Ông biết đến nhạc Trịnh Công Sơn khi nào và bắt đầu dành thời gian cho âm nhạc của nhạc sĩ từ khi nào?
- Ngày 11.5.1975, tôi vào Sài Gòn với tư thế của người chiến thắng. Đồng bào đổ ra đường với cờ và hoa. Một không khí lễ hội sinh động và hoành tráng, trên những khuôn mặt tràn trề niềm vui.
Hôm đó tôi ra chợ Bến Thành mua được một chiếc đài cátsét. Buổi tối một mình nằm trong doanh trại vắng lặng, tôi bật cát sét và nghe. Bài hát “Đêm hòa bình đầu tiên” của Trịnh Công Sơn vang lên. Thật đặc biệt, và tôi xúc động bàng hoàng.
Nhạc sĩ đã tiên đoán trước của ngày đầu tiên hòa bình. Chỉ có điều là không chỉ niềm vui mà còn có cả nỗi buồn vô hạn trong đôi mắt của mẹ, của chị… Tôi trở thành môn đệ của nhạc Trịnh từ giây phút đó.
Theo ông, sức mạnh của nhạc Trịnh nằm ở đâu?
- Sức mạnh của nhạc anh Trịnh Công Sơn trước hết nằm trong sự thành thực đến thơ ngây. Trong thế giới tâm hồn rộng lớn và suốt của con người này không có một chỗ nào khuất tất. 600 bài hát là 600 ô cửa mở cho ta đi vào căn buồng của tâm hồn anh.
Không có gì giấu giếm và cũng không có gì để mất, anh đem tất cả hồn mình chia sẻ cùng đồng loại, đánh thức ở họ những vùng tâm cảm còn chìm trong bóng tối. Và do vậy, âm nhạc của anh chẳng có gì khác hơn là cái cách giúp con người trò chuyện với chính mình, giúp con người tự hát lên bằng ngôn từ và giai điệu cái thế giới riêng tư thầm kín của họ.
Đã bao lần tôi cố tìm hiểu xem tại sao những lúc buồn bã, đau đớn nhất, hễ cứ nghe nhạc Trịnh một lúc, thì thấy lòng mình dịu lại, vết thương như có ai nhè nhẹ xoa dịu. Và cuối cùng tôi hiểu ra, sức mạnh của anh chính là: Anh làm cho tôi tự yêu tôi hơn.
Anh giúp chúng ta thấy rằng ở ta vẫn nguyên vẹn một phẩm chất người, vẫn đằm thắm yêu thương, vẫn dịu dàng khả ái, vẫn hiểu thấu hết lẽ đời để bao dung, độ lượng, ta chỉ nhượng bước trước trời đất và lẽ vô thường, bởi ta đã học được cách sống chung với đau đớn và tuyệt vọng mà không hề giận hờn trách oán
Có lần nhà thơ đã nói Trịnh Công Sơn luôn đứng ở phía những người bất hạnh, kém may mắn, yếm thế trong cuộc đời?
- Nhiều người thường cho rằng 3 nhạc sĩ hàng đầu của nền tân nhạc Việt Nam là Văn Cao, Phạm Duy và Trịnh Công Sơn, tôi cũng thấy thế. Nhưng nếu phải bỏ phiếu cho một người thôi, thì tôi chọn Trịnh Công Sơn. Đây là nhận định của cá nhân tôi và tôi tin có nhiều người sẽ cùng quan điểm với mình...
Tôi yêu mến và kính trọng Trịnh Công Sơn như một nghệ sĩ và như một con người. Tôi sẵn lòng gọi ông là Thiên sứ với cách hiểu là một người tự nguyện hay được phái đến làm bạn với con người, chia sẻ buồn vui được mất với con người nhất là để nâng giấc con người trong những phút cô đơn.
Tôi đã viết tặng nhạc Trịnh bài thơ này: “Ai ham vui tìm chỗ khác mà vui/Ai mạnh khỏe tìm nơi mà khoe sức/Ai yếu đuối và ai bất lực/Ai lẻ loi xin hãy đến cùng anh/Anh thuộc phía tủi hờn, anh thuộc phía mong manh/Anh thuộc phía những con người bé nhỏ/Người an ủi những linh hồn đau khổ/Bằng nỗi buồn tên gọi Trịnh Công Sơn”.
Mảng nhạc phản chiến của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được mọi người đánh giá là có nhiều tác phẩm xuất sắc, ông có thấy vậy không?
- Tôi chỉ có thể nói rằng tôi vô cùng xúc động vì nhạc phản chiến của anh Sơn, hễ nghe là chỉ muốn khóc. Maxim Gorki nói: “Đốt cháy trái tim lên thành trí tuệ”. Ở đây, trái tim yêu người của anh Sơn quá lớn, nó vượt qua mọi thứ thành kiến và định kiến, để kêu thét lên nỗi đau của con người Việt Nam trong chiến tranh. Nhà thơ Dương Tường có một câu nói hay: “Tôi đứng về phe nước mắt”. Tôi cũng đứng về phía ấy. Đơn giản thế thôi.
Nhưng cũng có người nói nhạc Trịnh hơi yếm thế, nó không khích lệ người ta hăng hái đấu tranh...
- Cách chia sẻ của âm nhạc Trịnh Công Sơn không phải lúc nào cũng được mọi người thông cảm. Nhưng sau nhiều tìm kiếm và chiêm nghiệm, cuộc đời dường như đứng về phía ông. Điều đó đã được chứng minh, 12 năm qua, Trịnh Công Sơn không chết. Ông vẫn đồng hành cùng chúng ta. Nhưng ông đi ở phía trước về những điều tiên cảm được.
Xin cảm ơn ông!
Thiên Việt (ghi)