Ngày là người, đêm là... ma(?!)Theo tìm hiểu của PV, những câu chuyện liêu trai về “ma cà rồng” ở một số xã của huyện miền núi Tân Sơn được người dân truyền tai nhau là có thật. Để tìm hiểu những câu chuyện này, chúng tôi đã về xã Xuân Sơn, nơi heo hút nhất của huyện Tân Sơn, đang được cho là xuất phát điểm của những lời đồn thổi.
Theo nhiều cụ cao niên dân tộc Dao của bản Lấp cho biết, chuyện ma cà rồng ở Xuân Sơn cũng được truyền miệng lại từ nhiều đời trước. Theo thông tin từ các cụ già kể lại, “ma cà rồng” ban ngày thì là người bình thường, nhưng ban đêm nó biến thành ma đi hút máu người. Nghe nói có cả dòng họ là ma, nó “ăn hang ở lỗ”, sinh sống cạnh suối, đến mùa nước lớn nó vào làng để hút máu người, bắt trộm gà qué.
Ông Bàn Xuân Lâm - Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn.
Cụ Bàn Văn Nhân, người bản Lấp cho biết, từ thuở bé cụ đã được ông bà, bố mẹ kể lại những câu chuyện liên quan đến con “ma cà rồng”. Theo lời cụ Nhân kể lại, “ma cà rồng” ban ngày cũng là người bình thường, nhưng ban đêm lại hóa thành “ma cà rồng”, họ thường đi hút máu các loài động vật trong bản làng và bắt trẻ con mới đẻ ăn thịt, “ma cà rồng” có phép biến hóa và thần thông như Tôn Ngộ Không, nó có thể thành một số loài động vật khác khi bị đuổi hay phát hiện.
Cũng theo đồn thổi, khi màn đêm buông xuống, “ma cà rồng” chui xuống gầm sàn ăn phân lợn, uống nước gạo, lưỡi thè ra đỏ lòm dài ngang ngực. Theo lời đồn đại, “ma cà rồng” khi hiện nguyên hình thì lăn như con nhím. Để lăn được như thế thì chúng thu nhỏ 2 chân và đút vào lỗ mũi. Chính vì thế lỗ mũi của “ma cà rồng” to và thính hơn mũi người nhiều lần. Cũng theo những lời đồn thổi thì “ma cà rồng” chẳng bao giờ chết.
Mỗi lần người "bị ma nhập" chết đi ấy là một lần "ma cà rồng" lột xác. Lột xác bảy lần thì "ma cà rồng” có thêm một chiếc sừng, có thêm một chiếc sừng thì "ma cà rồng" thoát xác 63 lần, trên đầu có 9 cái sừng thì "ma cà rồng" thành tinh, biến hoá muôn hình vạn trạng. Lúc ấy chỉ cần "ma cà rồng” nhìn ai thì người đó sẽ phải... chết(!?).
Chính vì vậy mà người nào bị dân bản nghi là "ma cà rồng" thì sẽ bị cả bản xa lánh, cô lập. Chẳng ai muốn giao tiếp và đặc biệt rất sợ người đó đến nhà mình chơi. Nếu người bị nghi là “ma cà rồng” đến chơi nhà nào thì dứt khoát vài ngày sau lợn, gà của nhà đó tự dưng sẽ lăn đùng ra chết(?!).
Cũng theo lời đồn thổi mà phóng viên nghe được, “ma cà rồng” cũng được nhiều người dân coi là "bệnh" thường có trong cả một gia đình hoặc dòng họ. Đời trước truyền lại cho đời sau, vì thế nhiều dòng họ ở một số xã của huyện Tân Sơn bị nghi là dòng họ “ma cà rồng”.
Cũng vì những đồn đại này mà trước đây ở một số địa phương của huyện Tân Sơn có tục lệ cực kỳ khác lạ, không bao giờ người ở nơi khác đến chơi mà ngủ lại ở địa phương qua đêm vì theo quan niệm mê tín ngày xưa, "ma cà rồng" thích "xơi" người lạ. Ngày ấy, nếu có người lạ đến chơi, ban ngày thì không sao, nhưng cứ đến buổi tối thì chủ nhà lại phải đóng chặt cửa, bố trí người thay nhau canh gác suốt đêm.
Một số người ở bản Cỏi, bản Lạng, bản Dù, bản Lấp của xã Xuân Sơn đến nay còn hay lan truyền những lời đồn nhảm nhí như khi không có người lạ hay bà đẻ để hút máu, “ma cà rồng” chuyển sang đi ăn những con vật có mùi tanh như ếch, nhái. Rồi chuyện có khi hai vợ chồng đang ngủ, anh chồng biến thành “ma cà rồng” tỉnh giấc, đi ra ngoài đồng bắt ếch nhái ăn sau đó về nhà uống nước vo gạo trong những chiếc lu. Khi ăn uống xong, anh chồng nôn ra toàn ếch nhái...
Cũng theo đồn thổi, đàn bà sau khi sinh nở thì phải có người thân trong gia đình trông cả ngày trong vòng 3 tháng để đứa trẻ cứng cáp vì khi sinh nở xong, mùi máu tanh dễ dẫn “ma cà rồng” đến bắt trẻ con hoặc hút sạch máu người mới đẻ(?!). Người dân nơi đây cũng truyền tai nhau rằng “ma cà rồng” không thích hút máu người quen, vì vậy khi có người lạ đến chơi, chủ nhà phải chú ý đóng chặt cửa. Nhất là có lời đồn “ma cà rồng” thường biến thành gái xinh nên nhiều cô gái ở bản phải bỏ đi nơi khác để sống, kiếm tấm chồng.
Nhiều bản làng người dân tộc ở Tân Sơn bị nghi là có “ma cà rồng”.
Chỉ là lời đồn dọa trẻ con Ông Trần Duy Thái, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tân Sơn cho biết, mấy năm trước đây, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tân Sơn phối hợp với Viện Nghiên cứu văn hóa đã có những khảo sát nghiên cứu cụ thể về phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc trong huyện, song cũng không ghi nhận được thông tin về “ma cà rồng” xuất hiện ở vùng miền, nào của huyện, những câu chuyện đồn thổi về “ma cà rồng” tại địa phương có thể do một số cộng đồng dân tộc bịa ra để dọa trẻ con, như kiểu ông “ngáo ộp” ở miền xuôi.
“Lâu ngày những thông tin ấy bị "thêm mắm, thêm muối" thành truyền thuyết. Đến ngày nay, nhiều người cũng lấy cái thuyết đó để dọa trẻ con cho bọn chúng không dám ra khỏi nhà vào ban đêm, chứ trên thực tế tôi khẳng định là không có” - ông Thái nhấn mạnh.
Ông Bàn Xuân Lâm, Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn xác nhận, chuyện "ma cà rồng" ở địa phương đều là những câu chuyện truyền miệng từ xưa để lại, chứ ở địa phương từ già đến trẻ không ai biết mặt ngang mũi dọc con “ma cà rồng” nó thế nào. Ông Lâm chia sẻ, ngày bé ông cũng có nghe các cụ nói về “ma cà rồng” đi hút máu người. Bây giờ lời đồn vẫn còn tồn tại, nhưng thực tế thì đó là lời đồn nhảm, để dọa nạt con trẻ cho chúng không đi chơi, hay dọa những đứa hay quậy.
Ông Lâm cũng cho biết, lời đồn về “ma cà rồng” cũng làm ảnh hưởng đến đời sống tâm linh người dân địa phương, khiến nhiều người bán tín bán nghi, nhiều tục lệ của địa phương cũng được thực hiện để chế ngự lời đồn, như khi nhà có người phụ nữ đẻ, phải treo một túi ớt tươi ở trước cửa nhà. "Theo quan niệm của các cụ, túi ớt này vừa thông báo với người lạ là nhà có người đẻ, vừa ngăn được “ma cà rồng” vào nhà để hút máu người vì người xưa cho rằng ớt chế ngự được “ma cà rồng” - ông Lâm cho biết.
“Ma cà rồng” hút máu người là truyền thuyết của dân tộc Mường
Chia
sẻ về thông tin người lạ đến nhà nếu không bảo vệ sẽ bị “ma cà rồng”
bắt mất, ông Lâm cho biết, nhà ông đang cho một đoàn khách gần 90 người
là những sinh viên khoa Lâm nghiệp của Đại học Hùng Vương về trọ để các
bạn thực tập. Ở một thời gian dài rồi mà không thấy có ai bị làm sao,
điều đó chứng tỏ đây chỉ là những thông tin đồn thổi không có căn cứ.
Cũng theo ông Lâm, câu chuyện về “ma cà rồng” đi hút máu người là truyền
thuyết của người dân tộc Mường sinh sống tại địa bàn. Tuy nhiên truyền
thuyết ngày xưa thì vẫn là truyền thuyết, hiện giờ tại địa phương không
có “ma cà rồng”.
|
Người đưa tin (Theo Người đưa tin)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.