Quan niệm ăn chay của đồng bào đạo giáo Nam bộ

Nguyễn Hữu Hiệp Thứ ba, ngày 08/04/2014 16:44 PM (GMT+7)
Quan niệm về ăn chay mỗi đạo khác, không chỉ khác ngày, giờ mà còn khác cả cách ăn, thức ăn. Những điều cần tránh hoặc nên làm khi ăn cũng thế.
Bình luận 0
Nhưng chung nhất, ăn chay là dịp để thực hành lời khuyên dạy của "đạo trời" về ăn hiền ở lành; tiết chế sự đòi hỏi thái hóa của thân xác.

Những người theo đạo Phật, hạng xuất gia (nhà sư, ni cô), do phải chấp nhận cuộc sống kham khổ nên trong việc ăn uống, họ tuyệt đối không dùng “đồ mặn”, cũng cự tuyệt các loại rượu. Còn người tu tại gia (phật tử bình thường) thì “tự do”, hoặc tự nguyện ăn chay một số ngày nhất định. Thường thì họ ăn chay:

- 2 ngày, tức Nhị chay: mỗi tháng ăn chay các ngày mùng 1 và ngày Rằm.

- 4 ngày, tức Tứ chay: mỗi tháng ăn chay các ngày mùng 1, 8, Rằm, và 23.

- 6 ngày, tức Lục chay: mỗi tháng ăn chay các ngày mùng 1, 8, 14, Rằm, 23, 29 nếu tháng thiếu, 30 nếu tháng đủ.

- 10 ngày, tức Thập chay: mỗi tháng ăn chay các ngày mùng 1, 8, 14, Rằm, 18, 23, 24, 28, 29, 30 (nếu tháng thiếu ăn chay từ ngày 27, 28 và 29).

- 1 tháng, tức Nhứt nguyệt chay: mỗi năm ăn chay trọn 1 tháng Giêng hoặc tháng 7, bởi vì trong tháng Giêng có ngày Rằm tức lễ Thượng ngươn (nguyên) đầu năm, tháng 7 có ngày rằm lễ Vu Lan.

- 3 tháng, tức tam nguyệt chay: ăn chay trường liên tục 3 tháng Giêng, 7 và 10, bởi vì 3 tháng này có 3 ngày Rằm lớn Thượng ngươn, Trung ngươn và Hạ ngươn.

- Trường chay là người thọ chay liên tục, cũng như người xuất gia suốt đời, nhưng mỗi ngày ăn 2 bữa chứ không ăn Ngọ như các sư.
Các thức món trong bữa ăn chay.
Các thức món trong bữa ăn chay.
Vào những ngày ăn chay họ không dùng thịt, cá, trứng, kể cả nước mắm, mà chỉ dùng các loại rau quả (sống hoặc luộc, kho…), đắc dụng nhất là những món được chế biến từ đậu nành (tương, chao, tàu hủ…).

Bữa ăn chay của bà con theo đạo Phật (nhất là những người xuất gia) họ ít khi dùng các vị cay nồng (như ớt, tiêu, hành, tỏi…) vì cho rằng đó là những chất kích thích, có thể do chúng mà không “dằn” được dục tính. Chung nhất là đạm bạc.

Tuy nhiên nếu có khách quý hoặc lễ tiệc, đôi khi họ cũng vẽ viên, cầu kỳ, nào “mắm lóc”, “thịt kho”, nào “gà rôti”, “sườn nướng”…, vừa khéo vừa ngon – nếu không được biết trước, có thể người dùng sẽ hơi bị lầm là món mặn.

Trong khi đó, những người tu theo phái tiểu thừa (tuyệt đại đa số là đồng bào Khơ me Nam Bộ) có phần thoáng hơn. Các vị sư sãi cũng thế. Bà con cúng dường món chi, dầu chay hay mặn đều trân trọng chứ không câu chấp, bởi đó là tấm lòng của thí chủ.

Tất nhiên họ không xúi giục hay gợi ý người khác giết hại sanh vật để làm món ăn cho mình, vì sát sanh là một trong những giới luật của nhà chùa. Các sư độ Ngọ từ 11 - 12 giờ trưa, Cúng dường trong nghi thức cúng Ngọ...
Bà con theo đạo xá đũa trước và sau khi ăn.
Bà con theo đạo xá đũa trước và sau khi ăn.
Đặc biệt, bà con Phật tử Nam tông (tu tâm tại gia) khoảng từ 40 tuổi trở lên mỗi tháng nhịn ăn 4 bữa chiều vào các ngày mùng 8, Rằm, 22 và 30. Sáng đi chùa, chiều nhịn – tùy theo cái tâm của mình. Đó là những người lớn tuổi, tâm đạo, chứ không phải mọi người đều như thế.

Đối với Phật giáo Đại thừa, nếu thường ngày các sư chỉ “độ” một bữa ăn (chính) vào lúc giữa trưa, gọi “ăn cơm Ngọ” thì những người xuất gia theo phái Tiểu thừa không dùng bữa ngày hai lần: sáng sớm và trưa – từ 12 giờ trở đi chỉ uống chứ không ăn (tức không đưa vào miệng những món phải “nhai”).

Những người theo đạo Cao Đài thì “mở” hơn. Vào những ngày “trai kỳ” họ vẫn ăn những vật “không có máu” như trứng, tôm, cua, ốc… Các bà nội trợ tỏ ra khá khéo tay, nhất là có biệt tài trong việc chế biến các món “giả mặn”. Theo Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (Toà Thánh Tây Ninh) thì:

Nhập môn rồi phải tập trai giới, ban đầu ít nữa phải giữ Lục trai, lần lần tập đến Thập trai, nhưng trường trai được lại càng tốt.

Lục trai: Là ăn chay ngày 1, 8, 14, 15, 23 và 30 (tháng thiếu thì ăn ngày 29 thế cho ngày 30).

Thập trai: Là ăn chay ngày 1, 8, 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29, 30 (tháng thiếu ăn thêm ngày 27).

Vị nào giữ được Thập trai trở lên thì sau khi qui liễu, được Hội Thánh đến làm phép xác, y như lời tiên tri: “Ai giữ trai kỳ từ 10 ngày sắp lên, được thọ truyền Bửu pháp”. Đến bữa ăn, họ đọc Kinh vào ăn cơm (giọng Nam Xuân).
Các sư sãi độ Ngọ - không dùng đũa.
Các sư sãi độ Ngọ - không dùng đũa.
Đồng bào Công giáo thì ăn chay ít nhất mỗi năm hai lần vào ngày thứ tư “Lễ Tro” (tháng Hai) và thứ sáu “tuần Thánh” (tháng Ba) – “mùa chay” từ tháng Hai đến tháng Tư dương lịch, nhằm chuẩn bị lễ Phục sinh. Nếu muốn ăn chay nhiều hơn thì ăn mỗi tuần vào ngày thứ sáu để tự hãm mình.

Ngày ăn chay, người theo Công giáo nhịn ăn và nhịn uống (ngoài nước lã) từ sáng sớm đến 11 giờ. Từ 11 giờ trở đi, được ăn no song phải cử thịt mỡ; chỉ được ăn một lần rồi nhịn cho tới 18 giờ, nhưng ăn ít hơn bình thường (lưng lửng), cho tới hai mươi bốn giờ là mãn ngày ăn chay.

Bà con theo Phật Giáo Hòa Hảo (toàn thể đều thuộc hạng tại gia cư sĩ) nên việc ăn uống, luật đạo “không ép ai ăn chay cũng chẳng xúi ai ăn mặn”, tuy nhiên cũng có “phép” định về việc “ăn chay kỳ: “Chay bốn bữa là quy tắc”. Song cũng có người “vượt rào”, ăn sáu bữa (ngày), thậm chí “ăn chay trường” để nhằm tránh sát sanh – thể hiện lòng nhơn của mình.

Theo đó, về ăn chay: “Ăn chay ngày 14, 15, 29, 30 – tháng thiếu 29 và mồng một (…). Hằng năm đến ba ngày xuân nhựt thì ngày 29, 30 và mồng một phải ăn chay, trong mấy ngày ăn chay phải cúng chay, qua đến ngày mồng hai có chi cúng nấy cũng được, đến ngày mồng ba ra mắt không nên sát sanh loài vật mà cúng tế Trời Phật, chỉ dùng bông hoa mà cúng thôi”. Các thức món trong bữa chay cũng giống như người theo đạo Phật.
Ăn cơm chay với bà con người Khơ me.
Ăn cơm chay với bà con người Khơ me.
Nếu người tín đồ Cao Đài trước và sau khi ăn cơm đều có đọc kinh, thì cũng tương tự như thế bà con đạo Phật Giáo Hòa Hảo trước và sau khi dùng bữa đều không quên thủ tục “cúng nhanh” gọi “xá đũa”: Trước khi ăn, họ chấp hai bàn tay trước ngực, đôi đũa được kẹp giữa hai ngón trỏ và hai ngón cái; hoặc gác đôi đũa ngang trên miệng chén cơm rồi hai tay bưng cả chén và đũa đưa lên trán khấn vái (thầm).

Nội dung lời khấn vái là sự thể hiện lòng biết ơn ông bà, tiền nhân – những người nông dân lớp trước đã bỏ ra biết bao công lao khó nhọc khai phá, gieo trồng và truyền dạy, nhờ đó mà ngày nay mới có được “hạt ngọc” để ăn, áo lành để mặc.

Họ cũng không quên thỉnh mời ông bà, tổ tiên, “đất đai viên trạch” về dùng cơm và cầu xin các vị phù hộ độ trì mọi người trong gia đình được mạnh giỏi, làm ăn mau khá. Xong (đặt chén cơm xuống xá nhẹ rồi ngồi yên, lim dim “tưởng” vào cõi xa xăm chừng vài mươi giây thì xem như đã thực hành xong “nghi lễ”, lúc này mọi người mới thực sự dùng bữa.

Ăn xong, họ cũng “xá đũa” để một lần nữa cảm ân tiền nhân đã làm ra hạt gạo – “dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần!”. Giáo lý không buộc khi ăn phải làm như thế, nhưng một bộ phận tín đồ – đa phần là những người lớn tuổi – đều thực hiện để nhằm thiết thực thể hiện đạo lý “Ăn trái nhớ kẻ trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn” – truyền thống tốt đẹp tự ngàn đời của dân tộc.

Bà con theo đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, đều là cư sĩ tại gia, nên cũng ăn chay như tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo. Đặc biệt, trong bữa ăn hàng ngày mọi người đều cữ kỹ 12 con giáp (“thập nhị chi”) tức không ăn thịt các con: chuột, trâu, cọp, mèo, rồng (!), rắn, ngựa, dê, khỉ, gà, chó, heo, vì cho rằng đó là những con vật “cầm tinh”, ăn nó chẳng khác nào ăn thịt người! Chính vì vậy mà việc ăn uống của bà con khá đơn điệu, gần như chỉ toàn tôm cá (thuỷ hải sản). Đặc biệt, trong mâm cơm cúng Ông bà, hầu như không bao giờ thiếu món “xôi xéo” (xôi nếp có nhưn đậu xanh).

Cộng đồng người Chăm Hồi giáo thì ăn chay suốt một tháng. Nếu người Chăm ở miền ngoài hiểu Ramadan là tháng ăn chay với đặc điểm là kiêng ăn thịt các loài vật như trâu, heo, gà, vịt… (nhưng vẫn dùng bữa với các loài tôm, cua, cá…) và sự ăn uống diễn ra bình thường như mọi ngày thì, đồng bào Chăm Hồi giáo ở An Giang lại hiểu Ramadan là tháng bắt buộc “nhịn ăn” (nhịn cả uống, hút và quan hệ tình dục), nhưng chỉ nhịn vào ban ngày, còn đêm thì được ăn hai bữa: sụp tối và sắp sáng.

Tất nhiên không ăn thịt heo, vì theo họ, heo là con vật bẩn thiểu nhất trần gian! Nếu lỡ ăn phải thịt heo họ sẽ cảm thấy bị lợm giọng và có thể bị nôn mửa. Đứng về góc độ tôn giáo, người nào ăn thịt heo sẽ bị xem là thuộc loại “ha-răm”, tức bị coi như không còn là tín đồ Hồi giáo nữa.

Ngay đến gia súc như dê, cừu, gà, vịt… khi cần giết thịt, bà con đặt con vật quay đầu về hướng Tây (Thánh địa La Mecque) và đọc từ 3 đến 7 lần câu kinh Tak – bir :“Bismil – lahil Allahu Akbar” để xác định rằng Thượng đế cho phép cắt cổ súc vật dùng làm thực phẩm cho loài người.

Nếu được mời dự tiệc hay ăn cơm tiệm, họ chỉ ăn khi biết chắc rằng những con vật ấy đã được giết đúng “thủ tục” như vừa nói. Trái lại, họ chỉ dùng những món được chế biến từ thuỷ sản.

Ngày cuối tháng Ramadan, cộng đồng người Chăm Hồi giáo hân hoan bước vào ngày hội “Rona Pittak” (mãn chay – mọi người mở tiệc, cùng nhau ăn uống thoải mái).

Thế là sau suốt một tháng khép mình theo luật đạo, tự tiết chế để “di dưỡng tinh thần”, bà con được phép trở lại trạng thái sinh hoạt bình thường ngay khi trời vừa sụp tối của ngày ấy.
img
Về “nhâm nhi”, nếu người theo Thiên Chúa giáo tỏ ra, rất bình thường đối với các loại rượu thì những vị chức sắc đạo Phật (xuất gia) cử triệt để, nhưng với phật tử (tại gia) thì tuỳ.

Còn bà con tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, theo giáo lý “phải cử tuyệt; nhưng khi có tiệc lễ với người ngoài và không phải nhằm ngày chay lạt, có thể dùng một đôi chút rượu thật nhẹ để đừng có tỏ sự chia rẽ với kẻ ngoại Đạo. Nếu say sưa sẽ phải tội lỗi”.

Bà con theo Hồi giáo (người Chăm) tuyệt đối không ngó tới rượu và các thứ có chất men gây say. Tuy nhiên có người cho rằng nếu vì đau yếu bắt buộc phải dùng rượu thuốc để chữa trị, và nhờ nó mà thực sự khỏi bệnh thì không có tội. Trái lại, khi đã dùng mà bệnh vẫn không thuyên giảm, tất nhiên là … có tội (!). Thành thử khi muốn dùng phải cân nhắc thận trọng. Để “thủ”, bà con không bao giờ nghĩ tới cái “món của quỉ” này.

Trở lên, chỉ ghi nhận đại nét về việc ăn chay, và cũng chỉ kể tả đôi nét về sự kiêng cữ, hoặc nên làm trong ăn uống đối với đồng bào có đạo ở Nam Bộ. Đặc điểm cơ bản là vậy, song thực tế dường như nó chỉ được thi hành một cách nghiêm chính đối với những người ngoan đạo mà thôi.
XEM THÊM
>> Nét đẹp truyền thống trong Tết Chôl Chnăm Thmây
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem