Ninh Bình: Bỏ lúa trồng cây dại mà lại có tiền

Thứ hai, ngày 02/07/2018 19:06 PM (GMT+7)
Đầu năm 2018, một nhóm bạn trẻ đã mạnh dạn thuê lại 6,5 ha đất ruộng cằn, sản xuất lúa, màu kém hiệu quả ở xã Đồng Phong, huyện Nho Quan (Ninh Bình) để trồng cà gai leo-vốn là cây mọc hoang dại trước đây. Bước đầu mô hình trồng cây dược liệu này đã mang lại những kết quả hết sức khả quan, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Bình luận 0

Về thôn Phong Lai 1, Phong Lai 2, xã Đồng Phong, huyện Nho Quan những ngày này, ai cũng ấn tượng với vườn cây dược liệu cà gai leo xanh tốt nổi bật giữa vùng đồng lúa, màu đã vào cuối vụ. Khi những cây giống đầu tiên được đặt xuống chẳng ai nghĩ lại có một loại cây phù hợp, sinh trưởng, phát triển tốt đến vậy trên vùng đất sỏi bạc màu nơi đây...

img

Để có sản phẩm sạch, chất lượng, vườn cà gai leo không sử dụng phân hoá học, thuốc trừ sâu.

Chỉ mới 6 tháng, những cành cà gai leo đã vươn dài, tua tủa phủ kín mặt đất, hoa và quả cũng đã bắt đầu xuất hiện. Có công xây dựng mô hình này chính là những người trẻ, họ đã và đang làm ở những vị trí công tác khác nhau nhưng đều mong muốn phát triển kinh tế, làm giàu trên đồng đất quê hương và lựa chọn trồng cây dược liệu sạch, một hướng đi khá mới ở Ninh Bình. 

Không có kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, hơn 1 năm qua, họ đã đi đến nhiều địa phương để tham quan học hỏi các mô hình, nắm bắt quy trình trồng chăm sóc các loại cây dược liệu, đặc biệt là kỹ thuật trồng cà gai leo; tìm thuê đất; thương thảo với các đối tác để tạo chuỗi liên kết bao tiêu sản phẩm đầu ra…

Anh Trịnh Xuân Tiên một trong những thành viên tham gia vào mô hình chia sẻ: Để đáp ứng nhu cầu về sản lượng lớn và chất lượng sản phẩm theo đúng tiêu chuẩn chúng tôi đã khá vất vả. Trước tiên là lựa chọn vùng trồng để đảm bảo có nước nguồn sạch để tưới và xa khu dân cư, nhà máy, bệnh viện để tránh ô nhiễm. Cũng may mắn là nhóm đã chọn được khu đất tại xã Đồng Phong này, tuy chất đất không được tốt lắm nhưng đảm bảo liền vùng, liền khoảnh, hơn nữa chính quyền, người dân địa phương cũng ủng hộ và tạo rất nhiều điều kiện thuận lợi để chúng tôi triển khai mô hình.

img

Cà gai leo là nguyên liệu làm dược liệu có nhiều tác dụng tốt với sức khỏe như chữa gan nhiễm mỡ, viêm gan virus, xơ gan, rất phù hợp cho người bị độc gan, uống nhiều rượu bia, ức chế tế bào gây ung thư, đau lưng, cảm cúm, tê thấp, thấp khớp, nhức mỏi, đau nhức xương, suyễn, ho gà, rắn cắn, bệnh dị ứng, sâu răng,…

Ngoài ra, trong quá trình sản xuất, chúng tôi cũng phải đảm bảo để cây sinh trưởng, phát triển gần giống với tự nhiên nhất, không phân hóa học, không thuốc trừ sâu hay hóa chất độc hại. Ngay từ cây giống đã phải lựa chọn kỹ càng, không có mầm bệnh; toàn bộ diện tích đất được phủ kín bằng nilon để tránh cỏ dại, sâu bệnh; phân bón hoàn toàn bằng phân hữu cơ; cỏ được làm bằng tay, do vậy rất tốn công lao động…

Ông Bùi Xuân Trường, Kiểm soát HTX Nông nghiệp Đồng Phong cho biết: Vùng trồng dược liệu này trước đây bà con HTX chủ yếu trồng lúa và một số cây màu khác, tuy nhiên đây là vùng đất cao, chất đất kém nên năng suất cây trồng thấp, hiệu quả kinh tế kém dẫn đến tình trạng nhiều hộ bỏ hoang không gieo cấy. 

img

Cà gai leo có hoa màu tím, quả màu đỏ mọc thành chùm.

Trước thực trạng này, HTX đã đứng ra truyền thông về mục đích, ý nghĩa của mô hình trồng dược liệu này để bà con hiểu và đồng ý cho thuê lại diện tích cấy, trồng kém năng suất đó với mức 1 tạ thóc/sào, thời hạn 6 năm. Bước đầu, chúng tôi đánh giá mô hình triển khai khá tốt, bà con nông dân đồng thuận, phấn khởi vì vừa có được tiền cho thuê ruộng, vừa có thêm thu nhập từ việc làm thêm cho đơn vị. 

Bà Trần Thị Mùi, thôn Phong Lai 2: Nhà tôi có 7 sào ở vùng này, trước đây cấy lúa, vụ được, vụ mất, làm chẳng có công, giờ mỗi năm gia đình cầm chắc 1 tạ thóc, đã vậy chúng tôi còn có thêm công ăn việc làm, ngày 130-140 nghìn đồng, tháng nào đi làm đều thì được 3-4 triệu đồng, công việc lại nhẹ nhàng, chỉ nhặt cỏ, vun cây, tưới thì có máy móc rồi. Bà con chúng tôi rất vui mừng.

Sau bao nhiêu khó khăn, vất vả hiện nay 6,5 ha cà gai leo đã bắt đầu cho lứa thu hoạch đầu tiên. Năng suất dự kiến khoảng 3 tấn khô/ha/lứa, tương đương sản lượng 18-19 tấn. Sản phẩm được Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Thăng Long ở Hà Nội bao tiêu toàn bộ. 

img

Vườn Cà gai leo sắp được thu hoạch.

Trước đó, Công ty đã hướng dẫn quy trình làm đất, trồng cây và cách chăm sóc, lấy mẫu để kiểm nghiệm dược tính ở Viện dược liệu Việt Nam cho kết quả rất khả quan, hàm lượng dược tính cao. Với giá 40 nghìn đồng/kg dự kiến riêng đợt thu đầu tiên này sẽ cho doanh thu khoảng 700 triệu đồng. Ngoài ra, giống cây cà gai này cho thu hoạch 3 lần/năm và thu khoảng 10 lứa mới phải trồng lại. Như vậy, cây dược liệu này sẽ cho thu nhập cao hơn hẳn so với các cây trồng khác.

Được biết, để đáp ứng nhu cầu sản xuất lâu dài, hiện nay, nhóm bạn trẻ trồng dược liệu này đang tiếp tục đầu tư xây dựng nhà sơ chế, mua sắm hệ thống lò sấy, máy cắt và băm... Họ cũng đang có dự định mở rộng vùng nguyên liệu, ngoài cây cà gai leo sẽ đưa vào trồng một số cây dược liệu khác. Tuy nhiên, qua thực tế sản xuất, họ gặp khá nhiều khó khăn về vốn, khoa học công nghệ. 

Ngoài ra, hiện tại, ở ngay vùng đang sản xuất hệ thống tiêu nước không được nạo vét thường xuyên, vào mùa mưa, nước không tiêu thoát kịp dẫn tới một số diện tích trồng cà gai leo bị thối rễ. Anh Trịnh Xuân Tiên cho biết: Cái khó nhất là vấn đề đất đai, hiện nay chúng tôi vẫn đang phải tự tìm kiếm, thương thảo với người dân, HTX để thuê đất mà thời gian thuê được rất ngắn. 

Do vậy, để mở rộng được mô hình rất mong tỉnh sớm có quy hoạch, kế hoạch để phát triển ngành dược liệu; bố trí diện tích phù hợp để nuôi trồng, đặc biệt chú trọng đến các loại dược liệu thế mạnh của địa phương. Khi đó những người trồng dược liệu như chúng tôi sẽ chủ động trong lựa chọn giống dược liệu để trồng, đầu tư hệ thống tưới, tiêu nước, trang thiết bị máy móc phù hợp để sản xuất lâu dài, giúp giảm chi phí sản xuất, tăng giá trị, chất lượng sản phẩm.

Thùy Phương (Báo Ninh Bình)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem