Tại buổi tọa đàm, bà Trần Thị Thanh Thủy – Trung tâm Con người và thiên nhiên (PanNature) giải thích cụ thể: Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) thực chất là quá trình hỗ trợ ra quyết định, xem xét tính khả thi của dự án, đồng thời hỗ trợ quản lý môi trường, bảo vệ môi trường khi triển khai các dự án. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam mới chỉ thực hiện được vế thứ hai. Quá trình thực hiện đánh giá, giám sát cũng chưa tốt.
Việc tham vấn ý kiến của cộng đồng về môi trường còn hạn chế.
Trong khi đó, GS Đặng Hùng Võ cho rằng vấn đề quản trị và công khai thông tin rất cần thiết trong việc đánh giá ĐTM. Quản trị tốt là quản trị sạch, không có tham nhũng, đồng thời phải không gây tổn thất cho những người yếu thế nhất, những người không tự bảo vệ được mình, cần cộng đồng và Nhà nước bảo vệ họ.
“Nên đưa toàn bộ thông tin lên website. Dân có thể không biết, nhưng các tổ chức xã hội sẽ chuyển tải thông tin đến dân. Đừng coi UBND xã là con đường duy nhất và tin cậy để chuyển tải thông tin đến dân vì đấy là một bộ phận của bộ máy quản lý nhà nước, dù rằng nó cũng hoạt động vì dân”– ông Võ nhấn mạnh.
GS Võ cho rằng, khi chủ đầu tư dự án trình ra các dự án, nhưng cố tình bớt xén các yếu tố đánh giá tác động của môi trường thì đó chính là “ăn quỵt” môi trường. Ông Võ khẳng định: “Ăn quỵt môi trường là hành vi tham nhũng. Việc “ăn quỵt” môi trường sẽ khiến con người phải trả một giá rất đắt. Khoản nợ với môi trường còn đắt hơn đi nợ lãi ngân hàng”. Vì vậy, GS Võ cho rằng cần phải mạnh tay xử lý trường hợp này.
Năm 2005, nội dung tham vấn và công khai thông tin liên quan đến ĐTM mới được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Tuy nhiên, việc tham vấn và công khai thông tin ở Việt Nam hiện vẫn còn quá nhiều hạn chế.