Ông bố quyết định hiến tạng con trai yêu quý: "Con tôi vẫn mãi hiện hữu trong cuộc đời này"

Gia Khiêm Chủ nhật, ngày 11/02/2024 13:00 PM (GMT+7)
"Tết năm nay tôi không còn con trai, nhưng 3 gia đình khác sẽ có đầy đủ người thân để sum họp. Con tôi vẫn mãi hiện hữu trong cuộc đời này", ông Đỗ Văn Minh (70 tuổi, ở Phú Thọ) mắt hướng lên di ảnh con trai đã khuất, khẽ nói.
Bình luận 0

"Tôi gửi đi sự sống của con trên cơ thể người khác, bà hãy ủng hộ quyết định này của tôi nhé"

Chiều một ngày cuối năm trong căn nhà cấp 4 ở tỉnh Phú Thọ, ông Đỗ Văn Minh (70 tuổi) chẳng muốn sắm sửa gì vì chỉ còn một mình. Ông mua vài bông hoa, ít quả thắp hương cho vợ con đã khuất. Còn với ông thì Tết này đều đã "vắng bóng" vợ con.

Ông Minh chia sẻ, mình vốn có một gia đình hạnh phúc cùng vợ và hai con trai. Nhưng bất hạnh lần lượt ập đến, năm 2016, người con trai thứ 2 của ông bị tai nạn qua đời. Đến năm 2021 vợ ông cũng bệnh mà ra đi. Gia đình còn lại 2 bố con. Ông cùng người con trai cả là anh Thành sống nương tựa vào nhau. Nỗi đau mất vợ, con vẫn âm ỉ trong lòng ông Minh, thì ngày 29/6/2023, trên đường đi làm, anh Thành con trai ông lại bị tai nạn.

Ông bố quyết định hiến tạng con trai yêu quý: "Con tôi vẫn mãi hiện hữu trong cuộc đời này"- Ảnh 1.

Phút mặc niệm tri ân người chết não đã hiến mô, tạng. Ảnh: Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia

Tuy được đưa đi cấp cứu kịp thời, nhưng do chấn thương nặng anh rơi vào hôn mê. Anh Thành được đưa đi sơ cứu và chuyển xuống Bệnh viện đa khoa huyện Dân Lập, tỉnh Phú Thọ, sau đó chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Do sức khoẻ yếu lại không biết đường, chữ nghĩa cũng không nên mọi việc ông Minh nhờ em trai thay mặt lo liệu cho con ở bệnh viện.

Dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa, nhưng anh Thành không có dấu hiệu tỉnh lại, rơi vào chết não.

Hay tin bệnh tình của con, ông Minh gục xuống giữa nhà, khuôn mặt nhiều đêm thức trắng trông càng tiều tuỵ.

Ông bố quyết định hiến tạng con trai yêu quý: "Con tôi vẫn mãi hiện hữu trong cuộc đời này"- Ảnh 2.

Cuộc đại phẫu thuật ghép tạng tiến hành liên tiếp 24h. Ảnh: BVCC

Ông gọi điện cho em trai, mong nói chuyện với bác sĩ. Qua điện thoại ông nhỏ giọng cầu xin bác sĩ cố cứu con trai lần nữa, nhưng khi nhận được câu trả lời đã cố gắng hết sức ông lẳng lặng cúp điện thoại đi vào phòng. Một ngày sau, biết cơ hội sống của con không còn, được bệnh viện vận động hiến mô tạng để cứu những cuộc đời mới, ông Minh đồng ý.

Khi nhân viên bệnh viện có mặt tại nhà, người cha già cố kìm nén cảm xúc mất mát, đau thương. Ông thắp một nén hương báo tin con với vợ, rồi tay run rẩy ký vào tờ giấy hiến tạng của con.

"Tôi gửi đi sự sống của con trên cơ thể người khác, bà hãy ủng hộ quyết định này của tôi nhé", người đàn ông nói khẽ bên di ảnh vợ.

Nhận được sự đồng ý của gia đình, ThS. Phạm Thị Đào, Trưởng Đơn vị Tư vấn & Điều phối Ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cúi đầu cảm ơn nghĩa cử cao đẹp của ông Minh và toàn thể người thân trong gia đình. Giấy đồng ý hiến tạng được đưa về bệnh viện, các bác sĩ lần nữa đánh giá lại tình trạng của anh Thành. Sau các thủ tục theo quy định của pháp luật, cuộc phẫu thuật lấy tạng được tiến hành ngày 6/7.

Ông bố quyết định hiến tạng con trai yêu quý: "Con tôi vẫn mãi hiện hữu trong cuộc đời này"- Ảnh 3.

Đơn vị Tư vấn & Điều phối Ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đến nhà anh Thành. Ảnh: BVCC

Tim của anh được hiến cho một bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Huế, gan và thận ghép tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ngay lập tức, một kíp bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế lên đường ra Hà Nội để tiếp nhận mô tạng. Ca mổ được ekip bác sĩ thực hiện khẩn trương đảm bảo chất lượng nguồn tạng hiến. Sau 2h thực hiện, trái tim "nhân văn" của anh Thành được đưa ra khỏi lồng ngực, được ekip bác sĩ tại Huế vận chuyển máy bay về bệnh viện ghép cho bệnh nhân.

Bác sĩ Nguyễn Đức Dũng – Bệnh viện Trung ương Huế - người tham gia ekip thông tin, 23h cùng ngày trái tim của anh Thành được ghép thành công cho người bệnh. Hiện tại người bệnh nhận trái tim của anh Thành đã phục hồi khoẻ mạnh và ra viện. Trong khi đó hai bệnh nhân ghép thận tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sức khoẻ đã ổn định, trở lại cuộc sống bình thường.

"Tết năm nay tôi không còn con trai, nhưng 3 gia đình khác sẽ có đầy đủ người thân để sum họp. Con tôi vẫn mãi hiện hữu trong cuộc đời này", ông Minh mắt hướng lên di ảnh con trai đã khuất, nói.

"Kiếp sau lại làm con bố nhé!"

Cũng như gia đình ông Minh, Tết này, ông Nguyễn Xuân Khu ở xóm Khe Mo 2, xã Khe Mo, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên mãi "vắng bóng" người con trai 23 tuổi - anh Nguyễn Thành Trung. Anh Trung ra đi với bao ước mơ, hoài bão còn dang dở. Ông Khu đã quyết định hiến tạng con. 

Ông bố quyết định hiến tạng con trai yêu quý: "Con tôi vẫn mãi hiện hữu trong cuộc đời này"- Ảnh 4.

Bệnh viện hữu nghị Việt Đức thực hiện thành công ca lấy đa mô, tạng từ người cho chết não, giúp đem lại sự sống cho nhiều người. Ảnh: BVCC

Nhắc tới con trai, giọng ông Khu trùng xuống. Ông nói với giọng đầy day dứt: "Trung trẻ quá, mới có người yêu, còn chưa kịp lập gia đình".

Nhớ lại thời khắc Trung gặp tai nạn, ông Khu chia sẻ, lúc đó gia đình cũng dồn hết toàn lực để cứu con. Tuy nhiên, bác sĩ nói Trung gặp tai nạn nặng không thể phẫu thuật được. Nghĩ còn nước còn tát, gia đình ông Khu quyết định đưa con xuống Bệnh viện Việt Đức. Tại đây, Trung được chẩn đoán chết não, không còn cơ hội cứu chữa. Khi nghe tin đó từ bác sĩ, ông Khu đã rất suy sụp, đứng không vững.

"Ở Bệnh viện Thái Nguyên, bác sĩ cũng có nói con tôi khó có cơ hội sống tiếp. Các bác sĩ đề cập tới việc hiến tạng. Gia đình tôi quyết định dù cơ hội sống của con là 1%, chúng tôi vẫn chuyển con tới Bệnh viện Việt Đức. Trong trường hợp con không còn cơ hội chữa trị, tôi sẽ hiến tạng con", ông Khu đau xót nói.

Ông bố quyết định hiến tạng con trai yêu quý: "Con tôi vẫn mãi hiện hữu trong cuộc đời này"- Ảnh 5.

Nguồn tạng hiến của bệnh nhân Nguyễn Thành Trung đã hồi sinh sự sống cho nhiều người. Ảnh: BVCC

Tuy nhiên, khi đứng trước quyết định đưa con về chôn cất toàn thây hay hiến tạng con để trao cơ hội sống cho người khác, ông Khu đã suy nghĩ rất nhiều. Cuối cùng, ông đã đồng ý hiến tạng con.

"Tôi nghĩ giờ nếu mang con về thì cũng chỉ đi thiêu, trong khi đó bao nhiêu người cần tạng sẽ mất cơ duyên được cứu sống. Nếu hiến tạng con thì một ngày nào đó tôi sẽ còn nghe được trái tim con đập, ánh mắt con nhìn…", ông Khu nghẹn ngào.

Ngày anh Trung được đẩy vào phòng mổ để lấy tạng, ekip bác sĩ ai cũng rơi nước mắt trước hành động ông Khu cầm tay con trai và thì thầm vào tai con: "Kiếp sau lại làm con bố nhé!".

Sau khi lo xong đám tang cho anh Trung, ông Khu cũng đã lấy hết cam đảm gọi cho bác sĩ hỏi về trường hợp nhận trái tim của con. Qua bác sĩ, ông Khu biết được trái tim của Trung đã được ghép thành công cho một bé gái và sức khỏe của bé gái đang tiến triển tốt. Các bệnh nhân nhận thận, gan của Trung sức khoẻ cũng tốt. Nghe được những tin vui đó, ông Khu và vợ cũng cảm thấy nhẹ lòng.

Ông Khu hiến tạng con để cứu người nhưng nhiều người làng, người xóm vẫn xì xào. Họ nói ông bán tạng con kiếm tiền tỷ, con mất bố mẹ lại sung sướng…

Ông bố quyết định hiến tạng con trai yêu quý: "Con tôi vẫn mãi hiện hữu trong cuộc đời này"- Ảnh 6.

Gia đình hiến tạng nhận khen thưởng của Bộ Y tế, ông Khu đứng thứ 4 từ trái qua phải. Ảnh: Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia

"Trước những lời nói của dân làng, tôi cũng kệ, không giải thích nhiều. Có người hỏi tôi cũng trả lời hiến tạng con tôi được nhiều thứ, tiền đã là cái gì. Sự ra đi ý nghĩa của con đã được các bộ, ban ngành tới trao tặng huân huy chương", ông Khu nói.

Ông Khu cũng tâm sự, dù nỗi đau mất con vẫn còn đó nhưng giờ gia đình thấy nhẹ lòng. Dù đứa con mà ông dứt ruột đẻ ra đã mất nhưng ông Khu biết rằng những tạng của con vẫn sống khoẻ cứu giúp cho người khác.

"Thân xác con đã siêu thoát, nhưng trái tim con vẫn đập trong lồng ngực của một bé gái 8 tuổi. Nếu có cơ duyên, vợ chồng tôi cũng muốn được nghe lại trái tim con còn đang đập", ông Khu tâm sự.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức, nguồn tạng hiến của bệnh nhân Nguyễn Thành Trung đã hồi sinh sự sống cho nhiều người. Trong đó, có 1 bệnh nhân được ghép tim, 1 bệnh nhân được ghép gan, 2 bệnh nhân được ghép thận, 2 người tìm thấy ánh sáng nhờ ghép giác mạc. Nhiều mô, gân được gửi lại ngân hàng tạng chờ cơ hội cứu những người bệnh khác.

TS.BS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức cho biết, trên 70% số tạng ghép từ người cho chết não được thực hiện tại Bệnh viện Việt Đức. Không chỉ ghép, bệnh viện còn chia sẻ mô, tạng của người hiến cho bệnh viện khác. Nhờ đó, nhiều bệnh nhân giai đoạn cuối được cứu chữa.

Ông Hùng chia sẻ, ghép mô, tạng là một trong những thành tựu quan trọng của ngành y tế trong việc chữa bệnh, đặc biệt đối với các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo do các mô, tạng bị suy giảm chức năng và không hồi phục được như: suy thận mạn, gan, tim, tủy, hỏng giác mạc...

"Việc thực hiện thành công các ca ghép tạng từ người cho chết não mở ra cơ hội có cuộc đời mới cho nhiều bệnh nhân đồng thời thúc đẩy sự phát triển ghép tạng của ngành" Giám đốc Bệnh viện Việt Đức nói.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cho biết: "Chúng ta nhìn thấy chính hàng động đăng ký hiến mô tạng của những người còn sống. 

Chính hành động chia sẻ sự sống của mình cho người khác sau khi qua đời là hành động cụ thể viết nên một dòng chảy tận hiến của những người con dân Việt Nam. Một tấm thẻ đăng ký hiến tạng nhẹ nhàng thôi nhưng tạo điều tốt đẹp đến như vậy. Đó là giá trị không những nhân văn mà còn là giá trị đạo đức tạo nên giá trị đặc biệt trong cộng đồng xã hội hiện nay".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem