Cây đa cổ hơn 100 năm tuổi ở Thủ đô Hà Nội: Clip: Phương Linh - Nguyễn Tùng
Có một cây đa giữa lòng Hà Nội đã chứng kiến biết bao câu chuyện lịch sử của người dân làng Trung Nha. Từ thời vua Lê Thánh Tông cho đến khi thành phố phát triển hiện đại, cây đa trên đường Võ Chí Công (Nghĩa Đô, Cầu Giấy) vẫn ở đó. Cây đa được coi như một phần "linh hồn", tín ngưỡng của người dân làng Trung Nha.
Thế hệ người dân Trung Nha hiện tại, kể cả các cụ già cao niên nhất cũng không thể biết được cây đã mọc tự bao giờ. Cây đa đã lớn lên cùng người dân, trở thành một phần trong ký ức tuổi thơ không chỉ của họ mà còn của cha mẹ, ông bà họ.
Cây đa làng Trung Nha cao khoảng 20m, thân cây to đến mức phải 6,7 người ôm mới xuể. Thân cây sần sùi in đậm dấu vết của thời gian, cành lá xum xuê tỏa bóng mát cả một vùng trời. Ngoài thân chính, cây còn mọc thêm hai thân phụ ở phía bên phải. Cây vốn không có một cái tên cụ thể nhưng hay được người dân gọi là "cây đa bến nước" bởi trước đây bên cạnh cây có một con suối khá lớn chảy qua.
Có một giai thoại thường được người dân làng Trung Nha truyền lại rằng, trước cổng làng có một cái bia đá to bằng mặt bàn tên là Hạ Mã. Ngày xưa, dù là vua chúa hay quan lại khi muốn đi qua cây đa để vào làng đều phải xuống ngựa, đi bộ vào.
Ông Lê Văn Thành (70 tuổi), một người dân sống lâu đời tại làng Trung Nha chia sẻ: "Cây đa này phải hơn 100 năm tuổi rồi, từ thời ông bà tôi còn bé nó đã lớn vậy rồi. Thân ở phía bên trái là thân chính còn thân phụ bên phải là do rễ phát triển mà thành, hai cây có phần lá hơi khác nhau.
Ngày xưa bên cạnh cây đa có đền ông Bụt và cả một con suối, sau khi làm đường thì người ta lấp đi. Cổng làng được đặt gần cây nguyên bản rất lớn nhưng do làm đường, giải phóng mặt bằng nên chỉ còn để chiếc cổng bé như vậy để tượng trưng. Ngay sát cây đa hồi trước vốn có đình làng Trung Nha, ngày xưa dân làng thường ra gần khu vực đó để mở hội, chơi cờ".
Nhắc đến cây đa, ông Thành lại nhớ đến những năm tháng tuổi thơ tràn đầy kỷ niệm. Mỗi khi cha mẹ đi làm đồng, đám trẻ con trong làng lại tụ tập dưới tán cây đa để chơi đổ dế, bắt bọ. Nói đến đây, ông Thành hào hứng chia sẻ câu chuyện thú vị nhà văn Tô Hoài:
"Nơi đây vốn là nơi sinh ra của mẹ đẻ nhà văn Tô Hoài, ngày bé ông ấy cũng nghịch ngợm lắm. Ông ấy thường ra cánh đồng, chạy dưới tán cây, cho nước vào chai nhựa để chơi đổ dế. Có lẽ, chính những năm tháng tuổi thơ nơi đây đã tạo ra phần nào nguồn cảm hứng để ông hóa thân thành "chú dế mèn", sáng tác ra kiệt tác "Dế Mèn phiêu lưu ký" sau này".
Cũng như nhiều cây đa cổ thụ khác, người dân thường đặt bàn thờ, miếu thờ xung quanh để tiện thắp hương, khấn vái.
Theo ông Lại Phú Quý (62 tuổi), miếu thờ chính tại cây vốn đã xuất hiện từ lâu nhưng gần đây có gia đình đã công đức, bỏ tiền ra để tu sửa, xây dựng lại cho khang trang. Thậm chí, vào những ngày mùng một, ngày rằm hàng tháng, người dân ở huyện lân cận như ở huyện Đông Anh, Sóc Sơn cũng hay đến đây để thắp hương.
Ông cũng cho biết thêm, vì là khu vực nút giao trọng điểm nên thỉnh thoảng tại đây vẫn xảy ra một vài vụ va chạm giao thông nhưng hầu hết vụ va chạm đều không sao hoặc chỉ xây xát nhẹ, nhiều người tin rằng sự may mắn này là nhờ cây đa linh thiêng, bảo vệ con người.
Rạng sáng 13/6 mới đây, một phần nhánh cây lớn của cây bị gãy đổ xuống đường, gây ùn tắc kéo dài gần nút giao Bưởi - Võ Chí Công. Nguyên nhân được xác định là do nhánh cây bị mọt từ bên trong đã nhiều năm.
"Tầm 1 giờ đêm tôi đang xem đá bóng thì bỗng nghe thấy tiếng động rất lớn, hoá ra là cành cây bị rơi xuống đất. Cành to lắm, phải hai người ôm mới xuể. Cành nặng, lại bị sâu rỗng ruột nên gãy. Rất may thời điểm đó không có xe cộ nào đi qua", ông Thành nhớ lại sự cố ngày hôm đó.
Tuy nhiên, nhiều người dân lại cho rằng một phần lý do nhánh cây bị gãy có thể là do con người. Sau khi làm đường, phần rễ cây vốn đã bị nén xuống đất rất nhiều. Khi người ta đặt miếu thờ sẽ đổ bê tông xung quanh khiến nước mưa không thể ngấm được đến phần rễ, làm tổn hại tới sức sống của cây.