Sau khi thi xong môn Sinh, nhiều học sinh, giáo viên và cả phụ huynh học sinh có hỏi tôi: Sao đề thi khó quá thầy ơi. Là một giảng viên tham gia giảng dạy đại học và phổ thông về lĩnh vực Sinh học nhiều năm, tôi cảm thấy băn khoăn. Để trả lời được câu hỏi đó một cách khách quan, khoa học tôi nhận thấy cần phải căn cứ vào mấy yếu tố sau:
- Công bố của Bộ GD&ĐT về:
+ Nội dung có trong đề thi thuộc chương trình Sinh học 11 và Sinh học 12, với 40 câu hỏi, thời gian làm bài 50 phút, nghĩa là đề thi bám sát chương trình nội dung Sinh học 11, 12.
+ Đề thi đảm bảo 4 mức độ nhận thức: nhớ (mức 1), thông hiểu (mức 2), vận dụng thấp (mức 3), vận dụng cao (mức 4).
+ Có tính phân hoá, nhưng đáp ứng thực tế trình độ học sinh để thực hiện kỳ thi 2 trong 1, trong đó có 60% câu hỏi ở mức cơ bản (mức 1, 2) và 40% câu hỏi ở mức cao (mức 3, 4).
- Căn cứ vào thực tế nội dung đề thi Sinh học làm cơ sở để xác định mức độ, đạt được của các yêu cầu trên.
Thí sinh gặp nhiều khó khăn khi phải làm bài thi Sinh học "vỏ trắc nghiệm nhưng cốt tự luận".
Để làm việc này, chúng tôi rút ngẫu nhiêu 1 mã đề để nghiên cứu và phân tích (ở đây, chúng tôi lấy mã đề 201). Qua phân tích, nghiên cứu kỹ chúng tôi có một số điểm bình luận sau:
1. Về cấu trúc đề thi và tính hợp lý về phân bố nội dung Sinh học
Trong 40 câu hỏi được phân bố như sau: Sinh học 11: 7 câu (17,5%), Sinh học 12: 33 câu (87,5%). Sinh học 11, các câu hỏi chỉ tập trung vào nội dung chuyển hoá vật chất và năng lượng, thiếu vắng 3 nội dung còn lại. Sinh học 12 có 3 nội dung kiến thức được phân bố như sau: Di truyền: 22 câu (55%), Tiến hoá: 4 câu (10%), Sinh thái: 7 câu (17,5%). Từ phân chia như trên chúng tôi thấy:
- Nếu đứng trên, phân bố toàn cục theo kiểu cơ học phân bố như vậy là hợp lý cho lớp 11 và lớp 12. Tuy nhiên:
- Nếu phân tích chi tiết thì nhận thấy đề thi có một số bất hợp lý sau:
+ Trong 7 nội dung Sinh học 11 và 12 thì ở lớp 11 các câu hỏi chỉ đề cập 1 nội dung về chuyển hoá vật chất và năng lượng thiếu hẳn các câu hỏi 3 nội dung còn lại: sinh trưởng và phát triển, cảm ứng, sinh sản. Ở Sinh học 12, các câu hỏi tập trung nhiều vào quy luật di truyền mà thực chất là các bài tập tự luận mang vỏ là trắc nghiệm khách quan, các bài tập này đều ở dạng khó, phải giải ra mới tìm được phương án đúng. Trong đó, phần ứng dụng di truyền trong chọn giống rất cần thiết lại chỉ có 2 câu, toàn bộ di truyền học chiếm tới 55%, trong khi đó 6 phần kiến thức còn lại của Sinh học 11, 12 chỉ chiếm 45% phá vỡ tính cân đối về kiến thức. Đây là điều bất hợp lý, vì đáng lẽ sử dụng TNKQ (trắc nghiệm khách quan) là để khắc phục các hạn chế kiểu đề thi tự luận thì lại chưa khắc phục được. Điều này ảnh hưởng tính công bằng khi đánh giá về năng lực của học sinh trong thi cử, mà yêu cầu đề trắc nghiệm phải khắc phục được các hạn chế của tự luận, nhưng thực tế đề thi lại không làm được.
2. Về sự phân bố độ khó của đề thi
Đề thi có 4 mức độ nhận thức được phân bố như sau: Nhớ 10 câu (25%); thông hiểu: 7 câu (17,5%); vận dụng thấp: 7 câu (17,5%); vận dụng cao: 16 câu (40%). Từ kết quả phân chia trên có thể nhận thấy:
- Nếu cho rằng học sinh đạt được mức 1,2 là đạt được kiến thức cơ bản thì số lượng câu hỏi này chỉ có 42,5%, còn kiến thức nâng cao là mức 3, 4 thì số lượng câu hỏi loại này chiếm tới 57,5%. Như vậy, đề thi chưa đạt yêu cầu của Bộ 60% cơ bản, 40% nâng cao. Vì vậy, muốn đạt được điểm trung bình học sinh phải làm thêm được một số câu ở mức độ vận dụng thấp hoặc vận dụng cao.
- Điều bất hợp lý nữa là các mức độ khó không rải đều được ở 7 nội dung Sinh học 11, 12, các câu hỏi lớp 11 và các câu hỏi về sinh thái, tiến hoá lớp 12 đa phần ở mức độ nhớ và thông hiểu, còn phần di truyền lại tập trung độ khó cao vào các câu hỏi dạng bài tập di truyền mang hình thức TNKQ mà nội dung lại là câu hỏi tự luận. Các bài tập này quá nhiều, có tới 15 bài mà thực chất không cần thiết nhiều đến như vậy, trong khi đó, các nội dung Sinh học còn lại chủ yếu là ở mức nhận thức thấp (1, 2).
PGS.TS Lê Đình Trung
3. Về tính phân hoá của đề thi để đảm bảo 2 trong 1
- Theo các số liệu đã phân tích ở trên, đa phần học sinh chỉ làm được các câu hỏi ở mức 1 và mức 2 và một số câu hỏi ở mức 3, nên việc đạt điểm để đỗ tốt nghiệp là khả thi, nhưng yêu cầu cho xét tuyển đại học lại bị hạn chế vì học sinh không làm được nhiều.
- Để có thể phân hoá được, phải hoàn thành 15 câu hỏi ở mức độ khó dạng bài tập di truyền. Đối với học sinh trung bình khá khó thực hiện, đối với học sinh khá, giỏi thì cũng có thể làm được (nếu được luyện nhiều về các dạng bài tập này). Tuy nhiên, phải có đủ thời gian, bản thân tôi đã làm thử các bài tập để từ đó suy ra với trình độ học sinh, mỗi bài trung bình phải mất tới 5 phút, vậy 15 bài tập này phải mất 75 phút, đấy là chưa kể thời gian làm 25 câu còn lại. Về việc làm các bài tập này, học sinh phải giải ra để tìm đáp số, từ đó mới chọn được phương án đúng. Thời lượng làm bài quy định trong 50 phút thực ra ít nhất phải cần tới 90 phút là thiếu tính khả thi đối với trình độ của học sinh. Nếu không đủ thời gian làm bài thì làm sao phân hoá được?
4. Về tính chuẩn mực của câu hỏi trắc nghiệm khách quan trong đề thi
Trong đề thi có tới 15/40 câu hỏi (37,5%) không đúng quy định về viết câu dẫn của câu hỏi TNKQ, là ngắn gọn, rõ ràng, định hướng cho việc lựa chọn đáp áp đúng, phần câu dẫn ở đây rất dài là nội dung giả thiết của bài tập tự luận. Có thể nói những câu này là cách trắc nghiệm hoá câu hỏi bài tập tự luận không phù hợp với một đề thi chuẩn mực về KNKQ.
5. Các nguyên nhân gây ra những bất cập
- Việc xây dựng đề và chọn đề chưa thực sự dựa trên khung kiến thức chi tiết của từng phần nội dung Sinh học 11, 12.
- Các cán bộ ra đề nguồn chưa chú ý tới ma trận khung kiến thức chi tiết và liều lượng câu hỏi và mức độ nhận thức của nội dung kiến thức nên chỉ tập trung vào những nội dung mình am hiểu nhiều, mà không chú ý tới các nội dung câu hỏi thuộc nội dung khác.
- Người ra đề nguồn và người chọn đề chưa nắm chắc được các tiêu chuẩn bắt buộc cần có của câu dẫn và câu nhiễu trong câu hỏi TNKQ để không ra hoặc không chọn những câu không đủ tiêu chuẩn về mặt cấu trúc.
- Thiếu hoặc chưa thực sự dựa vào ma trận đề thi, để kiểm tra đề đã đạt các tiêu chí về độ khó, tỉ lệ độ khó, tỉ lệ số lượng câu hỏi có độ khó dành cho tuyển sinh đại học. Sự phân bố đồng đều về độ khó cho các phần kiến thức Sinh học 11 và 12.
6. Giải pháp khắc phục để có đề chuẩn mực
- Trước hết rà soát lại ma trận câu hỏi đã có để chỉnh sửa cho phù hợp.
- Dựa trên ma trận đã được chỉnh sửa, xem xét một cách thận trọng bởi các nhà chuyên môn có kinh nghiệm để loại bỏ, chỉnh sửa cấu trúc các câu chưa phù hợp với chuẩn câu TNKQ và bổ sung thêm các câu hỏi còn thiếu của bộ câu hỏi nguồn.
- Khi lựa chọn đề thi phải dựa trên ma trận chi tiết về số lượng câu hỏi, mức độ khó cho từng nội dung kiến thức, thì mới có các đề đảm bảo chất lượng, yêu cầu đặt ra, đề thi đảm bảo 2 trong 1 để có tỉ lệ thích hợp các câu hỏi nâng cao rải khắp các nội dung thi, tránh tình trạng như đề hiện nay.
Với những phân tích trên cho thấy, đề thi năm nay về môn Sinh ngoài một số ưu điểm, còn một số bất cập cần phải rút kinh nghiệm như tỉ lệ câu hỏi khó quá nhiều, các câu hỏi TNKQ này nấp dưới bóng câu hỏi tự luận đòi hỏi phải mất nhiều thời gian, vậy nên tổng thời gian 50 phút là quá thiếu. Từ đó, học sinh và phụ huynh cũng như giáo viên phản ánh là có cơ sở. Với tư cách là một nhà giáo lâu năm trong nghề, chúng tôi có một số góp ý mang tính xây dựng để các đợt thi sau có chất lượng tốt hơn theo hướng thi 2 trong 1 ngày càng tiếp cận tới các chuẩn mực giáo dục khu vực và quốc tế.