Theo Reuters, các số liệu phân tích gần đây cho thấy những hãng sản xuất ôtô Nhật Bản đang phải đối diện với cuộc khủng hoảng doanh số khá nghiêm trọng tại thị trường Trung Quốc. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ xu hướng chuyển đổi sang xe điện quá nhanh chóng đã khiến thị trường ôtô lớn nhất thế giới bị đảo lộn, đồng thời kéo giảm sức tiêu thụ của nhóm ôtô chạy xăng.
Tổng doanh số của các thương hiệu ôtô Nhật Bản tại thị trường Trung Quốc trong quý I đã giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Số liệu của Reuters cho thấy mức sụt giảm này nhanh gấp đôi so với đà suy giảm chung của thị trường.
Theo các nhà phân tích, áp lực lớn sẽ xuất hiện với hoạt động sản xuất cũng như lợi nhuận tại Trung Quốc một khi các hãng ôtô cắt giảm sản lượng và hạ giá bán của ôtô động cơ đốt trong nhằm kiểm soát hàng tồn kho.
Reuters đánh giá đây là một dấu hiệu đáng lo ngại về sự cạnh tranh ngày càng gia tăng mà các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản có thể phải đối diện ở các thị trường nước ngoài.
“Các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản phải đối mặt với lượng tồn kho xe mới nhiều hơn. Họ đang phải điều chỉnh”, ông Yasushi Matsui – Giám đốc tài chính của nhà cung cấp phụ tùng Denso Corp – cho biết.
Hồi tuần trước, Mitsubishi cho biết đã đình chỉ dây chuyền sản xuất mẫu SUV Outlander tại Trung Quốc trong 3 tháng. Tập đoàn ôtô Nhật Bản cũng phải chịu khoản phí phạt 77 triệu USD do doanh số đạt được với liên doanh GAC tương đối thấp ở cùng kỳ.
Tương tự một số nhà sản xuất ôtô Nhật Bản khác, Mitsubishi đã không công bố số liệu bán hàng tại thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, dữ liệu do Reuters phân tích cho thấy doanh số ôtô Mitsubishi tại Trung Quốc trong quý đầu năm đã giảm 58% so với một năm trước đó.
Hồi năm ngoái, BYD Song đã vượt qua Nissan Sylphy để trở thành mẫu ôtô sở hữu doanh số tốt nhất thị trường Trung Quốc. Đáng nói, mẫu sedan hạng C của Nissan từng duy trì vị thế ôtô bán chạy nhất quốc gia tỷ dân trong 3 năm liên tiếp.
Trước diễn biến này, Nissan cho biết sẽ tập trung vào phát triển phiên bản e-Power của Nissan Sylphy, vốn sẽ trở thành trọng tâm trong quá trình chuyển đổi điện hóa của thương hiệu Nissan tại Trung Quốc.
Theo lý giải từ Toyota, quá trình điện hóa chậm chạp của hãng xe Nhật Bản nhằm mục tiêu bảo vệ số lượng các lựa chọn trên thị trường dành cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, chiến lược này dường như đang đưa Toyota vào thế bất lợi trong cuộc đua doanh số tại Trung Quốc.
“Nhật Bản là kẻ thua cuộc lớn nhất trong cuộc chiến giá tại thị trường ôtô Trung Quốc”, ông Bill Russo – nhà sáng lập đồng thời là CEO của Automobility – nhận định.
Theo vị này, việc xe điện nội địa Trung Quốc có giá bán ngày càng rẻ hơn đã khiến chúng trở nên hấp dẫn đối với nhóm khách hàng vốn khá trung thành với những thương hiệu xe nước ngoài.
Tỷ trọng doanh số của ôtô Nhật Bản tại Trung Quốc đã giảm xuống chỉ còn 18,5% trong quý đầu năm, theo dữ liệu từ Hiệp hội xe khách Trung Quốc (CAAM). Hồi năm 2020, ôtô Nhật Bản từng nắm đến 24% tổng doanh số ôtô mới tại quốc gia tỷ dân.
Trong đó, Toyota cùng thương hiệu xe sang Lexus đã giảm 14,5% doanh số trong 3 tháng đầu năm. Nissan giảm 45,8% doanh số tại Trung Quốc trong cùng kỳ, còn Honda cũng mất đến 38,2% doanh số ở quý I/2023. Đáng chú ý, doanh số của Mazda tại thị trường Trung Quốc đã “bốc hơi” đến 66,5% trong cùng giai đoạn kể trên.
Trước tình hình này, ông Toshihiro Mibe – CEO của Honda – thừa nhận hãng xe Nhật Bản đang tụt hậu so với các đối thủ Trung Quốc trong một số công nghệ phần mềm.
“Các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc đang dẫn trước nhiều hơn những gì chúng ta mong đợi”, ông Toshihiro Mibe cho biết trong một buổi thuyết trình về công nghệ tự lái và các dịch vụ tiện ích trên ôtô.
Theo đánh giá của Masatoshi Nishimoto, chuyên viên nghiên cứu của S&P Global Mobility, các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản thường định hình thương hiệu và danh tiếng dựa trên các giá trị như độ bền của xe. Tuy nhiên, xu hướng đang diễn ra tại Trung Quốc lại cho thấy ôtô điện giá rẻ và các dịch vụ phần mềm mới là yếu tố tạo ra sức hút đáng kể.
“Các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản có thể phải đối mặt với một cuộc đấu tranh tương tự ở Mỹ”, ông Masatoshi Nishimoto cảnh báo.