Lên Đà Lạt gặp "phù thủy" giữ hồn cho hoa

Thứ hai, ngày 18/06/2012 07:40 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bước vào phòng khách, tôi bị choáng ngợp bởi hoa hồng đủ màu sắc. Cả những bông hồng màu đen tuyền tưởng chừng chỉ có trong truyền thuyết cũng có mặt tại nhà ông.
Bình luận 0

Ông được người trồng hoa ở Đà Lạt gọi là nghệ nhân, nhà khoa học, "phù thủy các loài hoa". Ông là Nguyễn Công Hóa, một người trồng hoa ở làng hoa Vạn Thành, phường 5, TP. Đà Lạt. Nhà ông Hóa nằm sâu trong hẻm nhỏ giữa bạt ngàn hoa. "Trụ sở nghiên cứu" của ông cũng là ngôi nhà nhỏ ấy.

Những danh hiệu “Người đầu tiên”

Bước vào phòng khách, tôi bị choáng ngợp bởi những bông hoa hồng đủ màu sắc. Cả những bông hồng màu đen tuyền tưởng chừng chỉ có trong truyền thuyết cũng có mặt tại nhà ông. Trên tường treo vô số những bức tranh nghệ thuật được làm bằng hoa tươi có thể tồn tại 5-10 năm.

img
Nghệ nhân Nguyễn Công Hóa bên bức tranh hoa ướp tươi độc đáo.

Năm 2007, ông Hóa làm 3 bức tranh bằng hoa ướp tươi triển lãm trong Festival Hoa Đà Lạt. Ba bức tranh ấy ngay lập tức được một Việt kiều Pháp mua với giá 700 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này, ông Hóa ủng hộ cho Quỹ Vì người nghèo. Ông vui vì sản phẩm của mình được đón nhận và góp chút công sức cho xã hội.

Năm 2010, ông được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập là "Người Việt Nam đầu tiên nghiên cứu thành công kỹ thuật ướp hoa tươi để bảo quản lâu dài".

Năm 2010, dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội, sản phẩm bức tranh hoa tươi của nông dân Nguyễn Công Hóa với 1.000 bông hoa ướp tươi, cao 1,75m, rộng 2,4m được Trung tâm Sách kỷ lục Guiness công nhận "Bức tranh hoa tươi lớn nhất, có số lượng hoa nhiều nhất đầu tiên tại Việt Nam".

Mới đây, ông Hoá nghiên cứu thành công kỹ thuật tạo đột biến sắc tố trên cây hoa hồng ngay khi hoa còn đang ở trên luống. Theo đó, ông sẽ can thiệp khiến màu sắc bông hoa biến đổi theo ý muốn, trên từng cánh hoa là những đường viền, hoa văn, màu sắc lạ mắt.

Ánh hào quang ướt đẫm mồ hôi

Để có được những thành quả ấy là cả sự đam mê, kiên trì, đổ nhiều mồ hôi, công sức tìm tòi, nghiên cứu của ông.

Mọi sự bắt đầu khi có một người bạn từ nước ngoài về mách với ông có loại hoa ướp tươi, lưu giữ được rất lâu mà giá bán lại rất cao. Ông nhờ bạn mua và gửi về một bông. Khi nhìn thấy, ông đã bị hút hồn bởi sự tươi tắn của nó dù bông hoa ấy đã được làm cách chừng vài ba năm.

Ông bắt đầu lật tung từng trang mạng để tìm hiểu kỹ thuật, nhưng không hề có một tài liệu nào. Ông tìm đến một vài vị giáo sư, tiến sĩ. Họ cũng có nghe nói nhưng không biết. Ông quyết tâm mày mò, như một người mù tự tìm thuốc chữa mắt cho mình. Ròng rã 5 năm trời, ông đi tìm các loại thuốc, máy móc, thử nghiệm và phá hỏng hàng ngàn bông hoa hồng. Ông nhốt mình trong phòng thí nghiệm cùng với những bông hoa...

5 năm thất bại nối tiếp thất bại. Đến 2003, sức lực ông Hóa đã cạn kiệt, vợ con phản đối kịch liệt thì một trong hàng trăm bông hoa màu đỏ trong ống nghiệm cho ông một tia sáng. Sau 1 tháng, bông hoa ấy vẫn tươi như mới hái từ vườn vào. Ông lao vào làm, nhưng tiền trong nhà đã hết sạch.

Ông đi vay bạn bè 50 triệu đồng làm 3.000 bông hoa hồng. Kết quả: Thất bại thảm hại. Ông vẫn bình tĩnh và phát hiện còn thiếu một công đoạn. Ông lại vay tiền thử nghiệm trên 300 bông hoa. Người trong nhà chẳng ai thèm nói với ông một lời vì giận. Tháng 4.2005, thành công đã đến với ông: 300 bông hoa vẫn tươi nguyên sau 6 tháng.

Dù đã đạt nhiều vinh quang, ND "gàn" Nguyễn Công Hóa vẫn không ngừng sáng tạo. Hàng chục loại hoa lá khác nhau như: Bibi, salem, cẩm tù cầu, địa lan… vẫn tiếp tục được ướp tươi thành công.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem