy hết hóa thành mùn, người dân thường để giữa ruộng, vài tuần sau cho máy cày xới tơi đất cùng với mùn để cấy vụ mới.
Mặc dù đã được nhắc nhở nhưng tình trang đốt rơm rạ diễn ra phổ biến.
Khói rơm rạ kết hợp với gió sẽ đẩy làn khói đi rất xa.
Sự cộng hưởng của những đám khói tạo nên một lớp dày đặc bao phù từ khắp cánh đồng...
...cho đến khu vực sinh sống của người dân cũng chìm trong lớp khói.
Nguyên nhân dẫn đến tình trang đốt rơm rạ hàng loạt như hiện nay là vì hầu hết các hộ gia đình đều không còn chăn nuôi gia súc nữa, chính vì vậy rơm rạ trở nên dư thừa.
Tại khu vực Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) người dân phản ánh rất nhiều về việc tro sau khi đốt xong một phần sẽ theo gió bay vào nhà, tro rơi đầy trên sàn và bám vào tường.
Mỗi lần người dân đi qua đây đều phải giảm tốc độ vì làn khói gây khuất tầm nhìn và sử dụng khẩu trang để bảo vệ đường hô hấp.
Ngọc Hải - Phạm Oanh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.