Theo ghi nhận, giá cà phê trên thị trường thế giới giảm. Cụ thể, giá cà phê trực tuyến Robusta tại London giao tháng 9/2023 được ghi nhận tại mức 2.588 USD/tấn sau khi giảm 3,18% (tương đương 85 USD).
Giá cà phê Arabica giao tháng 9/2023 tại New York ở mức 157,9 US cent/pound sau khi giảm 2,2% (tương đương 3,55 US cent) tại thời điểm khảo sát vào lúc 12h24 (giờ Việt Nam).
Trước đó, các quỹ và đầu cơ đẩy mạnh thanh lý, rút vốn rời khỏi các thị trường cà phê do mức lợi nhuận không còn hấp dẫn khiến giá cà phê hai sàn kỳ hạn suy yếu trở lại.
Tính chung cả tuần qua, thị trường London có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm đan xen. Giá cà phê Robusta kỳ hạn giao ngay tháng 9 giảm tất cả 14 USD, tức giảm 0,54 %, xuống 2.588 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 11 giảm tất cả 4 USD, tức giảm 0,16 %, còn 2.437 USD/tấn, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Tương tự, thị trường New York có 2 phiên tăng và 3 phiên giảm đan xen. Giá cà phê Arabica kỳ hạn giao ngay tháng 9 giảm tất cả 3,95 cent, tức giảm 2,44 %, xuống 157,90 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 giảm tất cả 3,35 cent, tức giảm 2,07 %, còn 158,20 cent/lb, các mức giảm khá. Khối lượng giao dịch duy trì khá cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại thị trường Tây Nguyên hôm nay đi ngang. Trong đó, các địa phương đang thu mua cà phê với giá trong khoảng 65.600 - 66.300 đồng/kg. Cụ thể, tỉnh Lâm Đồng có giá thấp nhất là 65.600 đồng/kg. Tiếp đến là hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum với 66.000 đồng/kg. Cùng thời điểm khảo sát, tỉnh Đắk Lắk có giá thu mua là 66.100 đồng/kg. Đắk Nông ghi nhận mức giao dịch là 66.300 đồng/kg - cao nhất trong các địa phương được khảo sát.
Nổi bật trong tuần qua là các báo cáo chỉ số kinh tế Mỹ và nhiều quốc gia có nền kinh tế lớn đã có sự phát triển tích cực, lạc quan, mức lạm phát có dấu hiệu cải thiện, là cơ sở để nhiều ngân hàng trung ương điều chỉnh mức lãi suất tiền tệ mới.
Giá cà phê lao dốc phiên cuối tuần trước sau áp lực lãi suất vốn vay tăng thêm từ việc các ngân hàng trung ương nâng lãi suất lên mức cao mới. Đặc biệt, lãi suất liên ngân hàng (DI) dành cho các hợp đồng tương lai quá cao đã khiến các quỹ và đầu cơ đẩy mạnh thanh lý, chuyển vốn sang các thị trường khác có mức lợi nhuận hấp dẫn hơn.
Trong khi đó, áp lực bán hàng cà phê vụ mới từ nhà sản xuất hàng đầu là Brazil càng mạnh thêm do tỷ giá đồng Reais có khả năng lên mức cao so với USD.
Tồn kho cà phê Robusta do sàn London Chứng nhận và theo dõi cấp phát, tính đến thứ sáu ngày 28/7 đã giảm thêm 1.310 tấn, tức giảm 2,46% so với một tuần trước đó, xuống đăng ký ở mức 52.050 tấn (khoảng 867.500 bao, bao 60 kg), tiếp tục đứng ở mức thấp nhất kể từ năm 2016 đến nay.
Hiện nay, khu vực Tây Nguyên có tổng diện tích cà phê khoảng 640.000 ha. Với chu kỳ khai thác 20 năm, mỗi năm sẽ có khoảng 30.000 ha cà phê tái canh, cần đến khoảng 40 triệu cây cà phê giống. Những năm vừa qua, giá cà phê ở mức khá thấp nên nhịp độ tái canh bị chững lại.
Năm nay, cà phê nhân đạt mức giá cao nhất trong lịch sử trong khi đa số trái cây mất mùa hoặc mất giá, đã khiến diện tích cà phê bật tăng trở lại. Đây có thể là diễn biến tích cực, giúp Tây Nguyên hình thành được cơ cấu nông nghiệp hợp lý, hài hòa giữa cà phê chủ lực và những cây kinh tế thế mạnh mới.
Tuần qua, giao dịch cà phê tại Việt Nam tiếp tục trầm lắng do kho dự trữ rỗng, trong khi giá tại Indonesia giảm nhẹ khi tình hình trở nên ổn định hơn.
Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu đã công bố tăng lãi suất như dự kiến. ECB cũng đã hé lộ khả năng tạm dừng tăng lãi suất vào tháng 9 tới khi áp lực lạm phát có dấu hiệu giảm nhiệt với những lo ngại về suy thoái kinh tế gia tăng.
Những thay đổi về chính sách tiền tệ đã ảnh hưởng mạnh đến giá cà phê tuần qua. Trong khi, giai đoạn này, yếu tố cung cầu được cho là ảnh hưởng không nhiều đến giá cà phê hai sàn. Giá cà phê Robusta còn nguyên mối lo nguồn cung và tồn kho thấp trong trung và ngắn hạn.
Các chuyên gia dự báo, giá cà phê trên trên cả hai sàn giao dịch sẽ tiếp tục lên xuống theo sự điều chỉnh của tỷ giá đồng USD.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, cà phê là một cây công nghiệp chủ lực của nước ta, vào thời điểm thời tiết nóng ẩm dễ phát sinh nhiều loại bệnh gây hại cho cây. Theo Chi cục Bảo vệ thực vật, nếu phòng trị bệnh theo đúng các phương pháp bà con sẽ hạn chế được những rủi ro khi trồng cây cà phê. Ở đây, Cục bảo vệ thực vật phổ biến bệnh lở cổ rễ ( Zhizoctonia solani) trên cây cà phê và cách phòng trừ.
Bệnh lở cổ rễ ( Zhizoctonia solani có biểu hiện: Bệnh gây hại cho cây con trong vườn ươm và cây 1, 2 tuổi. Ở cây con trong vườn ươm phần thân tiếp giáp với mặt đất (cổ rễ) bị thối đen và teo lại. Nếu bệnh xuất hiện trong thời kỳ kiến thiết thì cây vàng lá, sinh trưởng chậm, một phần cổ rễ bị khuyết dần.
Bệnh thường xuất hiện ở các vườn ươm có độ ẩm cao, ít thoáng, đất trong bầu dí chặt. Trên đồng ruộng bệnh thường xuất hiện trong mùa mưa, ở những nơi ẩm, đất ít được xới xáo. Bệnh phát triển từ từ và lây lan qua việc làm cỏ, cuốc xới. Nguồn bệnh có thể lây lan từ cây con đã bị bệnh trong vườn ươm.
Cách phòng trừ bện lở cổ rễ trên cây cà phê
Đối với cây con trong vườn ươm nông dân không được tưới quá ẩm, không được che quá dầy, xới xáo, bóp bầu tạo độ thông thoáng trong bầu, nhổ bỏ các các cây bị bệnh. Bà con có thể sử dụng thuốc Jinggangmeisu 5SL, 5WP, 10WP ở nồng độ 0,3% phun từ 2 - 3 lần cách nhau 15 ngày.
Trên đồng ruộng: Bà con khi trồng phải chọn các cây con khoẻ mạnh, tránh để xảy ra các vết thương ở phần gốc cây khi làm cỏ, cần nhổ và đốt các cây bị bệnh nặng. Đối với các cây bị bệnh nhẹ bà con có thể dùng thuốc Jinggangmeisu 5SL, 5WP, 10WP ở nồng độ 0,3% phun từ 2 - 3 lần cách nhau 15 ngày.