Bạn đọc Ngọc Thành (quận Đống Đa, Hà Nội) hỏi: Trong thời gian gần đây tôi thấy cảnh sát giao thông thường xuyên làm mạnh về vấn đề nồng độ cồn, nhiều lái xe sử dụng rượu bia đã bị lập biên bản, xử lý theo quy định. Vậy xin hỏi, trong trường hợp tổ công tác đo nồng độ cồn, người dân có được phép giám sát, ghi hình cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ hay không?
Luật sư Tạ Phương, Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho hay: Theo Điều 11 Thông tư 67/2019/TT – BCA thì người dân được quyền giám sát lực lượng cảnh sát giao thông khi đang làm nhiệm vụ thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình.
Tuy nhiên, việc giám sát phải bảo đảm các điều kiện như không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi nhiệm vụ; ngoài khu vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông) và tuân thủ các quy định pháp luật khác.
Ngoài ra, theo Thông tư 67/2019/TT-BCA quy định người dân được giám sát lực lượng chức năng khi đang làm nhiệm vụ. Ở đây có thể hiểu giám sát là quan sát, nắm bắt tất cả mọi thứ diễn ra, biểu hiện ra bên ngoài; còn kiểm soát, kiểm tra thì phải là lực lượng chức năng có thẩm quyền thì mới được kiểm tra.
Khi người dân có những vấn đề chưa rõ về máy đo nồng độ cồn, sẽ được cán bộ, chiến sĩ giải thích ngay tại thời điểm xử lý vi phạm.
Đồng thời, sau mỗi lần bị kiểm tra nồng độ cồn, người dân được xem thông tin trên máy để biết mình có vi phạm hay không. Nếu người vi phạm thắc mắc, khiếu nại có thể gửi đến thủ trưởng các đơn vị ở cấp quận, huyện, thị xã hoặc Phòng cảnh sát giao thông và có bộ phận tiếp nhận giải quyết.
Ở Việt Nam hiện nay chỉ duy nhất Viện Đo lường Việt Nam thuộc Tổng Cục tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ, mới có đủ phương tiện kỹ thuật máy móc, thiết bị và được phép kiểm định, dán tem kiểm định đối với các thiết bị đo nồng độ cồn, kể cả thiết bị đo nồng độ cồn của lực lượng cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.