Sài Gòn muôn năm cũ: Những người "giữ lửa" cải lương bị lãng quên

Châu Mỹ Thứ tư, ngày 03/08/2022 08:30 AM (GMT+7)
Người miền Nam mê cải lương biết Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thành Được, Út Bạch Lan, Thanh Nga, Ngọc Giàu, Mỹ Châu, Lệ Thủy… nhưng ít người biết tên biết mặt các nhạc sĩ, những người đã đào tạo và góp phần đưa tên tuổi các ca sĩ lên đỉnh cao danh vọng.
Bình luận 0

Trước khi chết, vua nước Phổ cầm tay Mozart và nói: "Ngươi tượng trưng cho cái đẹp, ta tượng trưng cho sự sắp đặt của loài người. Vì thế, biết đâu sau khi ta chết, hậu thế sẽ quên ta và nhắc nhở tới ngươi".

Mỗi sự ra đi của người nghệ sĩ đều để lại trong lòng người ở lại một điều đáng nhớ. Tuy nhiên, có nhiều người "giữ lửa" cho một "Sài Gòn muôn năm cũ" đã bị lãng quên từ lâu.

Danh cầm Văn Vĩ và nỗi khổ nhục tuổi thơ

Đầu thập niên 60, khán giả mộ điệu cải lương miền Nam, không ai không mê đắm tiếng đàn bay bướm tuyệt diệu của danh cầm Văn Vĩ - cái tên khiến các bầu sô đại nhạc hội săn đón.

Văn Vĩ tên thật là Đinh Văn Dậm, sinh năm 1929 tại xã Bình Đăng (nay là xã Bình Hưng) huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Năm lên 3 tuổi, ông bị mù mắt do chứng bệnh đậu mùa. 7 tuổi, Văn Vĩ đã tự đàn được một số bài bản ngắn bằng đàn cò líu (đàn cò loại nhỏ). 

Sau đó, ông học đàn kìm với thầy Bảy Thừa, và trau chuốt thêm ngón đờn cò, học thêm nhạc với thầy Tư Lai, học đàn guitar với thầy Tư Thìn và thày Tư A ở Thủ Thiêm. Văn Vĩ vẫn chịu khó học thêm với các bậc đàn anh khác nữa là nhạc sĩ Ba Xây, thày Mười Út, thày Chín Thành...

Năm 14 tuổi, Văn Vĩ được nhận vào đàn cho gánh Minh Tinh rồi cho quán Lạc Cảnh cùng các nhạc sĩ tài danh như Bảy Hàm, Ba Xây, Tám Bằng... Nghệ danh Văn Vĩ được giới hâm mộ chú ý từ đó. Từ năm 1945, ông tiếp tục cộng tác với nhiều nhóm đờn ca tài tử, đài Pháp Á và các quán ca nhạc nổi tiếng của Sài Gòn.

Sài Gòn muôn năm cũ: Những người "giữ lửa" cải lương bị lãng quên - Ảnh 1.

Tên tuổi danh cầm Văn Vĩ gắn liền với giọng ca của cố nghệ sĩ Út Bạch Lan. Ảnh tư liệu

Soạn giả Nguyễn Phương nhận xét: "Khi Văn Vĩ đàn chậm rãi thì tiếng nhạc nghe mượt mà sâu lắng, âm thanh như đi thẳng vào lòng người. Khi Văn Vĩ đàn rất nhiều chữ đàn trong một khung nhịp thì chữ đàn dồn dập như gió táp mưa sa, tuy nhiên chữ đàn vẫn chính dù cho Văn Vĩ đờn với tốc dộ chạy chữ nhanh, chữ đờn vẫn rất trong và rất rõ. Khi Văn Vĩ đờn vuốt theo giây đàn, Văn Vĩ tạo ra âm thanh như tiếng của cây đàn cò hay đàn violon. Tiếng đàn nghe muợt mà như tiếng violon được kéo cung dài, chớ không đổ hột như người khải măng cầm thời đó". 

Dù nổi tiếng, là người đứng sau thành công của nhiều giọng ca cải lương gạo cội, Văn Vĩ không tránh khỏi những cay đắng của nghề. 

Văn Tài, con trai út nhạc sĩ Văn Vĩ từng kể, có lần cha mình bị kép chánh dùng kiếm đâm thủng thùng loa vì "vớt" nhịp không kịp khi anh kia ca rớt lời. "Anh ta còn chửi mắng cha tôi không tiếc lời", ông Văn Tài nhớ lại.

Sài Gòn muôn năm cũ: Những người "giữ lửa" cải lương bị lãng quên - Ảnh 2.

Bìa đĩa nhạc xưa của danh cầm vọng cổ Văn Vĩ và các đồng nghiệp

Cũng theo ông Tài, thời niên thiếu, cha ông phải đem tiếng đàn, cùng với nghệ sĩ Út Bạch Lan đem tiếng hát để đổi lấy "miếng cơm manh áo"

"Ăn xin bằng ca hát lúc bấy giờ luôn gặp khó khăn, bị lính mã tà rượt đuổi, bắt bớ, hăm he. Ba tôi và cô Út phải bỏ xứ qua tận bên Miên tìm đất sống.", ông Tài nói.

Qua nhiều năm lận đận rày đây mai đó, mãi đến năm 1964, Văn Vĩ mới tậu được căn nhà trong một ngõ hẻm đường Phan Thanh Giản (đường Điện Biên Phủ ngày nay), và mở lớp dạy đờn ca tài tử cải lương.

Văn Vĩ mất năm 1985, để lại trong kho tàng cổ nhạc Việt Nam một phong cách diễn tấu xuất thần, tài ba, hiếm có xưa nay.

Cố nhạc sĩ mù Văn Bền - người cống hiến thầm lặng cho cải lương

Trước khi qua đời, ở tuổi 70, người học trò của đệ nhất danh cầm Văn Vĩ vẫn lặng lẽ đào tạo học trò và đóng góp cho những hoạt động thiện nguyện.

Văn Bền sinh năm 1945, bị khiếm thị từ nhỏ do di chứng của bệnh đậu mùa. Năm 12 tuổi ông theo học đàn với thầy Văn Vĩ. Không hề có bất cứ nguyên tắc nhạc lý nào, thầy giáo truyền nghề cho ông bằng cách đàn trước, ông nghe âm thanh rồi mò mẫm mô phỏng lại trên đàn của mình. Cuộc đời lấy đi của ông đôi mắt nhưng bù lại cho ông đôi tai có khả năng thẩm âm rất chuẩn xác. Với những bài vọng cổ khó, người sáng mắt phải học đến một tháng, còn ông chỉ mất nửa tháng để luyện tập.

Sài Gòn muôn năm cũ: Những người "giữ lửa" cải lương bị lãng quên - Ảnh 3.

Cố nhạc sĩ mù Văn Bền lẻ loi trong cánh gà sân khấu. Ảnh tư liệu

Văn Bền đã trưởng thành qua nhiều đoàn hát nổi tiếng của thế kỷ trước như Thanh Bình - Kim Mai, Huỳnh Long, Bông Sen, từng đàn cho các danh ca Út Trà Ôn, Minh Vương, Thiên Kim, Diệu Hiền... Năm 1966, ông ngừng tham gia các đoàn hát, chính thức trở thành thầy dạy ca và đàn cho nhiều thế hệ nghệ sĩ cải lương sau này.

Một học trò của ông tên Hiền, ngoài 50 tuổi, nói: "Tôi theo học thầy Bền gần 20 năm tuy không thường xuyên. Thầy có ngón đàn độc và tai nghe nhạc rất tinh tường. Tuy không nhìn thấy nhưng nghe qua âm thanh, thầy biết học trò sai chỗ nào, cần sửa chỗ nào". 

Còn nghệ sĩ Hồng Liên của đoàn Trần Hữu Trang chia sẻ: "Tôi chỉ theo học thầy trong 6 tháng nhưng nhờ đó mà được vững nhịp ca như ngày hôm nay".

Sài Gòn muôn năm cũ: Những người "giữ lửa" cải lương bị lãng quên - Ảnh 4.

Cố nhạc sĩ Văn Bền và con trai đệm đàn phía sau sân khấu cho các nghệ sĩ cải lương gạo cội hát tại Viện dưỡng lão nghệ sĩ. Ảnh tư liệu.

Sức khỏe không cho phép, nhạc sĩ Văn Bền không còn dạy được nhiều như trước, thi thoảng con trai vẫn phụ giúp ông dạy học trò. 

"Tôi không lấy học phí cao vì những người yêu vọng cổ giờ ít lắm, họ đến học là có tâm rồi. Thành công lớn nhất của tôi là ba đứa con đều theo nghiệp cha, đứa đi hát, đứa đi đàn. Tôi không mong gì hơn được trao truyền cổ nhạc cho thế hệ sau", cố nhạc sĩ từng tâm sự.

Hơn 40 gắn bó với cây guitar phím lõm, không chỉ âm thầm đào tạo nhiều lớp nghệ sĩ vọng cổ, nhạc sĩ Văn Bền còn đóng góp tiếng đàn vào các phong trào văn nghệ địa phương. Ngày 15 mỗi tháng, Văn Bền lại cùng con đến Viện Dưỡng lão nghệ sĩ biểu diễn miễn phí cho đồng nghiệp, những người cùng đứng chung sân khấu với ông ở thời kỳ đỉnh cao của cải lương.

Nhạc sĩ mù qua đời tháng 9/2015 ở tuổi 71, sau hơn 40 năm cống hiến thầm lặng cho cải lương Việt Nam, cả ở thời kỳ đỉnh cao cũng như lúc suy tàn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem