Người đưa liệt sĩ trở về

Thứ tư, ngày 01/11/2023 09:58 AM (GMT+7)
Với Đại úy QNCN Lê Văn Thành, việc tìm kiếm, kết nối thông tin và hỗ trợ gia đình liệt sĩ luôn là nỗi đau đáu, sự thôi thúc mãnh liệt bắt nguồn từ trái tim.
Bình luận 0

Dường như có cơ duyên nào đó đã đưa anh tới lĩnh vực này, cuốn anh đi mãi trong thế giới của những mảnh ghép rời rạc về các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc và anh tự nguyện lãnh một phần trách nhiệm chắp nối những mảnh ghép ấy lại với nhau bằng tất cả sự nhiệt thành, tận tụy của một người lính.

Với chỉ huy và đồng đội ở Kho K899, Cục Quân khí, Tổng cục Kỹ thuật, Đại úy QNCN Lê Văn Thành, nhân viên Đội Cần vụ, bốc xếp, là người "miệng nói, tay làm", luôn xông xáo, nhiệt tình, không ngại khó khăn vất vả, có nhiều đóng góp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn kỹ thuật của đơn vị.

Tuy nhiên, ngoài vai trò là một người lính thợ, Đại úy QNCN Lê Văn Thành còn được biết tới là người tìm kiếm, hỗ trợ, kết nối thông tin để các gia đình thân nhân tìm thấy mộ phần liệt sĩ hoặc đưa hài cốt liệt sĩ trở về quê hương.

Người đưa liệt sĩ trở về - Ảnh 1.

Đại úy QNCN Lê Văn Thành, người đưa liệt sĩ trở về.

Năm 2016, một người bạn tâm sự với anh về trường hợp có người thân là liệt sĩ nhưng đến nay gia đình vẫn không biết thông tin mộ phần nằm ở đâu và mong anh, với tư cách là người công tác trong quân đội giúp đỡ. "Lúc đó tôi là Trung úy QNCN, công tác tại Kho K812, Cục Quân khí, Tổng cục Kỹ thuật. Tôi chưa bao giờ làm công việc này nhưng hiểu được tâm nguyện và niềm trăn trở của gia đình bạn nên đã nhận lời giúp đỡ", Đại úy QNCN Lê Văn Thành nhớ lại.

Từ thông tin ban đầu do người bạn cung cấp là liệt sĩ Hoàng Ngọc Quyến, quê ở xã Nga An, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, hy sinh ngày 17/2/1966 tại Nà Khẳng (Lào). Anh bắt đầu lên các diễn đàn mạng xã hội, các trang thông tin về liệt sĩ tìm kiếm. Qua nhiều lần xác minh, đối chiếu và kết nối với cơ quan chức năng, các cựu chiến binh, Đại úy QNCN Lê Văn Thành cho biết vào năm 2012, các đội quy tập đã đưa hài cốt của 95 liệt sĩ ở khu vực Nà Khẳng về Việt Nam, tổ chức an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Việt-Lào và Nghĩa trang liệt sĩ huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, cho đến thời điểm hiện tại, anh và gia đình người bạn vẫn chưa biết chính xác mộ phần của liệt sĩ Hoàng Ngọc Quyến ở đâu.

Cuộc tìm kiếm đầu tiên chưa như ý nhưng đã trở thành cơ duyên đưa Đại úy QNCN Lê Văn Thành đến với công việc tìm kiếm thông tin liệt sĩ. Thông qua các website, cổng thông tin điện tử, mạng xã hội, nhất là qua trang thông tin của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quân đội về liệt sĩ, anh tra cứu thông tin, đối chiếu các dữ liệu, hồ sơ, kết nối với các cựu chiến binh, các nhà từ thiện, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội các tỉnh, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội các huyện, thị, thành phố; cơ quan chính sách các xã nơi có liệt sĩ hy sinh để xác minh thông tin. Sau khi xác minh chính xác, anh lại gửi cho địa phương hoặc gia đình liệt sĩ làm cơ sở ban đầu để gia đình đối chiếu, làm các thủ tục hồ sơ thăm viếng hoặc đón hài cốt liệt sĩ trở về quê nhà.

Theo Đại úy QNCN Lê Văn Thành, cái khó nhất là tìm kiếm các dữ liệu, thông tin và đối chiếu các dữ liệu, thông tin với bia mộ khuyết (khuyết họ, khuyết quê, khuyết đơn vị, nhiều trường hợp khuyết cả họ cả quê quán). Những trường hợp như vậy, anh phải tìm hiểu dữ liệu các đơn vị, về các trận đánh, thời gian hy sinh, khu vực hy sinh, thông tin quy tập để khoanh vùng, sau đó mới đưa ra phán đoán, kết luận. "Có nhiều trường hợp phải giúp gia đình làm các thủ tục, hồ sơ, phối hợp với cơ quan chức năng lấy mẫu xét nghiệm ADN để xác nhận. Có trường hợp khi kết nối được với địa phương thì liệt sĩ lại không có tên trong danh sách, rồi người nhà liệt sĩ đã chuyển đi nơi khác...", Đại úy QNCN Lê Văn Thành chia sẻ.

Gần đây nhất là trường hợp liệt sĩ Trịnh Đình Vi, quê xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Đây là trường hợp liệt sĩ có bia mộ khuyết thông tin, sai quê quán, cụ thể: Trên bia mộ liệt sĩ này ghi là Trịnh Đình Vy và quê quán chỉ ghi là Thường Xuân, Thanh Hóa. Sau khi tìm kiếm, tra cứu các thông tin, ghép hồ sơ trên cơ sở dữ liệu đã tìm được với bia mộ, anh phát hiện liệt sĩ tên là Trịnh Đình Vi, quê ở xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Sau khi thông tin được gửi về địa phương, gia đình, người thân vô cùng vui mừng. Ngày 6/4/2023, người thân gia đình liệt sĩ Trịnh Đình Vi từ Thanh Hóa đã vào Nghĩa trang liệt sĩ huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh nhận mộ và đưa hài cốt liệt sĩ trở về quê hương.

Một cuộc kiếm tìm khác khiến Đại úy QNCN Lê Văn Thành rất xúc động là liệt sĩ Tống Duy Tậu, quê xã Hà Bắc, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Liệt sĩ Tống Duy Tậu hy sinh ngày 9/12/1970 tại mặt trận phía Nam. Một thời gian dài, gia đình không biết mộ liệt sĩ nằm ở đâu, đã được quy tập về nghĩa trang nào? Theo thời gian, bố mẹ và người em trai duy nhất của liệt sĩ Tống Duy Tậu đều qua đời. Người em dâu của liệt sĩ Tống Duy Tậu dù hoàn cảnh rất khó khăn nhưng vẫn luôn khắc khoải, không ngừng tìm kiếm thông tin về phần mộ của anh chồng.

"Một lần, khi tra cứu trên website thongtinlietsi.gov.vn, tôi thấy có hình ảnh bia mộ một liệt sĩ nhưng khuyết danh, chỉ ghi đơn vị, ngày, tháng, năm hy sinh và hai chữ Hà Bắc. Khi tra cứu và đối chiếu thông tin này trên Cổng thông tin điện tử Ngành Chính sách quân đội, tôi thấy có thông tin một liệt sĩ được an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai trùng khớp với thông tin trên bia mộ. Tôi đã gửi toàn bộ thông tin trên tới fanpage facebook của huyện Hà Trung, hy vọng tìm được người thân liệt sĩ. Thông qua một đồng chí cán bộ của xã Hà Bắc, chúng tôi đã kết nối được với gia đình, liên hệ với cơ quan chính sách của 2 địa phương, tiến hành xác minh, chúng thực và nhận mộ. Sau hơn 3 năm thực hiện các thủ tục, ngày 25/2/2022, lễ truy điệu và an táng liệt sĩ Tống Duy Tậu đã được tiến hành trang trọng tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Hà Trung trong niềm xúc động của mọi người tham gia", Đại úy QNCN Lê Văn Thành bồi hồi nhớ lại.

Trong chương trình "Đi tìm đồng đội" ngày 28/4/2023 của Kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam, Đại úy QNCN Lê Văn Thành đã thực hiện ghép hồ sơ các liệt sĩ khuyết thông tin tại Lâm Đồng, qua đó, hỗ trợ hoàn thiện đính chính 6 liệt sĩ và hỗ trợ đưa hài cốt 2 liệt sĩ trở về quê hương.

Người đưa liệt sĩ trở về - Ảnh 2.

Đại úy QNCN Lê Văn Thành, thứ hai từ phải sang trong một chuyến hỗ trợ gia đình thân nhân hồi hương hài cốt liệt sĩ.

Đến nay, Đại úy QNCN Lê Văn Thành đã mang tin vui tới hàng trăm gia đình liệt sĩ tại các tỉnh Thái Bình, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Không chỉ kết nối qua điện thoại, mạng xã hội, anh còn bỏ thời gian, kinh phí cá nhân để cùng với người thân liệt sĩ và cán bộ chính sách tới các địa phương tìm kiếm, xác nhận thông tin liệt sĩ. Với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, anh kết nối với các mạnh thường quân hỗ trợ phương tiện để đưa hài cốt liệt sĩ hồi hương.

Dù việc tìm kiếm, kết nối thông tin và hỗ trợ gia đình liệt sĩ đã lấy đi của Đại úy QNCN Lê Văn Thành khá nhiều thời gian, công sức nhưng anh luôn thực hiện nó bằng tất cả sự tự nguyện, chu đáo, khoa học. Nếu vào trang facebook, zalo của cá nhân anh, nhiều người sẽ nghĩ anh là cán bộ chính sách hoặc một tình nguyện viên chuyên nghiệp bởi hầu hết thông tin mà anh đăng tải đều liên quan tới các liệt sĩ.

"Mỗi khi nhìn thấy sự "đoàn tụ" của người thân với liệt sĩ, trong tôi lại trào dâng nỗi xúc động. Điều đó tiếp thêm sức mạnh, động lực cho tôi tiếp tục đi trên hành trình này. Tôi chỉ mong sao mình có đủ sức khỏe, luôn nhận được sự chia sẻ, tạo điều kiện của gia đình, đơn vị nhằm góp phần xoa dịu nỗi đau chiến tranh mà nhiều gia đình còn phải gánh chịu", Đại úy QNCN Lê Văn Thành bày tỏ.


Lê Chất (Quân Đôi Nhân Dân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem