Những loại hóa chất nguy hiểm nào trẻ dễ uống nhầm?

Bảo Yến (tổng hợp) Thứ ba, ngày 12/07/2016 14:34 PM (GMT+7)
Đã có không ít trẻ em uống nhầm một số loại hóa chất để trong nhà vì tưởng là nước ngọt, nước lọc... Kết quả không ít bé phải nhập viện điều trị, thậm chí tử vong.
Bình luận 0

Thuốc diệt cỏ trong lon Coca Cola

Ngày 8.7, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang tiếp nhận 3 bệnh nhi: Lý Ngọc S. (2 tuổi), Lý Thị P. (4 tuổi) và Lý Văn Tr. (5 tuổi), là 3 anh chị em ruột trong một gia đình trú tại thôn Tấu Lìn, xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn (tỉnh Tuyên Quang) do uống nhầm thuốc diệt cỏ.

Theo gia đình bệnh nhân, trước đó bố mẹ các em có đựng thuốc diệt cỏ non trong 1 vỏ chai Coca Cola và để trong nhà. Khi 3 em nhìn thấy tưởng nhầm là nước ngọt nên đã rủ nhau cùng uống. Sau khi phát hiện, gia đình lập tức đưa các cháu đến Bệnh viện đa khoa khu vực ATK để sơ cứu, sau đó được chuyển lên điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang.

Hiện tại, sau 4 ngày điều trị, sức khỏe 3 em dần ổn định, tỉnh, không sốt, không nôn, ăn được.

Trước đó cũng tại Tuyên Quang, trường hợp của em Đoàn Thị Thu (2 tuổi,trú tại Trung Môn, Yên Sơn) phải nhập viện cấp cứu do uống nhầm thuốc diệt cỏ. Theo gia đình em Thu cho biết, do bất cẩn nên đã để em uống nhầm lọ thuốc diệt cỏ non, khi kiểm tra miệng thấy có bột thuốc màu trắng. Sau khi phát hiện gia đình đã ngay lập tức đưa cháu tới khám và điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh.

img

Ảnh minh họa. I.T

Cồn

Tháng 10.2015,  bé Quỳnh Anh 4 (Hà Nội) tuổi phải nhập viện Bệnh viện Bạch Mai vì uống nhầm cồn. Chị Vũ Thị Mai – mẹ bé cho biết, bé có thói quen được mẹ cho súc miệng bằng nước muối sinh lý để diệt khuẩn trước khi đi ngủ. Mọi ngày, chị bận là bảo con vào lấy chai nước muối loại 0,5 lít để súc miệng.

Tuy nhiên, hôm đó chồng chị vừa nướng mực bằng cồn. Lọ còn dư anh để mặt bàn. Quỳnh Anh thấy thế tưởng lọ nước muối nên mở ra uống. Ngay lập tức cháu khóc ré lên. Vợ chồng chị Mai chạy từ bếp ra thì phát hiện cháu đã uống nhầm lọ cồn. Bé bị bỏng niêm mạc, không viêm phổi do hít phải cồn.

Keo dán bỏ tủ lạnh

Đó là trường hợp anh Trần Đình Anh ở quận 12 (TP HCM). Theo lời kể của anh Đình Anh, do anh làm nghề dán trần nhựa, mica thuê nên thường xuyên phải sử dụng keo dán với số lượng lớn. Đặc điểm của loại keo này là khi đã mở nút, nếu để bên ngoài, keo sẽ nhanh khô lại, không thể sử dụng. Để bảo quản anh thường đổ keo vào các chai nước suối, bỏ vào tủ lạnh. Vì sự bất cẩn này, anh đã khiến con trai 8 tuổi rơi vào tình trạng nguy hiểm do uống nhầm keo.

"Mua chai nhỏ thì mắc tiền, chai lớn thì xài vài lần mới hết. Trữ keo trong tủ lạnh là cách duy nhất để keo không bị hư. Trước giờ tôi vẫn làm như vậy, không có chuyện gì xảy ra. Chiều ngày 17.6, con chơi đùa ngoài đường, chạy về mở tủ uống nước mà không để ý nên uống nhầm keo", anh Đình Anh chia sẻ.

img

Nhiều phụ huynh có thói quen trữ hóa chất vào vỏ chai nước suối và nước ngọt sẽ khiến trẻ dễ nhầm lẫn. I.T

Dầu hỏa

Chiều 9.10.2015, bé Nguyễn Văn L. 3 tuổi trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội nhập viện vì bị ngộ độc dầu hỏa. Theo chị Hoa- mẹ của bé, trong lúc bất cẩn, chai dầu hỏa được bà nội đựng vào lọ nước trà xanh 0 độ đã dùng từ trước. Mọi người không để ý, cháu bé đã mở nắp lấy uống. Lúc chị đang làm bếp thấy con khóc ho liên tục. Chị chạy ra thì thấy cháu bé hơi nồng nặc mùi dầu hỏa.

Hai mẹ con vội bắt taxi vào bệnh viện cấp cứu. Theo bác sĩ tại khoa Nhi khi nhập viện cháu bé ho nặng, miệng đầy hơi dầu hỏa. Dù cháu không có dấu hiệu ngộ độc nặng nhưng bác sĩ vẫn cho nhập viện để theo dõi tình trạng viêm phổi do hóa chất.

Tương tự, ngày 18.6.2016, chị Nguyễn Thị Bé (28 tuổi), ngụ tại Lai Vung (Đồng Tháp), có con trai 5 tuổi đang nằm viện điều trị do uống nhầm dầu hỏa. Theo chị Bé, nhà chị vốn nấu ăn bằng bếp dầu. Chị vẫn có thói quen chứa dầu hỏa vào chai, để dưới gầm bàn đựng gia vị.

"Tui thấy cái chai đựng dầu méo mó nên lấy chai nước ngọt đổ dầu vô. Ai ngờ, con tưởng nước ngọt nên uống vào rồi nằm lịm. Tui đưa con đi cấp cứu ở Lai Vung, họ chuyển thẳng lên thành phố. Sau 1 ngày nằm khoa Cấp cứu, họ chuyển con lên khoa Hô hấp vì con đã bị viêm phổi. Hiện tại, con có thể ăn uống, nhưng vẫn còn ho và khò khè, bác sĩ nói cần theo dõi thêm", chị Bé cho biết.

Axit

Đó là trường hợp của em Dương Phúc Q. (7 tuổi) ở Quảng Ninh. Sự việc xảy ra vào ngày 6.5.2015, khi vầ đi học về Q. thấy một chai nước Lavie để trước sân nhà, đang trong cơn khát, em đưa lên miệng uống, không ngờ lại là axít (đã pha loãng để đổ bình ắc quy).

Sau uống, em nôn mửa liên tục và ngay lập tức được gia đình phát hiện, đưa đi rửa dạ dày tại bệnh viện địa phương. Tuy nhiên, 1 tuần sau khi ổn định ra viện, em Q. xuất hiện nôn nhiều sau ăn, đau thượng vị, thể trạng suy kiệt dần. Ngày 19.5, em Q. được chuyển lên bệnh viện Nhi Trung ương.

Theo kết quả sau thăm khám, làm các xét nghiệm và nội soi dạ dày bằng ống mềm cho thấy bệnh nhi bị bỏng dạ dày và hẹp môn vị sau uống axít. Vì vậy, em phải phẫu thuật cắt 2/3 đoạn dạ dày của bệnh nhi nhằm giải quyết triệt để nguyên nhân và phòng diễn biến ung thư hóa về sau.

Nói về những sự cố nhầm lần trên bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch cho biết, người dân có thói quen là hay tận dụng những chai lọ đựng thực phẩm, nước uống để chứa các hóa chất như dầu hỏa, axít… Những thói quen tưởng như vô hại của người lớn lại là mối nguy hiểm cho trẻ bởi trẻ nhỏ vốn hiếu động, lại thấy những loại nước uống rất hấp dẫn nên khi vừa nhìn thấy thường uống ngay bởi không ý thức được bên trong chai nước là dung dịch gì.

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem