Có lẽ trong cuộc sống, người ta thường ám ảnh bởi những thứ không hẳn là dễ chịu nhưng gần gũi và quen thuộc nhất. Không phải mất công tìm kiếm mà vẫn có thể hòa mình vào đó mà hít hà, tắm gội sự nhớ thương xa cách. Người đường xuôi đi xa khi trở về gần tới mái nhà xưa cũ gặp khói từ những sợi rơm gày, lọt qua mái tranh bay cay sè sống mũi. Người miền biển, người đồng sông về gặp làn nước quen thuộc thì lao mình xuống mà lặn ngụp thỏa cái khát vị quê nhà. Trong khi ấy, người đồng rừng chỉ biết quanh năm úp mặt vào sương mù, tay bới sương mà đi, lẫn vào sương mà nảy nở, sinh sôi…
Chập choạng tối, xe bắt đầu về số bám vào con dốc như một con cá rô rạch nước. Không còn đèn vàng hắt nghiêng mái phố, đèn pha giờ bỗng mờ nhòe bởi một thứ trắng đục và bảng lảng. Bấy lâu đã quen với những cơn lốc bụi phố phường, mấy cô gái thị thành giờ kịp “òa” lên vui sướng. Cung đường quốc lộ 6 mềm oạt như cật tre bánh tẻ uốn lượn theo cái “khuôn” của những tà luy đá vôi quanh những thung sâu hút mắt. Cảnh tượng ấy khiến tôi có cảm giác đoàn xe như đàn kiến đang chạy quanh những nồi nước xông khổng lồ nghi ngút khói. Ở đây những ống kính máy ảnh có zom quanh học cao nhất cũng đành gác máy phó mặc cho tầm mắt chớp lấy hồn cảnh vật. Sương mờ che khuất tầm nhìn người lái chỉ còn chừng đôi ba mét. Nhưng nào có sao, thế mới là không khí, là hơi thở thực sự của miền Tây Bắc.
Tảng sáng chúng tôi đã đến nhà một người bạn. Có ai ngỡ cô gái có nụ cười duyên dáng, đài các như thiếu nữ Tràng An lại sinh ra ở mảnh đất này. Căn nhà gỗ bên sườn núi chìm trong sương mờ, bốn xung quanh tịnh không một bóng người. Bất giác làm ta nhớ đến giấc ngủ ngàn năm từ lời nguyền của một bà tiên trong cổ tích Andersen. Nhưng khi bước tới gần mới nhận ra một khuôn viên tráng lệ kiểu đồng rừng ghi dấu bàn tay cần mẫn, tài hoa của gia chủ. Khoảng sân với những cây cảnh gai góc ưa khí trời rét mướt, khô hanh, hòn non bộ nhặt từ đá núi đến nhà chứa củi, vườn mía, đồi ngô sau nhà tự nhiên tạo ra cái ấm áp. Ấm áp từ dấu ấn bàn tay, từ giọt mồ hôi vô hình nhỏ xuống trong sương gió như còn ấm nóng đâu đây.
Trong gian bếp nhỏ, lửa đã quyện nồng dưới đáy nồi từ lúc nào, ánh lửa xuyên qua sương sớm làm những đôi mắt du khách ánh lên một niềm vui bất ngờ. Bàn tay tê cóng gặp lửa nóng rát vẫn không muốn rời. Bất giác ai đó nhanh miệng đọc một câu đồng giao cũ:
Khói qua đằng kia ăn cơm với cá/ Khói về đằng này lấy đá đập đầu
Vừa dứt lời thì ngọn khói bếp đã ngả vào phía anh trong tiếng cười giòn tan của khách đường xuôi. Cô con gái chủ nhà cất tiếng nói trầm và ấm-tiếng của người vùng cao sống trong giá rét-để bắt đầu câu chuyện:
-Hôm nay bố mẹ em phải đi làm từ sớm. Công nhân của hạt giao thông phải đi kiểm đường dọc cung đường hiểm trở này. Biết nhà sẽ có khách, nên cha mẹ em đã dậy để thịt lợn, hái gia vị từ rất sớm rồi.
Như đoán được câu hỏi của khách cô gái tiếp lời:
-Phải đến lúc sương chiều lên bố, mẹ em mới về cơ.
Đúng như người ta thường nói người dân miền quê lam lũ một nắng hai sương. Nhưng kì thực, ở đây đi sương sớm, về sương chiều, trưa dẫu có nắng thì trên đỉnh cao sương và mây vẫn vần tụ lạnh buốt. Bát cơm nóng và vội trong sương, con cá nướng phả khói thơm trong sương, cối gạo nếp giã bánh dày quyện khói nóng và sương cùng... hơi thở ngược dốc cao hòa trong sương trắng. Tất cả đã làm nên một đặc trưng riêng của con người chốn dẻo cao kì vĩ này.
Từ khung cửa gỗ ấm cúng của gian bếp, phóng tầm mắt nhìn ra bên kia quốc lộ là Thung Quan u huyền trong sương mù đặc quánh. Có lẽ dưới thung lũng sâu lút tầm mắt ấy sương đặc và lạnh hơn như một lớp kem sữa mát và ngọt lịm. Chính sương mờ đã che đi cái chiều sâu hun hút của vực sâu để an lòng người tài xế trẻ lần đầu lên vùng cao, đem cái mĩ lệ lấp đầy sự hoang vắng rợn ngợm trong tầm mắt.
Người ta đồn rằng, dưới đó là mộ táng của một quan lang theo sự chỉ dẫn của thày phong thủy phương Bắc. Cái tên Thung Quan có lẽ xuất phát từ câu chuyện đó. Chỉ biết rằng, nhìn từ trên này, vào khi mặt trời lên tỏ, sương đã vãn sẽ thấy muôn loài hoa dại khoe sắc như chứng nhân cho sức sống diệu kì của thiên nhiên ấm ủ trong giá lạnh.
Quay lại với gian bếp thì đã thấy tiếng nổ lép bép và bùi thơm nức của ngô nếp nướng. Hơi ấm chuyền tay nhau vẫn không ngớt tạo nên những tiếng cười đầm ấm. Cô chủ nhà bảo: Ở trong sương lạnh mà ai cũng cần mẫm dạy từ rất sớm, người ta lên nương, ra vườn, đi chợ. Gặp nhau trong sương mờ chia nhau điếu thuốc lào bằng lửa đóm lập lòe. Bởi thế mà quanh năm vườn tược, nương đồi xanh tươi cây lá, gà lợn đầy chuồng. Có đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi từng khóc lả đi tím ngắt ngoài vệ đường trong sương lạnh mà qua mấy mùa đông được những tấm lòng ấm áp cưu mang giờ đã có thể ngồi nướng ngô bên bếp lửa mỗi sáng.
Ở đây là những xóm nhỏ bên sườn núi, ai có công to việc lớn chỉ cần mở lời với hàng xóm là người quanh thung hôm sau đã góp mặt đông đủ cả. Chẳng ai cấn cá chuyện mời mọc, xa cách như dưới làng mà tự nhận việc mà giúp nhau như thể ấy là việc trong gian bếp của mình. Nhớ mùa đông năm ngoái trời lạnh và mưa rét. Những người đàn ông đã đốt lửa suốt đêm để sưởi ấm cho đàn bò, đàn trâu của mình mà không chịu chớp mắt cho đến sáng. Nương ở đây chọc lỗ tra hạt nào cần đến trâu cày, gia súc ở đây chỉ mổ thịt khi nhà có việc chứ không mấy khi đem bán. Ấy vậy mà người ta vẫn yêu quý, giữ gìn từng vật nuôi như những người bạn. Xứ xở sương mù vắng bóng người thì con hoa mi đầu sàn, con trâu ngoài chuồng, còn chó vện trong gian bếp… cũng là những người bạn đem lại sự ấm áp, vui vầy.
Với ai đó sương mù vùng cao là một điều mới mẻ, là cái phông trắng diệu kì để tạo dáng cho những bức hình lưu niệm. Với riêng tôi, người đang tựa khung cửa gỗ nghiến nhìn ra thì sương là một kí ức không thể xóa nhà. Tuổi thơ tôi đã đầy ắp sương mù nhưng đó không phải là thứ hơi lạnh lẽo vô hồn. Sương ấy là thứ mô hôi bốc khói phả ra từ hơi thở của người lao động trên dẻo cao, là thứ khói thuốc thơm đầy mê hoặc và trải nghiệm trong câu chuyện của người già. Sương.
Phải, sương còn là kí ức mờ xa mà lung linh của những đứa trẻ về những ngày cơ cực, lam lũ của tuổi thơ mà vẫn vui tươi, ấm áp bao giờ cũng sáng tỏ hơn những gì buồn tủi. Giờ đây, khi ở cái tuổi đủ để chiêm nghiệm tất cả chợt thấy tình người trong sương sớm ấy ấm nóng và đáng trọng quá. Trên đất nước mình từ vùng non cao sương phủ trắng trời đến miền biển rộng sóng tung bọt trắng xóa đều là hiện thân của tình người dân nước Việt.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.