Sông Cái Tàu thuộc huyện U Minh (tỉnh Cà Mau), bắt nguồn từ con Sông Trẹm (địa phận Tắc Thủ) chạy dài đến ngã tư rạch Tiểu Dừa tiếp giáp xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh (tỉnh Kiên Giang) rồi đổ ra vịnh Thái Lan.
Sông Cái Tàu có chiều dài 42 km, chảy qua các xã Khánh An, Nguyễn Phích, thị trấn U Minh, Khánh Hoà, Khánh Thuận và điểm cuối là Khánh Tiến.
Con sông Cái Tàu là huyết mạch vận chuyển hàng hoá bằng đường thuỷ của người dân Cái Tàu - U Minh.
Nơi bắt đầu con sông là ngã ba nên có tên gọi là ngã ba Cái Tàu. Cửa sông hay gọi là vàm (vàm Cái Tàu). Vàm có nhiều người dân sinh sống đông đúc gọi là xóm Cái Tàu; từ xóm người ta lập ra chợ gọi là chợ Cái Tàu… các địa danh mang tên Cái Tàu vẫn tồn tại cho đến ngày nay.
Sông Cái Tàu đến rạch Tiểu Dừa, xã Khánh Thuận và xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh (tỉnh Kiên Giang) được chia thành 4 ngã trước khi đổ ra biển.
Quan sát sông Cái Tàu mùa mưa có 3 màu nước. Ðầu con sông khu vực Khánh An đến Nguyễn Phích có nước trong xanh do vùng đất thuộc đa số trồng lúa; đoạn giữa từ khu vực Nguyễn Phích tiếp giáp thị trấn U Minh đến Khánh Thuận có màu nước đỏ đặc trưng, do lá tràm rụng xuống phân huỷ và đoạn cuối đổ ra vịnh Thái Lan nước có màu vàng, vì vùng đất mới còn nhiều phèn mặn.
Sông Cái Tàu là nơi lưu lại nhiều dấu tích của lưu dân thời kỳ khai phá đất rừng U Minh. Ðặc biệt trong những năm kháng chiến chống giặc ngoại xâm, quân và dân ta đã làm nên nhiều chiến công oanh liệt. Trong đó có cuộc nổi dậy chống giặc Pháp của hai anh em Ðỗ Thừa Luông, Ðỗ Thừa Tự vào cuối thế kỷ 19 và nhiều trận chiến nhận chìm tàu giặc trên sông Cái Tàu trong những năm chống Mỹ.
Bến sông Cái Tàu rất êm đềm, thơ mộng, giống như người dân Cái Tàu sống chân chất, hiền hoà, yêu lao động và mến khách.
Cầu bắc qua sông Cái Tàu.
Trải qua bao thăng trầm của thời gian, sông Cái Tàu vẫn êm đềm thơ mộng, giống như người dân Cái Tàu sống chân chất, hiền hoà, yêu lao động và mến khách. Ngày nay, con sông này là nơi huyết mạch vận chuyển hàng hoá bằng đường thuỷ từ Khu Công nghiệp Khí - Ðiện - Ðạm Khánh An, của người dân trong vùng và cũng là nơi cung cấp nguồn nước chính cho người dân vùng đất U Minh canh tác nông nghiệp.