Sau khi tốt nghiệp Khoa Nông Lâm, Trường Đại học Vinh, Hà Minh Tuấn, ở bản Cọ Muồng, xã Châu Kim, huyện Quế Phong (tỉnh Nghệ An) là một trong 600 trí thức trẻ ưu tú được lựa chọn về làm phó chủ tịch UBND xã theo Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm phó chủ tịch UBND xã thuộc 64 huyện nghèo.
Trao đổi với Dân Việt, anh Hà Minh Tuấn cho biết: "Thời điểm đó, tôi rất may mắn được bố trí về nhận công tác tại chính mảnh đất quê hương. Đó không chỉ là niềm vui mà còn niềm trăn trở của bản thân, bởi xã mình còn nghèo, còn lạc hậu. Mong sao kiến thức mình học được có thể giúp đỡ được bà con quê mình thoát nghèo và làm giàu bền vững."
Nói đến cây trà hoa vàng, anh Tuấn nói: "Khi còn nhỏ, ông bà cha mẹ tôi thường lên rừng hái hoa của cây trà hoa vàng về pha uống, nghe nói có thể giúp ngăn ngừa sự phát triển của các tế bào ung thư. Loại trà hoa vàng này chủ yếu mọc tự nhiên trong rừng, sống ở dưới những tán cây cổ thụ".
Ngày trước bà con nghèo quê anh Tuấn chỉ hái về sử dụng chứ không có ý thức chăm sóc bảo vệ, nên cây trà cho ra hoa ít hơn. Trong nhiều lần tuần tra rừng, anh Tuấn thấy cây trà hoa vàng có thể giúp người dân quê hương thoát nghèo nên nảy ra ý tưởng "thuần hóa" về trồng trong vườn nhà.
"Ý tưởng thuần hóa, nhân giống cây trà hoa vàng xuất phát từ khát vọng giúp bà con quê hương tôi xóa đói giảm nghèo. Quê tôi còn nghèo lắm, đất đai sản xuất ít, cuộc sống người dân chủ yếu dựa vào rừng nhưng khai thác từ rừng mãi thì cũng sẽ cạn kiệt. Phải vừa khai thác vừa bảo vệ rừng, đó mới là sinh kế bền vững", anh Tuấn cho biết.
Được biết, từ năm 2007, khi được điều động về làm Phó Chủ tịch UBND xã Châu Kim, phụ trách mảng nông nghiệp, anh Tuấn nhận thấy mỗi khi đến mùa cây trà hoa vàng nở hoa thì người dân vào rừng hái và tận thu.
"Trong khi trà hoa vàng lại có giá trị kinh tế cao. Thời điểm này 1kg trà hoa vàng sấy khô, có giá từ 6 - 8 triệu đồng. Tôi ước ao một ngày, vườn rừng nhà mình vàng rộm màu hoa của cây trà hoa vàng", anh Tuấn nói.
Để có thêm kiến thức về cây trà hoa vàng, không còn cách nào khác, anh Tuấn lại khăn gói đi học cao học, đề tài nghiên cứu của anh cũng không có gì khác ngoài cây trà hoa vàng.
Thời gian rảnh rỗi, anh Tuấn đã đi Quảng Ninh, Vĩnh Phúc…tìm gặp chuyên gia, thậm chí mời họ về Châu Kim để hướng dẫn kỹ thuật ươm giống, chiết cành, chăm sóc…
"Trà hoa vàng không cao, to như những cây chè khác, nó như "thiếu nữ kín đáo khép mình trong những bụi cây rậm rạp". Biết được đặc tính của loại cây này, tôi trồng các cây ăn trái trước, khi cây lớn tôi mới trồng trà hoa vàng. Đó là lợi ích kép, lấy ngắn nuôi dài. Vừa có hoa quả thu hoạch vừa chắn gió, che nắng cho trà hoa vàng", anh Tuấn nói
Từ năm 2012, anh Tuấn bắt đầu đào cây non về trồng thử nghiệm, nhưng cây rất khó sống. Gieo hạt thì tỷ lệ nẩy mầm rất thấp. Không nản, anh chuyển sang áp dụng kỹ thuật hom.
Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm nên nhiều lần thất bại, toàn bộ số cành trà hoa vàng giống cắt về gần như chết hết. Tìm đọc các tài liệu, đối chiếu với khí hậu và thổ nhưỡng ở Quế Phong, Tuấn phát hiện nguyên nhân là do mình giâm om sai mùa, phải vào mùa xuân. Anh chờ cho đến cuối năm mới hom đợt tiếp theo và thật bất ngờ, cây nảy mầm, lộc non nhú lên từng ngày.
Vừa hướng dẫn chúng tôi tham quan vườn ươm, anh Tuấn vừa giải thích: "Khâu đầu tiên là phải chọn được những cành trà hoa vàng khoẻ, đẹp để làm giống. Tiếp đó là trộn đất và các loại phân bón với một tỷ lệ thích hợp để đóng bầu. Khi đã giâm giống vào bầu thì hết sức chú ý đến công đoạn tưới nước. Loại cây này có đặc điểm là sống ở nơi ẩm ướt nên phải tưới tắm thường xuyên.
Khi cây đã cứng cáp, chừng 7 - 8 tháng thì phải cắt cành, đổi đầu đất cho cây để kích thích bộ rễ phát triển phù hợp. Chừng một năm tuổi thì có thể đem ra trồng.
Hiện, trong vườn nhà anh Tuấn có khoảng 3.500 cây trà hoa vàng trên diện tích hơn 3 ha, anh dự định trồng thêm 3.000 - 4.000 cây nữa vào cuối năm nay.
Thấy tôi băn khoăn về số cây giống trong vườn ươm nhiều hơn nhu cầu, Tuấn giải thích: Số còn lại tôi cho bà con trong bản để họ cùng trồng. Từ ngày nhân giống thành công đến nay, tôi đã cung cấp cho bà con hơn 10.000 cây, nhiều nhà đã mạnh dạn cải tạo vườn tạp để trồng trà hoa vàng rồi.
"Cây giống thì cứ giúp bà con trước đã, chừng nào mọi người thấy hiệu quả kinh tế từ trà hoa vàng mang lại thì tự khắc họ sẽ tìm đến mua giống. Khi đó bán cũng chưa muộn" – anh Tuấn nói.
Dự án "thuần hóa" cây trà hoa vàng của anh Hà Minh Tuấn tưởng chừng như không thể thực hiện, nay bước đầu đã thành công. Hy vọng bằng sự đam mê, anh Tuấn sẽ thành công, giúp người dân quê hương xóa đói giảm nghèo, cuộc sống của bà con xã Châu Kim không còn phụ thuộc vào rừng nữa.