Mức xử phạt khi đốt pháo nổ, pháo hoa nổ trái phép

Việt Sáng Thứ năm, ngày 03/02/2022 09:21 AM (GMT+7)
Theo luật sư, người dân cần tìm hiểu rõ mình được đốt loại pháo nào và mức xử phạt khi đốt pháo trái phép là bao nhiêu để tránh mất tiền ngày Tết.
Bình luận 0

Xử phạt hành chính khi đốt pháo nổ

Trước và sau thời khắc giao thừa năm Nhâm Dần 2022, vẫn có nơi tiếng  pháo nổ vang lên.

Những lưu ý người dân cần biết khi đốt pháo nổ, pháo hoa nổ trong tết và sau tết? - Ảnh 1.

Người dân cần tìm hiểu rõ mình được đốt loại pháo nào và mức xử phạt khi đốt pháo trái phép là như thế nào?

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Quách Thành Lực - Đoàn LS TP Hà Nội cho biết, hành vi sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo hoa, pháo nổ sẽ bị xử lý theo quy định tại điều 10, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình.

"Có chế tài xử phạt nhưng có trước, trong và sau Tết Nguyên đán, lượng pháo nổ trái phép người dân đốt rất nhiều. Theo tôi, chúng ta cần làm mạnh, làm quyết liệt và nâng chế tài xử phạt để có tính răng đe hơn đối với nhưng người mua, bán, tàng trữ, vận chuyển và đốt pháo nổ", ông Lực cho biết.

Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm như sau:

"... 2. Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Không kê khai và đăng ký đầy đủ các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ với cơ quan có thẩm quyền;

b) Sử dụng các loại pháo mà không được phép......

4. Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Mua, bán các loại phế liệu, phế phẩm là vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;

b) Vi phạm các quy định an toàn về vận chuyển vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;

c) Cưa hoặc tháo bom, mìn, đạn, lựu đạn, thủy lôi và các loại vũ khí khác để lấy thuốc nổ trái phép;

d) Sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm;

đ) Làm mất vũ khí, công cụ hỗ trợ......

Có thể xử lý hình sự khi đốt pháo nổ?

Những lưu ý người dân cần biết khi đốt pháo nổ, pháo hoa nổ trong tết và sau tết? - Ảnh 3.

Nhiều loại pháo nổ được bày bán trên mạng xã hội trước thời điểm cận tết.

Đồng quan điểm, Luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 137/2020/NĐ-CP quy định về quản lý, sử dụng pháo.

"Tại khoản 1 điều 17 Nghị định 137 quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

Người dân cần chú ý, loại pháo hoa mà khi đốt (sử dụng) phát ra tiếng nổ, theo Nghị định này được định nghĩa là pháo nổ, cụ thể: Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ", ông Cường nói.

Vị luật sư cho biết, hành vi đốt pháo trái phép còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại điều 318, Bộ luật hình sự 2015.

Đốt pháo nổ tại Nghệ An trong đêm giao thừa.

"Phần II Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT/BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 25/12/2008 về việc hướng dẫn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ và thuốc pháo cũng nêu rõ, hành vi đốt pháo nổ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy từng tính chất, mức độ, hành vi đốt pháo.

Ngoài ra, người đốt pháo nổ gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh khác được quy định trong Bộ luật hình sự, tương xứng với hậu quả do hành vi đốt pháo gây ra", luật sư Cường phân tích.

Luật sư Bùi Quốc Tuấn - Trưởng văn phòng luật sư Quốc Tuấn (Đoàn LS TPHCM) phân tích thêm, theo quy định của Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, pháo nổ là mặt hàng nhà nước cấm, do đó tất cả hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ các mặt hàng pháo nổ sẽ bị xử lý hình sự khi đảm bảo các yếu tố định lượng.

“Điều 190, 191 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định rõ việc sản xuất và buôn bán pháo nổ. Người nào thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 0,6 đến dưới 40 kg thì bị phạt tiền từ 100 triệu - 1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm. Trường hợp sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 40 đến dưới 120 kg, bị phạt tiền từ 1 - 3 tỉ đồng, hoặc phạt tù từ 5 - 10 năm; từ 120 kg trở lên sẽ bị phạt tù từ 8 - 15 năm”, Luật sư Tuấn thông tin.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem