Thực hiện Kế hoạch 26 ngày 7/11/2022 của UBND tỉnh Thanh Hóa về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh; hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao và phát triển các chuỗi giá trị, đến tháng 7/2024, toàn tỉnh đã có khoảng 150 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, trang trại và hộ nông dân áp dụng, ứng dụng công nghệ cao vào quá trình sản xuất kinh doanh, góp phần hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.
Gia đình anh Lương Văn Tưởng (trú thôn Đức Thịnh, xã Kiên Thọ) có diện tích hơn 4ha với hơn 2.000 gốc cam đường canh, thực hiện theo tiêu chuẩn "5 không".
Tại huyện miền núi Ngọc Lặc, vườn cam của gia đình anh Lương Văn Tưởng (trú thôn Đức Thịnh, xã Kiên Thọ) có diện tích hơn 4ha với hơn 2.000 gốc cam đường Canh, thực hiện theo tiêu chuẩn "5 không": Không phân hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật, không thuốc diệt cỏ, không kích thích tăng trưởng và không chất bảo quản.
Anh Tưởng cho biết: Năm 2012, khi mới trồng cây ăn quả, anh thường sử dụng nhiều loại thuốc hóa học trong quá trình chăm sóc cây dẫn đến chi phí cao, chất lượng quả không tốt và khó tìm được đầu ra.
Sau khi lên Bắc Giang tham quan mô hình trồng cam ứng dụng khoa học, công nghệ, anh đã chuyển hướng sản xuất theo phương pháp hữu cơ với tiêu chí an toàn, chất lượng và bảo vệ môi trường.
"Để thực hiện việc này, tôi lắp đặt hệ thống tưới tự động, đất luôn được cung cấp đủ độ ẩm cho cây phát triển. Nhờ chất lượng sản phẩm tốt, an toàn nên mỗi độ thu hoạch, vườn cam của tôi có rất đông thương lái về thu mua. Theo ước tính, nếu trừ hết chi phí, mỗi năm tôi lãi gần 500 triệu đồng", anh Tưởng chia sẻ.
Anh Hà Minh Châu (trú thôn Thọ Phú, xã Kiên Ngọc) chọn khởi nghiệp bằng mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng áp dụng công nghệ cao.
Không trồng trọt ngoài trời giống anh Tưởng, anh Hà Minh Châu (trú thôn Thọ Phú, xã Kiên Ngọc) chọn khởi nghiệp bằng mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng áp dụng công nghệ cao. Anh Châu chia sẻ: Năm 2019, trên diện tích hơn 1.500m2 đất thầu lại, anh làm mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt.
"Từ mô hình nhà màng, những quả dưa đạt tiêu chuẩn VietGAP dần ra đời, mang lại doanh thu hằng năm cho tôi vào khoảng gần 1 tỷ đồng", anh Châu nói.
Ông Vũ Văn Chiến, quản lý trang trại Hoàng Gia tại thôn Phú Vinh, xã Ngọc Phụng (huyện Thường Xuân) cho biết: Trồng trọt theo quy trình truyền thống, các trang trại sẽ phải mất nhiều chi phí thuê nhân công, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, còn khi ứng dụng công nghệ cao, mỗi vùng sản xuất đều được giám sát theo nhật ký điện tử nên lượng dinh dưỡng được giám sát chặt chẽ, không hao phí và có tính bao quát cao mà lao động thủ công khó có thể làm được.
Bà Đỗ Thị Hoa - Giám đốc HTX NNPTNT Xuân Minh (huyện Thọ Xuân) cho biết: Trong những năm qua, HTX đã sử dụng máy bay không người lái để gieo sạ, phun thuốc bảo vệ thực vật cho hơn 200ha đất sản xuất của địa phương.
Việc này không chỉ giúp tối ưu hóa trong sản xuất mà còn giúp tiết kiệm chi phí nhân công, máy móc, mang lại hiệu quả kinh tế gấp 2 lần so với phương thức sản xuất truyền thống.
Ông Trần Bình Quân – Chủ tịch Hội Nông dân (HND) tỉnh Thanh Hóa khẳng định: Những mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang là xu hướng phát triển mới mang tính bền vững, góp phần nâng cao thu nhập và vị thế của người nông dân.
Nhờ ứng dụng các thành tựu khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tình hình sản xuất, kinh doanh của nông dân ngày càng khởi sắc, mang lại thu nhập cao, góp xây dựng NTM cho các địa phương.
Để giúp nông dân làm chủ công nghệ số, trong thời gian vừa qua, HND tỉnh đã phối hợp với hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, các doanh nghiệp tổ chức chuyển giao các ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới cho gần 300.000 lượt hội viên, đồng thời, xây dựng và triển khai hàng trăm cuộc hội thảo đầu bờ với hàng nghìn lượt người tham gia.
Trong số đó, nhiều huyện đã chủ động liên kết với các trung tâm, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp phối hợp chuyển giao ứng dụng sử dụng các chế phẩm sinh học trong chăn nuôi, trồng trọt đem lại hiệu quả kinh tế cao, gắn phát triển sản xuất theo hướng bền vững với bảo vệ môi trường, đưa các giống cây, con năng suất, chất lượng cao vào sản xuất.
Theo ông Vũ Quang Trung, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa, cho đến nay, các doanh nghiệp, HTX và người dân trong tỉnh đã đầu tư hơn 200ha diện tích sản xuất trong nhà màng, nhà lưới, áp dụng quy trình sản xuất thông minh, hiện đại, có hệ thống điều khiển tưới tự động, cảm biến nhiệt độ, độ ẩm, đóng mở mái che bán tự động... Theo ông Trung, nhờ ứng dụng hiệu quả công nghệ số, nhiều mô hình làm nông nghiệp đã cho doanh thu lên tới 2,5 - 3 tỷ đồng, đạt lợi nhuận từ 300 - 700 triệu đồng/ha/năm.
"Để bắt nhịp với tiến bộ khoa học công nghệ, đòi hỏi người nông dân cũng phải dần thay đổi tư duy, cách làm nhằm tiệm cận gần hơn với nền nông nghiệp thông minh. Với tư duy mới, cách làm mới, người sản xuất nông nghiệp đã bước vào cuộc chơi lớn, làm chủ công nghệ số, đó là sự thay đổi tất yếu để phát triển", ông Trung khẳng định.