Người mẹ thứ hai của các em nhỏ ở bản Huồi Bắc

Thứ ba, ngày 11/04/2023 06:15 AM (GMT+7)
Ở bản Huồi Bắc, xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, giao thông còn cách trở, chưa có điện lưới quốc gia, số đông người khỏe mạnh đều rời quê đi làm ăn xa, nhiều em nhỏ trong độ tuổi học mầm non được bố mẹ để ở nhà cho ông bà trông nom.
Bình luận 0

Phụ trách dạy học ở Điểm trường bản Huồi Bắc, Trường Mầm non xã Bắc Lý, cô giáo Lương Thị Hoa trở thành người mẹ chung của những em nhỏ tại đây. Cô chăm lo cho các em từng bữa ăn, giấc ngủ...

Người mẹ chung của những đứa trẻ

Sáng sớm của ngày đầu tháng 4, y sĩ, Thiếu tá QNCN Trần Đình Giáp, Trạm Quân dân y kết hợp bản Huồi Bắc, Đồn Biên phòng Mỹ Lý, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An đã nghe tiếng gọi từ ngoài cổng: "Bác Giáp có trong nhà không? Nhờ bác kiểm tra sức khỏe cho mấy đứa trẻ giúp với, em vừa vào bản tìm về, chúng sốt li bì, chẳng ăn uống gì được". Một người phụ nữ có thân hình nhỏ nhắn, tay dắt theo 5-6 đứa trẻ đen nhẻm tiến vào sân với nét mặt đầy lo lắng. Cô nhanh chóng hướng dẫn các em ngồi gọn trong phòng, chờ được cán bộ quân y kiểm tra y tế. Đó chính là cô giáo Lương Thị Hoa, Trường Mầm non xã Bắc Lý, phụ trách dạy học ở Điểm trường bản Huồi Bắc suốt 5 năm qua.

Khi đã chuẩn bị xong mọi thứ, anh Giáp bắt đầu kiểm tra nhiệt độ cơ thể, soi họng, tai cho từng em, rồi nhìn sang cô giáo Hoa, nói: "Có 3 cháu sốt trên 40 độ C, nguyên nhân bị viêm họng và viêm tai giữa. Cô đi lấy khăn và nước ấm khẩn trương lau cơ thể của các cháu. Tiếp đó, tôi sẽ cho các cháu dùng thuốc hạ sốt rồi cấp thuốc để cô mang về lớp cho các cháu uống sau bữa ăn trưa".

Có lẽ đã quen, cô giáo Hoa rảo bước xuống phòng bếp lấy phích nước sôi, đổ vào chậu nhỏ mang lên. Sau đó, cô vò khăn ướt, nhanh chóng, lần lượt lau sạch sẽ mặt mũi, chân tay cho các học trò nhỏ. Động tác nhẹ nhàng của cô giáo, sự tin tưởng của học trò tạo cho người quan sát cảm nhận như người mẹ đang chăm sóc cho các con của mình.

Người mẹ thứ hai của các em nhỏ ở bản Huồi Bắc - Ảnh 1.

Cô giáo Hoa và cán bộ Trạm Quân dân y kết hợp bản Huồi Bắc chăm sóc sức khỏe cho học sinh.

Sau khi nhận đủ thuốc và sự chỉ dẫn của cán bộ quân y, cô giáo Hoa lại tay bồng, lưng cõng những đứa trẻ trở về điểm trường. Trước khi rời phòng khám, cô nói như giải thích về sự vội vàng: "Em đang gửi học trò ở lớp cho mấy cô giáo tiểu học, phải về nhanh còn nấu ăn cho các cháu nữa". Bóng cô giáo Hoa và những đứa trẻ khuất dần trên con đường đất chật hẹp tiến sâu vào khu dân cư biên giới. 

Trò chuyện với anh Giáp, tôi được biết: Bản Huồi Bắc cách trung tâm xã khoảng 10km, chưa có điện lưới quốc gia, đường giao thông cách trở, nguy hiểm, nhất là vào mùa mưa, rất khó đi lại. Toàn bản có hơn 60 hộ dân đồng bào dân tộc Khơ Mú sinh sống. Kinh tế của bà con phụ thuộc chủ yếu vào việc làm nương rẫy, chăn nuôi gia súc. 

Những năm gần đây, việc phát rừng làm nương rẫy bị nghiêm cấm, chăn nuôi gia súc không hiệu quả, cuộc sống nhân dân trong bản gặp muôn vàn khó khăn. Để cải thiện đời sống, phần lớn người khỏe mạnh trong bản, nhất là những vợ chồng trẻ đều chọn cách rời nhà đi làm ăn xa. "Rất nhiều đứa trẻ ở độ tuổi mầm non trong bản được bố mẹ để lại cho ông bà trông nom nên thiệt thòi đủ đường. Rất may, ở đây có cô giáo Hoa luôn tận tâm lo từ miếng ăn, giấc ngủ, rồi phối hợp với chúng tôi chăm sóc sức khỏe cho bọn trẻ. Nhưng phải nói thật, trạm quân dân y này phụ trách 8 bản "vùng trong" xa xôi của xã, dân số đông nên thường xuyên thiếu các loại thuốc cần thiết".

Điểm trường Mầm non bản Huồi Bắc chỉ cách cơ sở y tế của Bộ đội Biên phòng khoảng 200m, nằm chênh vênh bên ngọn đồi dốc, có 20 học trò ở nhiều lứa tuổi. Khi chúng tôi đến, các em học sinh đang chơi ở sân, mấy cháu bị ốm nằm trên giường với cặp mắt đờ đẫn.

Còn cô giáo Hoa đang trong góc bếp chuẩn bị bữa ăn cho "cả nhà". Nghe giọng người lạ, cô bước ra, mồ hôi lấm tấm trên trán, nói: "Các anh thông cảm, có một mình nên tôi phải làm hết mọi việc. Cũng không khác được nên phải để bọn trẻ tự chơi với nhau".

Dù trò chuyện với chúng tôi nhưng cô Hoa vẫn luôn tay làm việc, chốc lát, nồi cơm cùng thức ăn được mang ra. Bữa trưa theo tiêu chuẩn 8.000 đồng Nhà nước cấp cho học sinh vùng cao được cô giáo chuẩn bị có cơm, trứng rán và canh.

Cô giáo Hoa chia đều ra từng bát, ra hiệu cho học trò ngồi vào tự ăn. Còn cô vào bế 3 bạn bị ốm đang nằm trong phòng ra ghế, bón cho từng cháu ăn, rồi cho uống thuốc theo chỉ dẫn của cán bộ quân y. Bọn trẻ vào giấc ngủ trưa, cô giáo mới bưng bát cơm "thập cẩm" của mình ra ngồi ăn ở bàn, sau đó dọn dẹp gọn gàng mọi thứ khi đồng hồ đã chỉ hơn 12 giờ.

"Tôi và đồng nghiệp luôn nỗ lực vì học trò"

Cô giáo Hoa chia sẻ về gia cảnh của mình với chúng tôi: Nhà cô ở tận xã Lục Dạ, huyện Con Cuông (Nghệ An), cách Điểm trường Huồi Bắc gần 200km. Chồng cô không có việc làm ổn định, bố mẹ đã cao tuổi, thường xuyên ốm đau, 3 con đều đang thơ dại. Trong 3 người con, cháu nhỏ 3 tuổi được cô giáo Hoa đưa lên ở cùng tại điểm trường. "Công tác xa, tôi cũng nhớ các con, người thân lắm. Nhưng để về nhà, tôi phải đi ô tô 2-3 chặng, tốn kém nhiều tiền. Vì thế, cứ 1-2 tháng hoặc khi có việc đột xuất, tôi lại đánh liều chạy xe máy chở theo con về thăm nhà, ăn bữa cơm đoàn tụ cùng gia đình rồi lại lên điểm trường dạy học", cô giáo Hoa gạt nước mắt, tâm sự.

Cô Hoa chia sẻ thêm rằng, vốn hoàn cảnh khó khăn, lại có con nhỏ nên cô rất yêu thương đám trẻ ở vùng biên giới, nhìn chúng túng thiếu đủ đường mà đau lòng. Chính vì thế, những ngày không thấy học trò đến, cô giáo Hoa lại gửi lớp cho các đồng nghiệp ở điểm trường tiểu học để đi sâu vào bản tìm các con. Mỗi điểm bản của Trường Mầm non xã Bắc Lý chỉ có một giáo viên phụ trách. 

Chính vì thế, cô giáo Hoa phải làm mọi việc từ dạy học, nấu ăn, dọn dẹp, vệ sinh môi trường xung quanh. Ở vùng đất còn nhiều khó khăn, bữa ăn trưa hằng ngày của mẹ con cô và học trò đều có tiêu chuẩn như nhau. Trong điều kiện thời tiết mưa lớn kéo dài, sạt lở đường, người tiếp phẩm từ trung tâm xã không vào được, nhiều khi cô trò phải ăn cơm cùng mì ăn liền trộn với rau rừng.

Một mình luôn bận rộn với công việc nhưng theo người dân ở đây thì vào thời gian nắng nóng, cô Hoa sẽ tắm cho học trò 3-4 lần một tuần. Khi mùa đông giá rét, cô giáo cắm bản ở Huồi Bắc lại lên núi lấy củi đun nước nóng tắm cho các em. 

Ngày nghỉ cuối tuần, cô giáo Hoa cùng con xuống bản, hỗ trợ, hướng dẫn phụ huynh học trò dọn dẹp nhà cửa, ăn uống hợp vệ sinh. "Do điều kiện ăn ở, phần lớn các cháu ở lớp học đều bị bệnh ngoài da, tôi thường xuyên tắm rửa, xin thuốc để điều trị. Nhưng trong điều kiện không có thuốc đầy đủ và các cháu lại không có quần áo mới để thay nên bệnh rất khó chữa khỏi hẳn", cô Hoa chia sẻ thêm. 

Qua tìm hiểu, được biết, cô giáo Hoa đã có 9 năm dạy học ở xã Bắc Lý và từng "cắm" ở những điểm bản xa xôi, khó khăn nhất như Kẻo Nam, Nhợt Kho và ở Huồi Bắc. Dù ở địa bàn nào, cô luôn vững vàng thực hiện nhiệm vụ, dành sự yêu thương cho học trò và được nhân dân rất tin yêu. Khi được hỏi, cô giáo mầm non ở Điểm trường Huồi Bắc khẳng định: "Tôi và đồng nghiệp công tác ở vùng đất gian khó này luôn nỗ lực vì học trò".

Viết Lam (QĐND)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem