Với niềm say mê và đôi bàn tay khéo léo, anh Khổng Văn Phi ở thôn Tổ Gà, xã Cao Phong, huyện Sông Lô (tỉnh Vĩnh Phúc) là một trong những người tiên phong trong xây dựng mô hình trồng hoa, trồng cây cảnh tại địa phương với mức thu nhập hàng tỷ đồng/năm.
Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề, anh Phi cho biết: "Từ khi còn nhỏ, tôi đã có niềm yêu thích đặc biệt với các loại hoa, cây cảnh.
Lớn lên, tôi quyết tâm lựa chọn nghề này để phát triển kinh tế gia đình bởi tôi nhận thấy đây là một nghề tiềm năng, mang lại hiệu quả kinh tế cao và cũng để thỏa mãn niềm đam mê từ nhỏ của mình.
Khi mới khởi nghiệp trồng cây cảnh, tôi dành phần lớn thời gian tìm hiểu kỹ thuật trồng và chăm sóc, ươm giống, tạo dáng, ghép cành cho hoa, cây cảnh thông qua sách báo, mạng internet…
Tôi tìm đến làng hoa, làng trồng cây cảnh ở các tỉnh Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Lâm Đồng… để học hỏi.
Tôi học hỏi kinh nghiệm trồng cây cảnh thực tế của các nhà vườn về đặc điểm từng loại hoa, cây cảnh; các loại sâu bệnh thường gặp; cách lựa chọn giống, đất đai phù hợp và chế độ chăm sóc hợp lý để hoa nở đúng dịp lễ, Tết".
Với số vốn ban đầu chỉ khoảng 100 triệu đồng, anh Phi lựa chọn trồng các loại hoa đơn giản, chủ yếu là hoa giấy, bởi đây là giống hoa dễ trồng, dễ nhân giống, chi phí đầu vào thấp, sản phẩm đầu ra có giá ổn định, lại phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Mô hình trồng cây cảnh đang hot, trồng hoa của anh Khổng Văn Phi, nông dân làm giàu ở xã Cao Phong, huyện Sông Lô (tỉnh Vĩnh Phúc) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ trồng cây cảnh, mỗi năm gia đình anh Phi có thu nhập hàng tỷ đồng. Ảnh: Kim Ly.
Anh Phi cho biết thêm: "Trồng hoa giấy rất dễ, song để tạo ra những cây hoa giấy mang nhiều màu sắc, hình thế khác nhau lại đòi hỏi người trồng phải áp dụng thuần thục các kỹ thuật ghép đoạn cành, uốn tỉa theo các dáng nghệ thuật bắt mắt.
Hoa giấy thuộc loại thân leo, mềm dẻo, do đó, người trồng phải quan sát, lựa chọn thật kỹ những cành có độ đàn hồi tốt, uốn phần thân chính trước, sau đó mới đến cành chính và cành phụ, cành lớn phải uốn trước rồi mới đến cành nhỏ, tránh làm tổn thương cây. Bên cạnh đó, phải thường xuyên cắt tỉa lá định kỳ để cây sớm ra hoa".
Với đôi bàn tay khéo léo cùng vốn kiến thức, kinh nghiệm thực tế tích lũy được từ các nhà vườn, sau 3-4 tháng tỉ mỉ trồng và chăm sóc, vườn hoa giấy của anh Phi sinh trưởng, phát triển tốt với nhiều màu sắc rực rỡ, bắt mắt, thế cây được tạo hình theo dáng nghiêng truyền thống hoặc dáng thác đổ. Vụ hoa đầu tiên, gia đình anh Phi thu về hơn 300 triệu đồng.
Tiếp tục nắm bắt nhu cầu, xu hướng của thị trường, đến nay, anh Phi đã mở rộng diện tích đất vườn lên tới hơn 800 m2, trồng hơn 200 gốc cây, hoa các loại như hoa hồng, cây tùng, duối, sung, tre…
Đồng thời, anh đầu tư khung lưới che, hệ thống tưới tiêu tự động, nhỏ giọt và phun sương, trang bị đèn điện thắp sáng quanh vườn để tiện cho việc chăm sóc cây.
Theo anh Phi, việc trồng và chăm sóc hoa, cây cảnh không đơn giản. Từ những gốc cây, hoa bình thường, để tạo thành cây bon sai có thế, có hồn, có màu sắc tươi mới và giá trị cao, đòi hỏi người trồng phải thực sự đam mê, hiểu đặc tính từng loại cây cảnh.
Người trồng cây cảnh phải có đôi bàn tay khéo léo, con mắt thẩm mỹ, nghệ thuật, phải nhanh nhạy, kịp thời nắm bắt sự phát triển của công nghệ, xu hướng thị trường để có phương pháp chăm sóc, tạo hình phù hợp, từ dáng long, phượng, vũ, song thu, tam đa… đến những thế cây có dáng, thế phóng khoáng, hiện đại.
Nghề trồng hoa, cây cảnh chẳng phải nhàn, thậm chí có những thời điểm người trồng “ăn không đúng bữa, ngủ không đúng giờ, chăm sóc tỉ mẩn cây như nuôi con mọn”, nhưng, khi nhìn những “đứa con” mình dày công chăm sóc lớn lên từng ngày.
Cây cảnh của gia đình anh Phi được khách hàng tại các tỉnh, thành trên cả nước đón nhận và ưa chuộng, những người trồng hoa, cây cảnh như anh Phi như được tiếp thêm động lực để tiếp tục gắn bó với nghề, góp phần mang lại hương sắc rực rỡ cho mọi người, mọi nhà.
Thành công từ mô hình trồng hoa, trồng cây cảnh không chỉ mang lại cho gia đình anh Phi thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, mà còn tạo thêm việc làm thời vụ cho nhiều lao động địa phương.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Cao Phong (huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) Khổng Văn Giáp cho biết: "Không chỉ là điển hình trong phát triển kinh tế tại địa phương, anh Khổng Văn Phi còn là một hội viên nông dân gương mẫu.
Anh nhiệt tình, sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trồng hoa, kinh nghiệm trồng cây cảnh cho các hội viên trong xã, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, góp phần lan tỏa sâu rộng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” tại địa phương".