Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo thông tư quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong các trường phổ thông. Theo đó, hội đồng lựa chọn sách của các trường do hiệu trưởng thành lập. Mỗi trường là một hội đồng. Hội đồng này sẽ bao gồm: người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu; đại diện tổ trưởng tổ chuyên môn, nhóm chuyên môn, phòng chuyên môn (gọi chung là tổ chuyên môn), đại diện giáo viên, đại diện ban cha mẹ học sinh.
Nhiệm vụ của hội đồng là tổ chức thẩm định biên bản các cuộc họp của tổ chuyên môn; các phiếu nhận xét, đánh giá sách giáo khoa của giáo viên; danh mục sách giáo khoa do các tổ chuyên môn lựa chọn. Từ đó, tổng hợp, đề xuất với người đứng đầu trường danh mục sách giáo khoa do các tổ chuyên môn lựa chọn sau khi đã thẩm định đạt yêu cầu.
Tóm lại, về mặt chuyên môn, người quyết định chọn sách giáo khoa cho từng trường sẽ là giáo viên của trường ấy.
Đây là một tin vui với những người làm giáo dục, đặc biệt là những ai đang khao khát đổi mới và tiến bộ. Vì, sau một thời gian khó khăn suốt từ 2018 đến nay, cuối cùng Bộ GD&ĐT đã "đánh lái" vào con đường sáng.
Khi chương trình 2018 được ban hành, kèm theo những thay đổi tích cực, trong đó có tinh thần “một chương trình nhiều bộ sách”, với tư cách là một người đang đứng trên bục giảng và thèm khát sự đổi mới, tôi đã vui mừng và tràn trề hi vọng. Từ tinh thần ấy, tôi còn hình dung đến viễn cảnh một ngày kia giáo viên sẽ có thể được quyền tự soạn lấy học liệu để giảng dạy mà không nhất thiết phải phụ thuộc vào một cuốn sách giáo khoa nào cả. Ngay lúc khởi đầu còn nhiều bỡ ngỡ ấy, tổ chuyên môn của chúng tôi đã sốt sắng chủ động thiết kế lại các bài học trong sách giáo khoa thành các chủ đề và tiến hành những thay đổi nhất định trong phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá...
Nhưng, sự hồ hởi không được lâu, khi dường như mọi thứ cứ ảm đảm dần, như việc hạn chế số lượng các bộ sách chỉ trong con số 3, rồi người chọn sách là UBND cấp tỉnh... Những điều này đã gần như làm giảm sút nghiêm trọng ý nghĩa của “một chương trình nhiều bộ sách”, khiến nhiều phương diện đổi mới bị vô hiệu hóa trên thực tế.
Nhưng, may mắn thay, theo dự thảo thông tư mới này, từ năm sau (2024) sách giáo khoa sẽ là do từng trường quyết định. Có lẽ, vì sự khởi đầu nào cũng khó khăn. Điều đáng mừng là đến thời điểm này Bộ GD&ĐT đã đưa con tàu đi đúng vào đường ray của sự khai mở và tiến bộ, dù chỉ mới là bước đầu, nhưng là một bước đầu quan trọng.
Điều này mang đến ý nghĩa nhiều mặt, như: trao quyền chủ động chọn học liệu cho giáo viên, đưa giáo dục về gần hơn với tinh thần cá nhân hóa, hạn chế được sự áp đặt do tính tập quyền gây ra; thay đổi tư duy “nệ sgk”; mở rộng hệ thống học liệu, từ đó khuyến khích và kích thích văn hóa đọc trở lại trong nhà trường, v.v..
Dù thế, dẫu hào hứng đến đâu, với kinh nghiệm, quan sát và những đúc rút của mình, tôi vẫn thấy cần lưu ý mấy điều sau đây để sự thay đổi trên đây thật sự mang lại ý nghĩa thiết thực và có chất lượng:
- Mỗi giáo viên cần phải ý thức sâu sắc được về quyền và vai trò của mình, không qua loa chiếu lệ, không phó mặc trong việc lựa chọn sgk;
- Có quy chế chặt chẽ để hiệu trưởng và cấp trên không thể can thiệp và thao túng được vào quyết định lựa chọn sgk của giáo viên;
- Cần có nhiều hơn nữa những bộ sgk thay vì chỉ 3 bộ như hiện tại;
- Khuyến khích và chấp nhận những học liệu do giáo viên tự biên soạn (sau khi thẩm định);
- Thay đổi mạnh mẽ phương pháp kiểm tra đánh giá, lấy năng lực làm mục tiêu thay vì kiến thức (ghi nhớ, thuộc lòng)...
Về lâu dài, cần hướng đến việc lựa chọn sách giáo khoa (học liệu) ở mức độ cá nhân, tức là từng gv, từng học sinh, chứ không phải chỉ dừng lại ở cấp trường. Đó là lý tưởng, một lý tưởng đáng mơ ước và khởi sự ngay từ bây giờ.
Một điều quan trọng nữa cần lưu tâm, đó là “tâm lý sợ cái mới” ở giáo viên và người dân nói chung. Việc cầm tay chỉ việc vốn không vui vẻ gì, nhưng trao cho quyền làm chủ lại cũng là một gánh nặng nếu người thầy chưa sàng sàng tâm thế. Thay vì e dè và sợ hãi trước những đổi thay, giáo viên cần mạnh dạn nắm lấy cơ hội này, không ngừng học hỏi để đứng vững được trên tư thế của nhà giáo dục trong thời đại mới.