Dân Việt

Quy trình bón phân cho cây ăn quả (Kỳ 2)

04/03/2011 17:12 GMT+7
(Dân Việt) - Đối với cây đang ở giai đoạn kinh doanh (được tính từ vụ bói quả đầu tiên trở đi), việc bón phân phải được chú trọng trong 4 thời kỳ (4 đợt bón) của một chu trình mùa vụ như sau:

Đợt 1: Tính từ khi kết thúc thu hoạch vụ trước cho đến khi cây phục hồi sinh trưởng, tăng cường quá trình tích lũy dinh dưỡng. Thời kỳ này cần ưu tiên bón phân hữu cơ, phân lân và phân đạm (N) nhằm nhanh chóng giúp cây trồng phục hồi sức khỏe sau một thời gian dài phải huy động dinh dưỡng nuôi trái.

img

Đối với cây đang ở giai đoạn kinh doanh, việc bón phân phải được đặc biệt chú trọng.

Tạo tiền đề tốt cho việc tích lũy dinh dưỡng giúp cho giai đoạn kế tiếp. Với một số cây ăn trái có thời gian từ khi kết thúc thu hoạch đến ra hoa vụ kế tiếp quá ngắn thì cần phải bón phân đợt 1 sớm, khi việc thu hoạch trái vụ trước đã đạt từ 70-80%. Đồng thời, ở đợt bón phân này cũng cần bổ sung cả những loại phân bón lá nhằm tăng cường khả năng phục hồi và tích lũy chất (giúp đâm chồi nhánh mới và phát triển bộ lá).

Đợt 2: Tính từ sau khi kết thúc đâm đọt lá non đã chuyển hoàn toàn sang lá già (xoài, nhãn,... riêng họ cam, quýt, chanh, bưởi thì phải bón trước khi đâm đọt mới vì nhóm cây này khi đâm đọt đồng thời với trổ bông).

Giai đoạn này cần bón tăng tỷ lệ phân lân (P) và phân kali (K), giảm lượng phân đạm (N) nhằm giúp cho tỷ lệ C/N của cây tăng cao, thuận lợi cho quá trình hình thành mầm hoa, phát triển hoa. Giai đoạn này cũng cần bổ sung thêm các chất vi lượng (đặt biệt là vi lượng B) nhằm tăng thêm số lượng, chất lượng của hạt phấn, giúp cho việc thụ phấn thụ tinh được dễ dàng, giảm tỷ lệ rụng hoa, giúp cho cây ăn trái trổ hoa đều, tập trung.

Đợt 3: Được tính từ sau thụ phấn đến khi trái phát triển tối đa thể tích. Giai đoạn này cần bón cân đối các chất đa lượng NPK và cả các chất trung và vi lượng nhằm giúp hạn chế tỷ lệ rụng trái, tăng nhanh việc phát triển thể tích trái và vỏ trái tạo điều kiện cho việc tăng số quả và tăng trọng lượng trung bình quả. Đây là 2 chỉ tiêu quan trọng cấu thành năng suất.

Đợt 4: Đây là giai đoạn tích lũy và chuyển hóa các chất trong trái, tăng độ chắc của trái và tăng chất lượng của trái.

Giai đoạn này rất cần chất kali (K) để tăng cường quá trình vận chuyển chất dinh dưỡng từ lá cây vào trái, rất cần thêm tỷ lệ chất đạm (N), chất calci (Ca) và vi lượng để giúp cho độ bóng, độ dày của vỏ được phát triển tốt làm tăng giá trị thương phẩm, hạn chế sự tấn công của mầm bệnh, giúp cho trái chín đồng loạt và tăng chất lượng trái. Giai đoạn này cũng cần ưu tiên các loại phân có nguồn gốc hữu cơ sinh học để bảo đảm độ an toàn, chất lượng trái cây và thời gian lưu trữ.