Nốt trầm tháng 7...

Tạ Nguyệt Thứ bảy, ngày 27/07/2019 10:00 AM (GMT+7)
Chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm, vết thương chiến tranh đã được hàn gắn nhưng nỗi đau của các gia đình chưa tìm thấy hài cốt của liệt sĩ vẫn còn đó.
Bình luận 0

4 lần xét nghiệm ADN vẫn không đúng

Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các tổ chức chính trị, xã hội đã có nhiều chính sách đền ơn đáp nghĩa với người có công với cách mạng. Song song với đó, chúng ta cũng đã ban hành nhiều đề án nhằm hỗ trợ tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ. Tuy nhiên, chiến tranh càng lùi xa những nỗ lực này càng trở nên khó khăn hơn.

img

Thân nhân gia đình liệt sĩ chăm sóc phần mộ người thân tại nghĩa trang TP.Hà Nội (Tây Tựu, Bắc Từ Liêm).  
 Ảnh: Trọng Hiếu

Hiện nay, ngoài việc tìm kiếm thông tin liệt sĩ bằng ADN, nhiều đơn vị đang triển khai xác định thông tin hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng (khớp nối thông tin về liệt sĩ, thông tin gia đình liệt sĩ và bia mộ của liệt sĩ đó). Tuy nhiên, cả hai phương pháp này đang gặp phải khó khăn, rào cản cần sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước.

Bà Đỗ Thị Thái - người thân của liệt sĩ Phạm Văn Thát, ở huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, hy sinh năm 1971 tại mặt trận tỉnh Phú Yên cho biết, 46 năm gia đình đi tìm mộ liệt sĩ nhưng vì bị sai thông tin nên việc tìm kiếm vô cùng khó khăn.

  Từ năm 2016 -2018, toàn quốc đã quy tập được 5.886 hài cốt liệt sĩ ở trong nước, Lào và Campuchia. Tuy nhiên, trong 2 năm 2017-2018 chúng ta làm giám định ADN cho 475 mẫu thì chỉ có 54 trường hợp được xác định cùng huyết thống. Việc xác định thông tin liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng cũng chỉ xác định được 284 hài cốt liệt sĩ”.

Bà Ngô Thị Thúy Hằng - Phó Giám đốc Trung tâm Marin

“Vì thông tin quê quán sai nên qua 46 năm, chúng tôi không hề biết mộ em mình ở đâu. Sau khi chú ấy hy sinh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hải Hưng cũ thông tin là chú hy sinh ngày 20/9/1973, nhưng thực chất là hy sinh năm 1971 tại Phú Yên. Trong Phú Yên lại có 2 nơi cung cấp thông tin là Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh. Vì thế, chúng tôi đã phải xét nghiệm ADN 4 lần nhưng chưa tìm được. Để xác định được gen của liệt sĩ vô cùng khó khăn bởi phần xương còn lại rất ít” – bà Thái tâm sự.

Cùng chung nỗi lòng, gia đình ông Cao Xuân Vịnh, 70 tuổi (Quảng Bình) là anh trai của liệt sĩ Cao Xuân Tường, hy sinh từ năm 1972 ở Quế Sơn cũng đang mong ngóng, hy vọng sẽ tìm được hài cốt của liệt sĩ. Sau 45 năm tìm kiếm bằng mọi cách, từ ngoại cảm tới xét nghiệm ADN, thực chứng… đến nay gia đình ông vẫn chưa tìm được mộ của liệt sĩ. “Bố mẹ tôi mất cũng không thể nhắm mắt yên lòng vì tâm niệm được đón em trai tôi về nằm cạnh. Chính bởi hy vọng đó, cả gia đình tôi đã đi khắp mọi nơi, chi rất nhiều tiền của để tìm kiếm hài cốt của em mà vẫn chưa được” – ông Vịnh chia sẻ.

Theo ông Vịnh, sau một thời gian tìm kiếm, đến nay gia đình ông phát hiện tới  4 ngôi mộ có tên giống em ông. Tuy nhiên do thiếu thông tin nên phần mộ của em ông đã bị ghi sai tên đệm, nên đến nay vẫn chưa tìm thấy được hài cốt. 

Khớp nối thông tin còn chậm

Mới đây, trong tọa đàm “Công tác trợ giúp pháp lý trong hoàn thiện hồ sơ kiến nghị điều chỉnh thông tin mộ liệt sĩ”, các chuyên gia trong lĩnh vực đã chia sẻ những thành công, rào cản trong việc tìm kiếm thông tin hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng và xét nghiệm ADN.

Bà Ngô Thị Thúy Hằng - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và Trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ Marin cho biết: "Hiện tại các nghĩa trang liệt sĩ trong cả nước có rất nhiều phần mộ liệt sĩ khuyết thông tin như có tên hoặc thiếu tên, thiếu một hoặc toàn bộ thông tin để xác định chính xác nhân thân liệt sĩ… Do đó, đã nhiều năm nay, những ngôi mộ đó vẫn vắng bóng người thân thăm viếng, trong khi thân nhân của họ phải lặn lội nhiều nơi tìm kiếm. Nếu có thể khớp nối thông tin, cung cấp dữ liệu đầy đủ để gia đình tìm được, đưa hài cốt liệt sĩ trở về quê hương sẽ giúp giải tỏa được niềm mong mỏi của thân nhân các gia đình liệt sĩ”.

Theo bà Hằng, để thực hiện việc khớp nối thông tin, bước đầu trung tâm phải thực hiện phân loại, sàng lọc theo hướng: Mộ nào thiếu thông tin và mộ trắng (không thuộc đối tượng), trung tâm sẽ có đơn với cơ quan quản lý mộ, Sở LĐTBXH địa phương để xác minh thông tin chính xác, đầy đủ hơn. Sau đó, trung tâm sẽ khớp dữ liệu với danh sách liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh (danh sách hơn 900.000 liệt sĩ hy sinh và mất tích). Cuối cùng, trung tâm cho ra danh sách, phân loại gửi về các Sở LĐTBXH hoặc Bộ Chỉ huy Quân sự địa phương để phối hợp khớp nối.

Trong 6 năm từ 2013-2019, trung tâm của bà Hằng đã thực hiện khớp nối dữ liệu cho 3.567 phần mộ tại 26 tỉnh có quản lý mộ liệt sĩ, điều chỉnh thông tin được cho 623 phần mộ. Tuy kết quả đạt được khả quan, nhưng theo bà Hằng công tác tìm kiếm, điều chỉnh thông tin về liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng đang gặp nhiều khó khăn.

Ông Hoàng Văn Giang - Phó Tổng thư ký Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam cho biết, hiện nay, hàng nghìn gia đình đã mất hàng chục năm tìm kiếm phần mộ liệt sĩ của gia đình nhưng vẫn chưa tìm được do thiếu thông tin hoặc thông tin không chính xác. Bên cạnh đó, việc rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ, kết luận địa bàn, lập hồ sơ tìm kiếm quy tập của một số đơn vị, địa phương triển khai còn lúng túng, chưa nắm chắc quy trình, phương pháp tiến hành chưa theo đúng tiến độ. Sự phối hợp giữa các ban ngành, đoàn thể chưa chặt chẽ, tích cực.

Thời gian phân tích, đối chiếu ADN mẫu hài cốt liệt sĩ, mẫu sinh phẩm còn chậm, thân nhân phải chờ đợi lâu. Số mẫu sinh phẩm cần giám định ADN lớn, trong khi đó, công suất các cơ sở giám định chưa đáp ứng được yêu cầu. Do đó, nhiều gia đình thân nhân liệt sĩ thiếu thông tin liệt sĩ rất khó tìm được liệt sĩ của gia đình. Bên cạnh đó, họ chưa được hỗ trợ về pháp lý để hoàn thiện hồ sơ, điều chỉnh thông tin liệt sĩ để việc tìm kiếm có kết quả.

Theo ông Giang: “Do bị thiếu thông tin nên trong quá trình tìm kiếm, nhiều gia đình gần như bỏ cuộc. Để hoàn thiện việc này thì chúng ta cần tăng cường tuyên truyền, phối hợp với tất cả các cơ quan lưu trữ và các đơn vị có liên quan, tổng hợp báo cáo lên Bộ LĐTBXH, Chính phủ để công khai phần thiếu, công khai hồ sơ của các gia đình không có điều kiện tiếp xúc, đi lại nhiều”.

img

Cần có quy trình xác định danh tính liệt sĩ

 “Ngoài việc áp dụng phương pháp xác định thông tin hài cốt liệt sĩ bằng phương ADN, chúng ta cần áp dụng tìm kiếm bằng phương pháp thực chứng. Tuy nhiên, để áp dụng phương pháp này, thời gian tới, các địa phương phải triển khai tốt việc xác minh thông tin về liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ. Đặc biệt Ban chỉ đạo 515 phải đưa ra được quy trình xác định danh tính hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng để các đơn vị thuận tiện trong việc phối hợp triển khai. Có vậy thì các tổ chức đoàn thể xã hội mới có thể chung tay cùng Đảng, Nhà nước trong việc tìm kiếm, tri ân với liệt sĩ và thân nhân gia đình liệt sĩ”.

Ông Nguyễn Quốc Hưng - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và Trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ Marin

img

Bán nhà tìm hài cốt anh

“Anh tôi hy sinh từ năm 1969, nhưng đến năm 1976 chúng tôi mới nhận được giấy báo tử. Qua nhiều năm, bố mẹ tôi luôn mong ngóng tìm được hài cốt của anh tôi nhưng không được. Năm 1998, tôi đã quyết định bán đi một ngôi nhà để đi tìm anh. Nhưng tìm khoa học thì không tìm được vì toàn bộ đơn vị của liệt sĩ đã hy sinh hết. Nhiều lần tôi cùng gia đình đã phải nằm cả tháng trời ở trung tâm ngoại cảm để tìm anh nhưng cũng không được. Năm 2013, chúng tôi nhờ những thông tin mà Trung tâm Marin cung cấp, kết nối sau đó bằng phương pháp thực chứng, gia đình đã tìm được hài cốt của anh tôi. Sau gần 50 năm hy sinh, anh tôi mới được trở về với người thân, thật sự cả gia đình không có nghẹn ngào nào nói hết”.

Ông Phạm Văn Khiết (thân nhân của liệt sĩ Phạm Văn Từ - Ninh Bình)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem