Năm Gia Long thứ 5 (1806), vua ra chiếu chỉ: Ta mới lên nối ngôi, nghĩ đến việc hình (tù tội) thì thương xót. Vua chỉ đạo Bộ Hình xét lại các án tử hình để có thể khoan hồng, hạ mức phạt với người chưa thi hành án. Ai bị lưu đày được "tha về.
Năm Minh Mệnh thứ 20 (1839), vào kỳ xét án mùa thu, đình thần tâu dâng danh sách phúc thẩm những án năm ấy. Vua đặc cách cho hơn 70 người được giảm tội chết, chuyển sang làm quân lính. Trong số này tại Hải Dương có Trần Duy Bình, 75 tuổi, phạm tội giết người với mức án trảm giam hậu (kết tội chém đầu nhưng giam lại đợi sau), song đã già yếu. Bộ Hình tâu rằng nên chăng cho theo luật nộp 1.200 lạng bạc để chuộc tội.
Vua phán: Trần Duy Bình giết người nên không thể tha, song nạn nhân lại là can phạm giết người, vì thế tính chất phạm tội có khác. Trần Duy Bình bị giam nhiều năm, nay đã già yếu đáng thương, vậy gia ơn cho nộp tiền như số đó để chuộc tội.
Một trường hợp đặc biệt khác được tha tội chết là Nguyễn Cư Tuấn (con của công thần Nguyễn Cư Trinh). Cư Tuấn làm Cai bạ Quảng Trị, do sách nhiễu đòi hối lộ đến hơn 900 quan tiền, nên bị xử tội chết. Vua Minh Mệnh cho là phạm tội trước khi có lệnh ân xá, nên miễn cho tội chết, buộc lưu đày khổ sai 6 năm, truy một nửa tang vật trả cho dân.
Con Cư Tuấn là Cư Sĩ, 14 tuổi, xin chịu tội thay cho cha. Vua xuống chiếu dụ rằng: Cư Tuấn là con công thần song làm mất thanh danh gia đình, nhưng Cư Trinh thực có cháu xứng đáng. Trẫm nghĩ đến kẻ công thần và thương người con hiếu, vậy tha tội cho.
Dịp lễ mừng thọ Thánh mẫu Hoàng thái hậu tròn 50 tuổi, vào năm Tự Đức thứ 12 (1859), 29 tử tù cũng được tha tội chết, buộc làm quân lính. Ba người khác do là còn trai duy nhất trong gia đình, cha mẹ già, nên được cho làm lính ở nơi gia đình đang sinh sống.
Đây là trường hợp đặc biệt, còn thông thường những trường hợp phạm tội nghiêm trọng thì không được tha. Luật Gia Long quy định đó là các tội: mưu phản, đại nghịch, mưu bạn, ác nghịch, bất đạo, đại bất kính, bất hiếu, bất mục, giết người, buôn người, đốt nhà, đào mả, nhận hối lộ, lừa đảo...
Vua Minh Mệnh có quan điểm rằng: Hình phạt là để răn kẻ làm điều ác, vì thế không thể vì cái tiếng thương dân mà bỏ việc này. Điển hình, năm Minh Mệnh thứ 14 (1833), nhóm tù nhân ở phủ Thuận An vượt ngục, chém cai ngục bị thương. Trừ 6 tên đã bị giết, với 16 tên bị bắt, vua không tha tội chết, cho chém bêu đầu ngay để răn đe kẻ khác.
Trong chính sách khoan hồng của triều Nguyễn, Luật Gia Long quy định người phạm tội lưu (đày đi xa) nếu đang trên đường đi mà gặp dịp ân xá thì được thả về (tính theo ngày vua ký duyệt lệnh ân xá). Nếu đã đến nơi thì dù có gặp dịp ân xá, họ cũng không được trở về. Người phạm tội đồ (đày khổ sai), trên đường đi hay đã đến nơi nếu gặp đúng dịp ân xá thì được thả.
Ai nghe tin sắp có ân xá mà cố ý phạm tội để mong được ân xá thì bị xử nặng hơn trường hợp thường một bậc.