Không xét đặc cách danh hiệu nghệ nhân ưu tú

Hoài Thu (thực hiện) Thứ năm, ngày 14/05/2015 06:42 AM (GMT+7)
Trong 737 hồ sơ xin phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú gửi lên hội đồng cấp bộ chỉ có 618 hồ sơ đạt yêu cầu, 119 hồ sơ bị loại. Phóng viên NTNN trao đổi với ông Phùng Huy Cẩn - Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng Bộ VHTTDL, thư ký của Hội đồng chuyên ngành cấp bộ.
Bình luận 0

Sau một thời gian rất dài chờ đợi, hồ sơ của các nghệ nhân cũng đã lên tới hội đồng cấp bộ, tuy nhiên có tới khoảng 1/7 số hồ sơ không đạt yêu cầu cũng là một điều rất đáng tiếc. Ông có thể cho biết một vài lý do về việc này?

- Chúng tôi đã thống kê một số nguyên nhân dẫn tới việc hồ sơ không được bỏ phiếu thông qua cụ thể như sau: Việc mô tả tri thức kỹ năng di sản phi vật thể của các nghệ nhân đang nắm giữ quá sơ sài; số lượng truyền dạy học trò tiêu biểu không rõ ràng. Một số trường hợp nghệ nhân được đào tạo ở các trường nghệ thuật, theo quy định họ không thuộc đối tượng được xét tặng. Có nghệ nhân đã được phong tặng các danh hiệu khác cũng không được xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú nữa.

img
Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ (phải) đã hơn 90 tuổi vẫn mòn mỏi chờ danh hiệu.  Lâm Khánh
Trong Luật Thi đua khen thưởng ghi rõ không được sử dụng thành tích của cái này để xét tiếp danh hiệu kia, chỉ được xét tặng một lần, vì thế nhiều hồ sơ bị loại. Cụ thể khi đã là nghệ sĩ ưu tú rồi thì không được lấy thành tích để xét tặng danh hiệu nghệ nhân nữa. Cuộc đời mỗi người chỉ có một danh hiệu thôi. Đã được xét tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, ưu tú hoặc nhà giáo nhân dân, ưu tú rồi thì không xét tặng danh hiệu nghệ nhân nữa. Đối tượng khó khăn nhất trong việc xét tặng là những người hoạt động trong lĩnh vực đông y, thầy lang, thầy thuốc.

 

Thưa ông, báo chí đã rất nhiều lần phản ánh nguyện vọng của các nghệ nhân và những người quan tâm, đó là rất nhiều nghệ nhân đã ở vào tuổi “gần đất xa trời”, có cụ hơn 80, 90 tuổi, thế nhưng lần xét tặng danh hiệu này chỉ có danh hiệu “nghệ nhân ưu tú” chứ không có danh hiệu “nghệ nhân nhân dân”. Và để có được danh hiệu cao hơn, các cụ nghệ nhân phải chờ thêm 5 năm nữa là một chặng đường mệt mỏi với họ. Vậy có trường hợp nào được xét đặc cách không?

- Việc bỏ phiếu thông qua các hồ sơ phong tặng danh hiệu được căn cứ hoàn toàn theo Nghị định số 62/2014 quy định về xét tặng danh hiệu “nghệ nhân nhân dân”, “nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Và theo Luật Thi đua khen thưởng sẽ không có trường hợp truy tặng, không đặc cách.

Vậy trong trường hợp có các nghệ nhân không chờ nổi các thủ tục hành chính và qua đời ngay cả khi hồ sơ của họ đã lọt qua hội đồng cấp bộ để lên hội đồng cấp nhà nước, thì nghệ nhân đó có được truy tặng hay không?

-Rất tiếc lần này hội đồng cũng gặp phải trường hợp tương tự của một nghệ nhân dân tộc Thái, sinh năm 1933 ở Phong Thổ, Lai Châu. Theo đúng hồ sơ của địa phương đưa lên thì cụ mất trước lúc hoàn thiện hồ sơ ở cấp cơ sở, vì thế theo quy định hiện hành hội đồng cấp bộ buộc phải chấp hành đúng là không xét tới trường hợp này.

Trong việc xét tặng danh hiệu nghệ sĩ cũng có những trường hợp được truy tặng. Gần đây nhất là việc truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân cho diễn viên Văn Hiệp. Tại sao việc truy tặng lại không được áp dụng với việc xét tặng nghệ nhân ưu tú?

-Với trường hợp truy tặng của diễn viên Văn Hiệp lúc đó áp dụng theo thông tư xét tặng nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú do Bộ trưởng Bộ VHTTDL ban hành, còn từ sau đó trở đi chúng ta đang thực hiện theo văn bản pháp lý cao hơn là nghị định của Chính phủ. Và theo văn bản điều chỉnh việc xét tặng nghệ sĩ, xét tặng nghệ nhân và giải thưởng Nhà nước này thì đều áp dụng hình thức không truy tặng, không đặc cách.

Trước đây một số địa phương như Hà Nội, Bắc Ninh… hoặc như Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cũng đã xét và trao tặng các danh hiệu nghệ nhân dân gian. Vậy các danh hiệu này có ảnh hưởng tới việc xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú lần này?

-Các danh hiệu khác, chẳng hạn như danh hiệu nghệ nhân dân gian do Hội Văn nghệ dân gian hay do địa phương trao tặng từ trước đến nay là hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Hội và các địa phương. Việc phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú là hình thức tôn vinh duy nhất của nhà nước dành cho nghệ nhân, được áp dụng lần đầu tiên theo Luật Thi đua khen thưởng.

Điều nhiều người quan tâm là cùng với danh hiệu nghệ nhân ưu tú trong đợt xét tặng đầu tiên này, các nghệ nhân đoạt danh hiệu xong sẽ được hưởng những quyền lợi gì bởi từ trước tới nay, phần lớn các nghệ nhân ở khu vực nông thôn và chịu rất nhiều thiệt thòi, hầu như chưa nhận được sự hỗ trợ gì từ chính quyền?

- Cùng với bằng nghệ nhân ưu tú do Chủ tịch nước ký tặng, mỗi nghệ nhân sẽ có một khoản tiền thưởng. Bên cạnh đó Bộ VHTTDL đã làm việc với Bộ LĐTBXH đề xuất một số chính sách hỗ trợ các nghệ nhân dân gian, cụ thể như trợ cấp cho các nghệ nhân có hoàn cảnh khó khăn từ 100.000 - 200.000 đồng/người/tháng; bảo hiểm y tế; trợ cấp mai táng phí khi các cụ qua đời. Hiện chúng tôi mới chỉ đề xuất như vậy. Cùng đó chúng tôi cũng kêu gọi, đề nghị các địa phương có những chính sách hỗ trợ cho các nghệ nhân.

Xin cảm ơn ông!


 Hiện danh sách 618 hồ sơ đủ điều kiện trình Hội đồng cấp nhà nước đã được công bố trên website của Cổng thông tin điện tử Bộ VHTTDL để lấy ý kiến của nhân dân trước khi Hội đồng chuyên ngành cấp bộ hoàn thành hồ sơ trình Hội đồng cấp nhà nước. Theo kế hoạch, thời gian Hội đồng cấp nhà nước tổ chức xét tặng bắt đầu từ ngày 30.4.2015 đến 30.6.2015.   

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem