Lòng dân trong Cách mạng tháng Tám

Lê Tiên Long Thứ hai, ngày 02/09/2024 14:35 PM (GMT+7)
Trong những ngày chuẩn bị cho cuộc Cách mạng tháng Tám lịch sử năm 1945, khi lực lượng cách mạng chỉ có hai bàn tay trắng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định với những cán bộ dưới quyền rằng: Lòng dân là nguồn sức mạnh to lớn nhất…
Bình luận 0

"Lòng dân" là bài học quan trọng trong lịch sử Việt Nam, các thời đại đều nắm rõ. Có thể thấy điều đó qua những câu nói của các danh nhân tiền bối, như của Hồ Nguyên Trừng trước Thượng hoàng Hồ Quý Ly: "Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo", hay của Nguyễn Trãi: "Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân"…

Là vị lãnh tụ lỗi lạc của dân tộc, người dẫn dắt nước ta hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, đánh đổ ách thống trị của phát xít, thực dân, phong kiến giành độc lập cho đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu sâu sắc về tầm quan trọng của lòng dân. Đặc biệt, trong những ngày chuẩn bị cho cuộc Cách mạng tháng Tám lịch sử năm 1945, khi lực lượng cách mạng chỉ có hai bàn tay trắng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định với những cán bộ dưới quyền rằng: Lòng dân là nguồn sức mạnh to lớn nhất.

Lòng dân trong Cách mạng tháng Tám- Ảnh 1.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu Quốc hội là người DTTS dự kỳ họp lần thứ Nhất, Quốc hội khóa III tại Hà Nội. Ảnh: T.L

Sau này, khi viết bài bình luận trên Báo Nhân Dân, nói về lòng dân, Bác đã dẫn lời các bậc thánh hiền thời xưa, một câu nói sẽ còn giá trị mãi về sau: "Ý dân là ý trời. Làm đúng ý nguyện của dân thì ắt thành. Làm trái ý nguyện của dân thì ắt bại. Đó là lời nói chí lý của thánh hiền đời xưa".

Điều này được Thiếu tướng Lê Thiết Hùng khẳng định trong cuốn hồi ký "Tôi được làm người học trò nhỏ của Bác Hồ" (NXB Quân đội Nhân dân, 2002). Ông Lê Thiết Hùng là thanh niên Nghệ An lưu lạc sang Trung Quốc, từng học trường quân sự Hoàng Phố và đã tham gia quân đội Quốc dân Đảng của Tưởng Giới Thạch, lên đến cấp chỉ huy trung đoàn, nhưng được Bác Hồ và các đồng chí hướng dẫn, dìu dắt hoạt động cho cách mạng từ cuối những năm 1930. Khi Bác về nước đầu năm 1941, Bác đã gọi ông Hùng về nhằm chuẩn bị cho việc xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng.

Tại Pắc Bó đầu năm 1941, ông Lê Thiết Hùng và các đồng chí băn khoăn rất nhiều về việc xây dựng lực lượng vũ trang, và lo lắng nhiều nhất về vấn đề vũ khí. Nghe vậy, Bác vạch ra hai nguồn tìm kiếm vũ khí: Một là từ trong tay giặc, hai là ở trong nhân dân. Bác nói:

- Chú quen có sẵn từng trung đoàn, sư đoàn người ta trao cho chỉ huy, giờ chú phải tự đi chọn từng người một, huấn luyện cho họ thành chiến sĩ du kích, rồi đào tạo họ thành cán bộ, tung họ đi huấn luyện người khác. Cứ như thế mà nhân lên.

Ông Lê Thiết Hùng kể tiếp: "Nhận thấy tôi băn khoăn về vấn đề vũ khí, Bác giảng giải:

- Ta không sợ thiếu súng, chỉ sợ thiếu người cầm súng thôi.

Bác vạch ra những bước đi sắp tới:

- Chúng ta trở về Tổ quốc, việc trước tiên là phải có chỗ đứng chân. Lúc đầu là một điểm nhỏ sau mở rộng thành điểm to, rồi thành căn cứ. Chỗ đứng chân phải vững chắc. Vững chắc nhất là lòng dân".

Khi mà hơn 20 triệu đồng bào đã cùng chung một ý chí, một khát vọng độc lập, đã hình thành sức mạnh không gì lay chuyển được. Trong bản Tuyên ngôn Độc lập đọc ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Hồ Chí Minh đã miêu tả lại kết quả của sức mạnh lòng dân Việt trong những ngày lịch sử: "Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa".

Trong bản tuyên ngôn bất hủ này, Người mạnh mẽ tuyên bố với thế giới: "Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống Phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!".

Dân tộc độc lập thì chỗ dựa vững chắc nhất là lòng dân. Điều này luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong suốt sự nghiệp lãnh đạo Đảng, lãnh đạo đất nước. Người từng viết: "Dân khí mạnh thì quân lính nào, súng ống nào cũng không chống lại" (Hồ Chí Minh – Toàn tập, tập 2, trang 297). Điều này đã được lịch sử chứng minh, khi những đội quân xuất thân từ nông dân, khởi đầu chỉ vài chục người đã dùng các biện pháp tuyên truyền, vận động nhân dân đồng lòng đứng lên làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám thành công. Sau đó, đội quân thiếu thốn muôn bề nhưng có sự ủng hộ to lớn của hàng chục triệu người dân đã đánh thắng đội quân xâm lược của thực dân Pháp, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu hơn 70 năm trước.

Việc giữ vững lòng dân luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ thường xuyên. Ngay sau ngày nước nhà giành được độc lập, trong bài "Sao cho được lòng dân" đăng trên báo Cứu Quốc số 65, ngày 12/10/1945, Bác đã đưa ra kết luận: "Nói tóm lại muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân lên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư".

Sau này, khi viết bài bình luận trên Báo Nhân Dân (số 515, ngày 31/7/1955), nói về lòng dân, Bác đã dẫn lời các bậc thánh hiền thời xưa, một câu nói sẽ còn giá trị mãi về sau: "Ý dân là ý trời. Làm đúng ý nguyện của dân thì ắt thành. Làm trái ý nguyện của dân thì ắt bại. Đó là lời nói chí lý của thánh hiền đời xưa".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem