Thái Nguyên 24 giờ trong lũ dữ - Ảnh 1.

Sáng 12/9, Hoàng - 11 tuổi ở phường Quang Vinh, TP Thái Nguyên thử đo chiều cao của mình với mực nước ngay cửa ra vào rồi hỏi: "Ông xem nước cao hơn cả đầu nhiều không?". Vạch ngấn nước gần gấp đôi chiều cao cậu bé còn in trên tường nhà là dấu ấn của trận lũ lụt vừa qua. Lúc này, trong nhà, ngoài đường, người lớn vẫn đang dọn dẹp hậu quả lũ lụt để lại.

Trước đó, từ tối muộn ngày 8/9, nước lũ bắt đầu tràn vào phường Quang Vinh, vợ chồng ông Tuấn (Tổ 10 phường Quang Vinh, TP Thái Nguyên) động viên nhau kê giường tủ. 

"Tôi bảo vợ, nước cao lắm thì mấp mé thềm nhà, nhưng cứ kê lên cho chắc”, ông Tuấn kể lại. Lúc ấy, ông Tuấn không thể ngờ, gia đình mình sẽ bị cô lập bởi lụt trong những ngày sau.

2 giờ sáng hôm đấy, nước ồ ạt tràn về, đồ vừa kê đã ngập đến ngọn. Đồ đạc lềnh bềnh, vớt không kịp, ông vơ vội ít vật dụng, đồ khô, hô hoán vợ và các cháu lên hết tầng 2. Tầng 1 căn nhà phó mặc cho nước lũ.

Sau hơn 3 tiếng vật lộn với dòng nước, vợ chồng ông dường như kiệt sức. Ông Tuấn thất thần nhìn xuống dòng nước quẫy mạnh các ngóc ngách trong nhà.

Thái Nguyên 24 giờ trong lũ dữ - Ảnh 2.

Người dân Quang Vinh chưa thấy trận lũ nào lớn đến vậy.

Cách đó không xa, trong ngõ nhỏ là nơi buôn bán gạo của cả khu vực, ông Nguyễn Văn Tăng (65 tuổi, tổ 1, phường Hoàng Văn Thụ, TP.Thái Nguyên) cùng nhiều người chạy lũ để cứu hàng trăm tấn gạo.

Người đàn ông 65 tuổi nhớ lại, gần 30 năm nay, ông chưa thấy trận lũ nào lớn đến vậy, mọi người đều chủ quan, nước ào vào nhà, trở tay không kịp. “Nhà tôi, khoảng 50 tấn gạo ngập nước”, ông Tăng đau xót.

Tiếng loa phóng thanh liên tục vang lên cảnh báo, phía xa, nước lũ tại trạm thủy văn Cầu Gia Bảy ở mức báo động 3 - mức rất nguy hiểm. Lãnh đạo TP Thái Nguyên đi thị sát ngay trong đêm. 

Mưa lớn vẫn trút, lũ từ thượng nguồn vẫn đổ về. Một loạt vùng trũng thấp, vùng ven sông tại các huyện Đồng Hỷ, Phú Bình, TP.Phổ Yên và TP.Thái Nguyên dần chìm trong nước.

img
img
img

Nước lũ bủa vây, người dân Quang Vinh không kịp trở tay.

Người dân phường Quang Vinh, Hoàng Văn Thụ, Đồng Bẩm… (TP Thái Nguyên) ở dọc sông Cầu, quen với cảnh ngập, nhưng ít ai nghĩ năm nay nước lại dâng cao đến vậy.

Chị Mai Thùy Dung (phường Quang Vinh) chưa bao giờ nghĩ nước lại lên nhanh chỉ trong thời gian ngắn như vậy.

Người phụ nữ 30 tuổi chốc chốc lại nhòm xuống tầng một đo mực nước. Gia đình 4 người nhà chị cố thủ trên tầng hai của gia đình với hy vọng nước sẽ rút nhanh. Nhưng càng chờ, nước dâng lên càng cao.

Chiều và tối 9/9, chị Dung cùng hàng chục người khác đã kêu cứu lên mạng xã hội. Nước lên nhanh quá, nhiều người không kịp trở tay.

Thái Nguyên 24 giờ trong lũ dữ - Ảnh 3.

Một người dân phường Quang Vinh dầm mình trong nước lũ, với hy vọng vớt vát những tài sản còn lại của gia đình.

- Em cầu xin các đội cứu hộ đến cứu gia đình em.

- Tổ 10, xóm Quyết Tiến, Quang Vinh bị cô lập, nước lên mái nhà rồi, trẻ con vừa đói vừa rét. Chưa có ai đến cứu, mong mọi người chia sẻ.

- Quyết Tiến ngập cả rồi, nhà mình đang ở trên mái, mong cứu giúp.

Nhiều tài khoản trên mạng xã hội đăng lời chia sẻ khẩn cấp. Lúc này, nước lũ tại trạm thủy văn Cầu Gia Bảy lên nhanh. Đỉnh lũ, 1 giờ sáng ngày 10/9/2024 đạt mức hơn 2,8m. 

Thái Nguyên 24 giờ trong lũ dữ - Ảnh 4.

Đọc nhiều lời kêu cứu trên mạng xã hội, chị Phan Hữu Giang (Phổ Yên, Thái Nguyên) có mặt tại Quang Vinh (TP Thái Nguyên) từ tối 9/9. Chị cùng hơn 20 người trong đoàn, kèm theo 6 thuyền lớn cùng 600 suất cơm hỗ trợ người dân mắc kẹt tại phường Quang Vinh.

Thái Nguyên 24 giờ trong lũ dữ - Ảnh 5.

Chị Giang liên tục kiểm tra tin nhắn điện thoại để xem những lời kêu cứu.

Chị Giang cho biết, sáng 10/9, chị nhận được hàng trăm cuộc gọi, tin nhắn cầu cứu từ người dân Quang Vinh. Thôn 1,2,3 đã hỗ trợ được nhiều người có thuốc men và đồ ăn, nhưng khu vực thôn 10 nước chảy xiết, lực lượng chức năng chưa thể tiếp cận.

Ngoài nhóm của chị Giang, có nhiều nhóm khác cũng đã có mặt, hỗ trợ thức ăn và nước uống cho người dân TP. Thái Nguyên.

Trước đấy, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đã được huy động cứu hộ tại phường Quang Vinh, khu vực ngập úng nhất tại thành phố Thái Nguyên. Nhiều khu vực khác cũng có lực lượng túc trực sẵn sàng hỗ trợ người dân.

Thuyền cứu hộ hối hả chở hàng tiếp tế vào phường Quang Vinh và chở người dân mắc kẹt trong này ra.

Xuyên đêm cứu người, Trung tá Ngô Anh Quyến - Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn công binh 575 quân khu 1 liên tục ra vào các điểm ngập lụt.

img
img
img
img

Trung tá Ngô Anh Quyến - Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn công binh 575 quân khu 1 liên tục có mặt tại nhiều điểm ngập lụt. Nhiều người dân được các chiến sĩ bộ đội, công an đưa lên xuồng ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Trên xuồng với chúng tôi, anh bảo, các lực lượng thay nhau làm nhiệm vụ cả ngày lẫn đêm. Một số khu vực ngập nặng, đường nhỏ hẹp, xoáy sâu khó di chuyển nhưng vì nhân dân, anh em tìm mọi cách.

“Xóm Rừng Vầu và Quyết Tiến ngập sâu 3-4m, nước xiết, anh em phải ngược dòng nước tiếp cận và hỗ trợ người dân”, vị trung tá nói.

Anh kể, không ít các chiến sĩ đã bị thương do dẫm hoặc quệt phải những thứ sắc nhọn, anh em chỉ biết dặn nhau chú ý cẩn thận hơn.

16 giờ ngày 10/9, lực lượng chức năng vẫn kiên trì đưa người ra khỏi khu vực ngập lụt, đồng thời tiếp tế nhu yếu phẩm cho người đang mắc kẹt tại phường Quang Vinh (TP.Thái Nguyên). Xung quanh, người thân của những người trong lũ dữ vẫn ngóng tin người nhà mình.

Thái Nguyên 24 giờ trong lũ dữ - Ảnh 6.

16 giờ ngày 10/9, lực lượng chức năng vẫn kiên trì đưa người ra khỏi khu vực ngập lụt.

Khi ấy, người dân và cơ quan chức năng tìm mọi cách để tiếp cận người dân. Anh Phạm Anh Tuấn (45 tuổi, TP Thái Nguyên) loa to: "Ghi tên và địa chỉ thôi, số điện thoại nhiều người hết pin không gọi được".

"Tổ 10 nước xiết, chưa vào được đâu, tổ 6, tổ 8 đi trước", anh Tuấn liên tục gọi loa và phân luồng.

Chiếc bàn điền thông tin, địa chỉ người cần trợ giúp luôn chật kín. Sau thời gian dài mất liên lạc, những người bên ngoài điền vội các thông tin, gửi gắm hy vọng đưa người nhà ra khỏi dòng nước xiết.

Để tiện cho lực lượng chức năng tìm kiếm và cứu người, gia đình đọc rõ họ tên, địa chỉ để ghi vào giấy. Nhờ có những mảnh giấy này mà nhiều người được tìm thấy và cứu ra, nhưng có nhiều chỗ nước chảy xiết, thuyền nhỏ không thể vào đón người.

img
img

Người dân và cơ quan chức năng hối hả tìm mọi phương án hỗ trợ người dân.

Công an tỉnh Thái Nguyên đã huy động hơn 4.000 lượt cán bộ, chiến sỹ; 1.035 phương tiện tuần tra, cứu hộ; xuồng máy, xuồng cao su, áo phao, phao cứu sinh, thuốc men cũng được huy động đủ.

Cùng với các lực lượng chức năng khác, Lữ đoàn phòng không 210 đã huy động 237 cán bộ, chiến sĩ cùng các phương tiện cứu hộ, cứu nạn tại TP.Thái Nguyên.

Tính toàn tỉnh, lực lượng Quân đội, Công an đã huy động hơn 7.000 cán bộ, chiến sỹ và dân quân tự vệ để hỗ trợ người dân ứng phó khắc phục thiệt hại do mưa lũ, ngập lụt.

Sáng 11/9, không khí tại điểm hỗ trợ phường Quang Vinh, phường Hoàng Văn Thụ đã bớt căng thẳng hơn.

Thái Nguyên 24 giờ trong lũ dữ - Ảnh 7.

Người dân chuẩn bị chổi, hót rác, xô, chậu để dọn nhà sau lũ.

Nước rút, ông Nguyễn Văn Tăng lấy chổi dọn dẹp những thứ xung quanh, xúc bùn đất cho ra ngoài. Con ngõ kinh doanh gạo hối hả người làm vệ sinh, dọn dẹp sau lũ.

Điện được nối trở lại, thông tin liên lạc thông suốt. Có người dân trong vùng ngập lụt mở máy điện thoại nhận được hàng nghìn tin nhắn, hàng trăm cuộc gọi nhỡ. 

Thái Nguyên 24 giờ trong lũ dữ - Ảnh 8.

Ông Nguyễn Văn Tăng lấy chổi dọn dẹp những thứ xung quanh, xúc bùn đất cho ra ngoài.

Phía phường Quang Vinh, tại chốt chặn của lực lượng chức năng, tập trung hàng trăm người dân, trên tay cầm chổi, hót rác, xô, chậu chờ đợi sẵn sàng vào dọn dẹp.

Để đảm bảo an toàn, cơ quan chức năng yêu cầu người dân phải mặc áo phao, tuân thủ các quy định.

Anh Vũ Văn Tiến (1993, quê Định Hóa, Thái Nguyên) vừa chạy anh nhanh ra chợ mua được chổi và hai cái xô. Xung quanh anh Tiến, mọi người vẫn xôn xao nhau về câu chuyện ngày hôm qua khi nước lũ nhấn chìm và cuốn phăng mọi thứ.

Thái Nguyên 24 giờ trong lũ dữ - Ảnh 9.

Người dân về nhà sau lũ tại Thái Nguyên.

Anh Tiến bảo, qua rồi, dọn dẹp nhà cửa nốt còn đi làm. Anh thanh niên 31 tuổi hòa vào dòng người trở về nhà.

Theo báo cáo mới nhất ngày 12/9 từ Văn phòng Ban PCTT và TKCN tỉnh Thái Nguyên, đợt mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 3 đã làm 2 người chết, hơn 25,8 nghìn hộ dân phải di dời khẩn cấp, 61 điểm trường bị ảnh hưởng, hơn 292 nghìn gia súc gia cầm bị chết, ...

Sau lũ, nước dần rút, sông Cầu bớt cuồn cuộn. Trên đường Dương Tự Minh, vài đứa trẻ dùng vạch nước trên tường nhà để đo chiều cao rồi cười đùa vui vẻ như chưa có trận lũ dữ những ngày qua. 

 

Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem