Ukraine đang cố gắng kêu gọi thêm viện trợ tài chính và quân sự từ Mỹ cũng như các nước phương Tây khác bằng cách sử dụng "tống tiền hạt nhân", có thể bao gồm cả việc triển khai một quả bom bẩn nhằm vào chính người dân của mình để làm leo thang cuộc khủng hoảng ở Đông Âu, Bộ Ngoại giao Nga cho biết hôm 27/10.
"Có thể một trong những lý do khiến Kiev sử dụng tống tiền hạt nhân là để kêu gọi thêm nhiều viện trợ tài chính của phương Tây", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói với các phóng viên ở Moscow.
Bà Zakharova lưu ý rằng vào đầu tháng này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thúc giục NATO thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu nhằm vào Nga. Trước đó, ông Zelensky khẳng định những lời bóng gió của ông về các cuộc tấn công phủ đầu của NATO nhằm vào Nga đã bị dịch sai và ý của ông thực sự chỉ là "những động thái phòng ngừa".
"Tổng thống Ukraine sẵn sàng bắt đầu một cuộc đối đầu hạt nhân", bà Zakharova nhấn mạnh. "May mắn thay, ông ấy không có loại vũ khí này".
Mặc dù Kiev không có đầu đạn hạt nhân, nhưng Moscow cáo buộc chính phủ của Tổng thống Zelensky đang chế tạo một "quả bom bẩn" để âm mưu sử dụng nó trong một cuộc tấn công "cờ giả" mà Ukraine sẽ đổ lỗi cho Nga để kích động sự can dự ngày càng tăng của phương Tây vào xung đột. Một thiết bị như vậy có thể được sử dụng để phân tán chất phóng xạ trên một khu vực được nhắm mục tiêu. Ukraine và các đồng minh bác bỏ những tuyên bố của Nga là "vô lý".
Bà Zakharova tuyên bố: "Chúng tôi kêu gọi phương Tây sử dụng ảnh hưởng của mình với Ukraine để yêu cầu Kiev từ bỏ ý tưởng nguy hiểm và liều lĩnh này. Hành động này có thể gây ra những hậu quả không thể khắc phục, bao gồm cả sinh mạng của hàng loạt người dân vô tội".
Mỹ và các đồng minh đã cung cấp viện trợ quân sự ước tính trị giá 42,3 tỷ USD cho Ukraine, bao gồm cả 28,3 tỷ USD từ riêng Washington.
Cuối tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã nói với một số bộ trưởng quốc phòng phương Tây, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, rằng Ukraine đang chuẩn bị sử dụng một quả bom được thiết kế để phát tán chất phóng xạ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lặp lại những tuyên bố này vào hôm 26/10. Ngay sau đó, một số chuyên gia nhận định những tuyên bố gần đây là một phần của chiến lược rộng lớn hơn nhằm giúp nhà lãnh đạo Nga giành chiến thắng trong cuộc chiến.
Hôm 26/10, nhà kinh tế Thụy Điển Anders Aslund, người đã tư vấn cho cả chính phủ Nga và Ukraine, cảnh báo rằng "mọi tuyên bố từ Điện Kremlin có khả năng là không đúng sự thật" và mọi người nên tin điều ngược lại với những gì Điện Kremlin nói. Vì vậy, nếu Tổng thống Putin cáo buộc Ukraine đang cân nhắc sử dụng bom bẩn, thì đó có thể chính là kế hoạch Nga sẽ sử dụng loại vũ khí này ở Ukraine - một khả năng mà các quan chức quốc phòng Mỹ cũng đồng tình.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã bác bỏ mạnh mẽ các cáo buộc của Tổng thống Putin chống lại Ukraine, cảnh báo rằng các cáo buộc của Điện Kremlin có thể là một động thái "cờ giả" và tuyên bố Mỹ sẽ phản ứng với "bất kỳ lý do nào cho sự leo thang của Nga".
Phát biểu với Newsweek, Michael Kimmage, người trước đây nắm giữ danh mục đầu tư Nga / Ukraine trong chiến lược hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ, đồng ý rằng những tuyên bố của ông Putin đáng bị hoài nghi. Theo ông Kimmage, vì Tổng thống Putin cố tình sử dụng những tuyên bố này để che giấu kế hoạch thực sự của mình, nên mục tiêu chính của những cáo buộc này có lẽ sẽ là gây ra sự sợ hãi và hoang mang cho công chúng.
Thậm chí theo giáo sư khoa học chính trị Yuri Zhukov tại Đại học Michigan, nỗi sợ hãi và bối rối đó có khả năng trở thành một chiến lược xung đột lớn hơn.
"Mục đích của các cáo buộc bom bẩn, cũng như hầu hết các thông tin của Nga, là làm suy yếu sự ủng hộ đối với Ukraine", ông Zhukov nói với Newsweek. "Người Nga đang nhìn thấy những rạn nứt bắt đầu hình thành trong liên minh phương Tây ủng hộ Ukraine, và đang cố gắng khai thác chúng".
Động thái này là một trong những chiến thuật mà Moscow đã áp dụng trong quá khứ. Trong những ngày đầu Nga triển khai chiến dịch ở Ukraine, Điện Kremlin đã dựa vào những cáo buộc rằng Ukraine đang chế tạo vũ khí hạt nhân để trả lời về nguyên nhân cuộc xung đột cho công chúng Nga. Sử dụng bình luận của Tổng thống Ukraine Zelensky từ một hội nghị an ninh ở Munich đầu năm nay, Moscow diễn giải ý kiến của ông về các đảm bảo an ninh của Ukraine, vốn được cấp để đổi lấy việc mất kho vũ khí hạt nhân từ thời Liên Xô, trở thành một mối đe dọa hạt nhân sắp xảy ra.
Nga cũng đưa ra cáo buộc rằng Mỹ đang tài trợ cho các phòng thí nghiệm sinh học ở Ukraine, mà không đưa ra bối cảnh lịch sử rằng các phòng thí nghiệm là một phần của chương trình bắt đầu vào năm 1991. Chính vì thế, ông Zhukov cho biết các cáo buộc đánh bom bẩn có thể được coi là "một diễn biến của chiến dịch thông tin này".
Những tuyên bố mới nhất thậm chí có thể được coi là khả dĩ hơn những tuyên bố trước đó vì bom bẩn dễ phát triển hơn nhiều so với chương trình vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí sinh học mà Nga đã cảnh báo trước đây.
"Ngay cả khi một số quan chức chính trị và quân sự nước ngoài không tin những gì Nga đang nói, thì người dân các nước này vẫn cũng vẫn bán tín bán nghi", ông Zhukov cho biết.
Bằng cách tạo ra sự bối rối và lo lắng về sự leo thang hơn nữa của cuộc xung đột ở Ukraine, Tổng thống Putin hy vọng sẽ khiến phương Tây lung lay hơn nữa và dẫn đến việc phản đối gửi viện trợ cho Ukraine. Nếu Điện Kremlin có thể gây ra đủ lo ngại rằng Ukraine đang có kế hoạch kích nổ một quả bom bẩn - ngay cả khi các quan chức hàng đầu của Mỹ và Ukraine bác bỏ những cáo buộc đó - thì những tuyên bố này sẽ là lý do để chống lại việc chi thêm tiền cho Kiev.
Từ đầu xung đột, Ukraine có thể đối đầu với Nga phần lớn là nhờ vào nguồn tài trợ và vũ khí quốc tế. Nếu không tiếp tục nguồn viện trợ đó, Ukraine sẽ phải chật vật chống lại lực lượng Nga, giúp Moscow chiếm thế thượng phong trong cuộc chiến.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.