Xuyên suốt lịch sử loài người, sự trường sinh bất tử luôn là khao khát của bất cứ ai, đặc biệt đối với những vị vua chúa quý tộc, họ luôn mong muốn được sống mãi, để có thể kéo dài triều đại, duy trì sự thống trị của mình tới muôn đời sau.
Tuy nhiên, cho đến ngày nay, khi khoa học kỹ thuật đã phát triển đến đỉnh cao, việc tạo ra một phương pháp giúp con người trở nên trường sinh bất lão vẫn là một bài toán khó mà các nhà khoa học luôn đau đầu tìm lời giải.
Vị vua đầu tiên thống nhất Trung Hoa, Tần Thủy Hoàng (259 TCN – 210 TCN), cũng từng đau đáu giấc mộng về sự bất tử. Vào thời nhà Tần, các phương sĩ chủ yếu là tìm kiếm thực vật, động vật hoặc khoáng chất trong tự nhiên, vậy nên mặc dù đã cố gắng rất nhiều nhưng họ đều không thể thực hiện được yêu cầu của Tiên đế.
Năm 219 TCN, Từ Phúc, vị ngự y được Tần Thủy Hoàng giao phó trách nhiệm đã lên đường đi tìm bài thuốc giúp vị hoàng đế có thể sống mãi cùng triều đại của mình nhưng rồi Từ Phúc không quay lại, giấc mộng cũng ra đi theo Tần Thủy Hoàng 9 năm sau đó.
Tần Thủy Hoàng cử ngự y Từ Phúc đi tìm phương thuốc trường sinh trong suốt 9 năm. Ảnh: Sohu
Theo cuốn Sử ký, vị vua thứ 7 của triều đại Tây Hán, Hán Vũ Đế (156 TCN - 87 TCN) thông qua "thuật luyện đan", không ngừng theo đuổi thần dược trường sinh. Thuật luyện đan thực chất là khởi đầu của công nghệ nấu chảy, ông thường sử dụng chu sa, khoáng vật cinnabarit của thủy ngân sẵn có trong tự nhiên, có dạng bột, màu đỏ để luyện thành đan dược uống.
Dưới thời Ngụy-Tấn-Nam-Bắc triều (220 – 589), thuật luyện đan và uống tiên đan rất phổ biến trong xã hội, điển hình là Ngũ thạch tán, một loại xuân dược – viagra của thời đại này. Tới thời Đông Tấn, nhà luyện đan nổi tiếng nhất lịch sử Trung Quốc, Cát Hồng (283-343) cũng dành cả cuộc đời để nghiên cứu bào chế loại thuốc tiên kéo dài tuổi thọ con người.
Trong thời đại này vì khoa học công nghệ chưa phát triển mạnh nên những nhà giả kim rất được trọng vọng, người đương thời cũng có niềm tin rất lớn vào sự kỳ diệu của đan dược.
Thuốc trường sinh được tìm thấy trong nhiều lăng mộ quý tộc thời Đông Tấn. Ảnh: Sohu
Trên thực tế khảo cổ, ngoài hàm lượng thủy ngân đậm đặc được tìm thấy trong các lăng mộ như lăng Tần Tiên Đế, các nhà khoa học cũng đã không ít lần phát hiện những viên thuốc trường sinh làm từ thủy ngân tại các khu di tích cổ.
Vào những năm 1960, các nhà khảo cổ đã khai quật một ngôi mộ hợp táng rất lớn từ thời Đông Tấn (317 - 420) ở Tương Sơn, ngoại ô Nam Kinh, Trung Quốc.
Đồ tùy táng ở đây rất phong phú, trong đó có các di vật như đĩa sứ vàng, đồ trang sức bằng vàng bạc... Trong số những đồ vật được khai quật, nổi bật nhất là hơn 200 viên thuốc được đặt ngay bên cạnh chủ nhân ngôi mộ.
Tuy thi thể chủ mộ đã mục nát nhưng tấm văn bia vẫn được bảo quản rất tốt. Theo ghi chép từ văn bia, người đàn ông trong ngôi mộ hợp táng này tên là Vương Bân, một viên quan quyền cao chức trọng của triều đại Đông Tấn. Vương Bân là chú của nhà thư pháp nổi tiếng "Thư Thánh" Vương Hi Chi (303-361).
Người phụ nữ được chôn cùng Vương Bân là con gái ông, Vương Đan Hổ.
Chum vại đựng 'tiên đan' bên trong lăng mộ hợp táng Vương Đan Hổ. Ảnh: Sohu
Sau khi tiến hành điều tra kỹ lưỡng, các nhà khoa học xác định những viên thuốc kia là vị thuốc trường sinh trong thuật giả kim cổ đại, thành phần chính của những viên thuốc trên là thủy ngân (II) sunfua, một hợp chất của hai nguyên tố hóa học là thủy ngân và lưu huỳnh, có công thức hóa học là HgS.
Việc những viên thuốc trường sinh được đặt trong quan tài chôn cùng Vương Đan Hổ đã chứng minh nỗi ám ảnh đến mức điên cuồng của chủ mộ với những phương pháp bất tử, cũng là một niềm tin phổ biến của giới quý tộc dưới thời Đông Tấn.
Thông qua nghiên cứu một số tiên dược được tìm thấy trong các khu di tích cổ, kết hợp thêm ghi chép lịch sử, các nhà khoa học đưa ra kết luận: Mỗi triều đại đều có phương pháp chế tạo thuốc trường sinh riêng, trong đó cách thức được ưa chuộng nhất đó là luyện đan dược và tất cả đều có một điểm chung đó là sử dụng thủy ngân làm thành phần chính.
Thủy ngân sunfua là một chất độc đối với cơ thể con người do bản thân thủy ngân vốn đã độc, các hợp chất và muối của thủy ngân lại càng độc. Những hợp chất này hoàn toàn có thể gây hại tới sức khỏe ngay cả khi chỉ tiếp xúc ngoài da.
Việc tiêu thụ một lượng lớn thủy ngân sunfua sẽ hủy hoại hệ thần kinh và khả năng sinh sản của con người. Đặc biệt nếu ăn nhiều sẽ gây nghiện, người dùng có thể tử vong do ngộ độc kim loại bất kỳ lúc nào.
Dung dịch có màu vàng, đục và có mùi giống rượu này là thuốc trường sinh được tìm thấy trong một lăng mộ cổ. Ảnh: QQ
Trong thực tế lịch sử, tiên dược trường sinh chưa gây ra một vụ án mạng nào, nhưng nó lại là nguyên nhân gây ra nhiều loại bạo bệnh cho giới quý tộc cổ đại. Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao người xưa lại ưa chuộng sử dụng loại độc dược này đến vậy? Câu trả lời bắt nguồn từ... màu sắc.
Từ thời kỳ đồ đá, tổ tiên của con người đã sử dụng các sắc tố tự nhiên như hematit, quặng sắt vàng, phấn, máu thú, than củi và các sắc tố tự nhiên khác để vẽ những bức tranh tường sớm nhất trong hang động nơi họ sinh sống.
Tuy nhiên, các sắc tố của thời đại đó chủ yếu được làm từ vật liệu tự nhiên, mức độ tinh khiết của màu sắc và chất lượng sắc tố không cao, không thể đáp ứng việc sử dụng hàng ngày của con người.
Con người bắt đầu dần dần bắt đầu chế biến các sắc tố tự nhiên tinh khiết hoặc tự làm sắc tố. Cũng chính từ nhu cầu điều chế màu sắc này, nhiều loại chất độc cũng dần được phát hiện ra.
Theo cuốn Sử ký, trong xã hội Trung Quốc cổ đại, thuyết ngũ hành quy định tất cả mọi thứ trên thế giới có thể được phân loại trong năm dòng, sau đó màu sắc và phương vị cũng có thể được chia thành năm dòng, bao gồm xanh lá cây, đỏ, trắng, đen và vàng.
Người dân trong xã hội phong kiến ưa chuộng sử dụng đồ trang sức và đồ dùng chứa 5 màu sắc này, vì vậy công nghệ chiết xuất, điều chế màu giản đơn dần được hình thành. Tuy nhiên, không may thay, màu đỏ, vàng và thậm chí là màu trắng đều được tạo ra từ những thứ có độc tính không nhỏ.
Chu sa là hợp chất thủy ngân sunfua được dùng nhiều trong sản xuất tiên đan, tiên dược cho các bậc quý tộc. Ảnh: Internet
Chu sa là hợp chất được sử dụng trong điều chế màu đỏ son, thực ra là thủy ngân sunfua, người xưa cho lưu huỳnh phản ứng tự nhiên với thủy ngân, chuyển đổi thủy ngân bạc thành màu đỏ bạc, từ đó có được một sắc tố màu đỏ rất tinh khiết.
Thủy ngân là kim loại có nhiệt độ nóng chảy thấp đầu tiên (-38,83 °C) được phát hiện bởi con người, điều này đã làm cho nó trở nên thần bí hơn trong tư tưởng của người Trung Quốc và cả các nhà khoa học phương Tây.
Đầu tiên, sắc đỏ tự nhiên của chu sa được coi là khí huyết của trời đất, tượng trưng cho sự vĩnh cửu. Thủy ngân dưới tác động của nhiệt độ cao sẽ không ngừng thăng hoa, chu kỳ qua lại này từ thể lỏng đến thể khí.
Sự thay đổi này khiến người Trung Quốc nghĩ đến quá trình 'Vũ Hóa thăng tiên', người phương Tây nghĩ đến cái chết và tái sinh, bởi vậy bọn họ cho rằng để luyện thuốc trường sinh chắc chắn phải sử dụng thủy ngân.
Thứ hai, phú quý và tuổi thọ là 2 thứ mà con người luôn theo đuổi. Vàng dường như là một biểu tượng của cả 2 thứ ấy, nó không chỉ quý giá - tượng trưng cho sự giàu có, mà còn luôn giữ được trạng thái ổn định, không bị tác động bởi các yếu tố môi trường, tức là tượng trưng cho sự vĩnh cửu.
Mặt khác, thủy ngân là kim loại duy nhất có thể phản ứng với nhiều kim loại khác, bao gồm cả vàng, vậy nên nó như một cầu nối chuyển giao giữa những kim loại thường và kim loại quý.
Những viên chu sa tiên đan thực chất lại là thuốc độc chết người. Ảnh: Sohu
Các nhà giả kim thuật thông thường nghĩ rằng thủy ngân là vật chất khởi đầu để các kim loại khác được tạo ra. Họ cho rằng thủy ngân là thiết yếu để biến đổi của các kim loại gốc (hay không tinh khiết) thành vàng. Đây là nguyên lý và mục đích cơ bản của giả kim thuật, xét cả về phương diện tinh thần hay vật chất.
Từ đó, thủy ngân đã trở thành một phần quan trọng trong văn hóa tinh thần của người cổ đại, đồng thời thủy ngân sunfua đã trở thành một trong những sắc tố tổng hợp đầu tiên được nắm giữ bởi con người.
Do sự hiểu biết về khoa học chưa hoàn thiện, những đặc tính cơ bản của thủy ngân được hiểu thành biểu tượng sức mạnh của đất trời, thiên nhiên, của sự vĩnh cửu.
Chính vì vậy, từ một hợp chất có hại cho sức khỏe, thủy ngân được các nhà giả kim Trung Quốc đề cao, coi là một vị thuốc quý và ưa chuộng sử dụng trong điều chế các loại thuốc bổ, thuốc hồi xuân, thuốc trường sinh. Trong đó, những người chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự thiếu hiểu biết này chính là giới quý tộc cổ đại, bao gồm cả những người trong hoàng tộc và hoàng đế.