Dân Việt

Người S'tiêng đẵn cổ thụ làm "áo ma" cho người quá cố

19/01/2012 06:36 GMT+7
(Dân Việt) - Không như người Kinh làm quan tài từ những tấm ván ghép lại, những chiếc áo quan của người S'tiêng được khoét từ cây rừng. Thân cây được chặt, băm, đục, khoét để trở thành "mái nhà" cho người đã khuất.

Theo những người già ở buôn Sơn Hòa, xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng, Bình Phước, ngày trước khi một gia đình S’tiêng có người giã từ cuộc sống, họ phải báo để buôn cử những chàng trai khỏe mạnh vào rừng đẵn cổ thụ làm "áo ma".

Không như người Kinh làm quan tài từ những tấm ván ghép lại, những chiếc áo quan của người S'tiêng được khoét từ cây rừng. Họ phải liên tục chặt, băm, đục, khoét trong một ngày để biến thân cây trở thành "mái nhà" cho người đã khuất. Khi đã hoàn chỉnh, người ta sẽ đưa chiếc "áo ma" về nhà gia chủ. Sau thủ tục cúng tế của thầy phù thủy, xác người quá cố được đặt vào lõi cây, rồi đậy nắp lại.

img
Một nghi thức trong lễ tang của người S'tiêng.

Anh Điểu Hà Điệp - Trưởng buôn Sơn Hòa cho biết: "Ngày trước, để tỏ lòng thương tiếc người chết, thường các gia đình để xác chết trong nhà 7 - 8 ngày. Nhưng nay tục này đã được thay đổi".

Theo TS Nguyễn Thành Đức - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc, ngoài thế giới của những người sống, đồng bào S’tiêng còn có niềm tin về thế giới của các thần linh. Trong đó, con người, cỏ cây, đồ vật đều có linh hồn và có nhiều thần linh ngự trị. Các thần linh này được gọi chung là Giàng. Ngoài ra còn có thế giới của ma quỷ là người hay vật đã chết biến thành.

Một người khi chết sẽ có cuộc sống mới ở thế giới ma nên cũng cần những vật dụng hàng ngày để duy trì cuộc sống. Với niềm tin đó nên khi hạ thổ quan tài, người S'tiêng có tục chia của cho người chết, gồm những vật dụng mà lúc sinh thời họ thường sử dụng như cái xà gạc, bầu rượu, chăn mền...

Những vật dụng này được để tại nhà mồ, dù vẫn còn nguyên vẹn, nhưng tuyệt nhiên không ai dám lấy về sử dụng, nếu mang về sẽ bị ma rừng bắt hại, gây dịch bệnh và những cái chết đau đớn. Sau khi tiễn đưa người chết vào rừng sâu, về đến buôn làng, đồng bào tin, nếu không tắm lá ngải và máu gà, người chết vẫn chưa cắt đứt sợi dây kết nối với người sống.

Sau màn tắm máu gà và lá ngải, tùy giới tính, chức sắc, độ tuổi mà những người tham dự đám tang không được ra khỏi làng, không làm bất kỳ việc gì. Thời gian kiêng cữ kéo dài từ 1 - 2 tuần. Sau đó cuộc sống mới trở lại bình thường...