Những ngày này, ngư dân nhiều nơi trúng đậm các mẻ cá lớn. Đặc biệt vào những ngày sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi ngư dân Lê Văn Viện (trú xã Gio Việt, Gio Linh, Quảng Trị) trúng mẻ cá bè vàng 120 tấn trị giá 4 tỷ đồng càng khiến tinh thần vươn khơi bám biển của ngư dân lên cao.
Thế nhưng, ở cảng cá Cửa Tùng nhiều ngư dân lại đang ngày đêm lo lắng, ăn ngủ không yên vì luồng lạch ở cảng này bị bồi lấp, tàu mắc cạn không thể ra khơi.
Tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Bình bị mắc cạn khi vào luồng lạch cảng Cửa Tùng vào chiều 14.3. Ảnh: CTV
Ngư dân Phan Thanh Đạo (trú thị trấn Cửa Tùng, Vĩnh Linh), chủ tàu cá số QT 91243TS, công suất 713CV cho biết, những ngày sau Tết Nguyên đán, anh cùng bạn thuyền ra khơi. Sau 3 ngày đánh bắt, anh cho tàu trở vào cảng Cửa Tùng thì bị mắc cạn. Trong khi neo tàu chờ thủy triều lên để vào bờ, tàu anh Đạo bị sóng lớn đánh làm tàu bị vào nước, phải đưa đi sửa chữa.
Mới đây, vào khoảng 15h ngày 14.3, một tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Bình khi vào tránh trú ở cảng cá Cửa Tùng thì bị mắc cạn, gây hư hỏng nặng.
Ông Lê Văn Sơn, Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Quảng Trị cho hay, vì cầu Cửa Tùng vắt ngang luồng vào cảng xây dựng thấp, tàu cá Quảng Bình lại là tàu lớn, khá cao nên khi di chuyển vào cảng cá, phía trên bị mắc cầu, phía dưới bị mắc cạn, phải nhờ đến sự hỗ trợ của nhiều tàu cá khác kéo mới thoát được.
Hiện tàu cá Quảng Bình đã vào neo đậu ở khu vực thôn Bắc Sơn (Trung Giang, Gio Linh) nhưng chưa biết khi nào mới có thể thoát khỏi cảng cá Cửa Tùng để tiếp tục vươn khơi.
Tàu cá vỏ thép của ngư dân bị mắc cạn, không thể thoát ra khỏi luồng lạch cảng Cửa Tùng. Ảnh: Ngọc Vũ
Theo ông Sơn, dưới cầu Cửa Tùng còn có một vài khối bê tông lớn do việc thi công cầu để lại gây nguy hiểm cho tàu thuyền ra, vào. Ban quản lý Cảng cá Quảng Trị đã nhiều lần kiến nghị các cấp nhưng đến nay những khối bê tông kia vẫn chưa được di dời.
“Nếu tàu va chạm vào những khối bê tông ấy sẽ rất nguy hiểm cho cả tàu và thuyền viên trên tàu” – ông Sơn nói.
Ngư dân Trần Việt Hùng (trú thôn Bắc Sơn, Trung Giang, Gio Linh) cho hay, con tàu vỏ thép số hiệu QT95789TS của anh có công suất 829CV, mớn nước 2,35 mét nhưng luồng cảng Cửa Tùng nay chỉ sâu khoảng 1,5 mét nên không thể ra khơi.
Muốn ra khơi, anh Hùng, anh Đạo và các ngư dân có tàu lớn khác phải chờ lúc thủy triều cực đại, nước lên cao nhất rồi dùng thuyền nhỏ đi đo độ sâu, dò luồng lạch.
Tuy nhiên, khi đi qua luồng cạn, tàu không được chở đá, dầu mà chỉ chạy tàu không. Sau khi thoát khỏi luồng cạn, tàu cá sẽ neo ở cửa biển chờ tàu dịch vụ chở đá, dầu ra cung cấp cho tàu cá ra khơi.
Thế nhưng, việc làm này trái với quy định, nếu gặp lực lượng chức năng tàu dịch vụ chở, bán dầu sẽ bị xử phạt, đó là một bất cập mà người dân đang phải gánh chịu.
Những chiếc tàu nhỏ khi muốn vào cảng cá Cửa Tùng cũng phải neo đậu ngoài cửa biển đợi thủy triều lớn mới có thể di chuyển vào. Ảnh: Ngọc Vũ
Ông Lê Văn Sơn, Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Quảng Trị cho biết, vì hoàn cảnh éo le trên, năm 2018 có hai vụ tàu chở dầu ra cửa biển cung cấp cho tàu cá bị Cảng sát biển bắt, xử phạt vì hành vi đó được cho là sang chiết dầu trái phép trên biển, hay còn gọi là buôn lậu dầu.
Sợ bị lực lượng chức năng xử phạt, nhiều tàu cá ở cảng cá Cửa Tùng sau khi thoát khỏi luồng cạn phải chạy vào tận cảng Cửa Việt (Gio Linh) cách khoảng 15km để mua đá, dầu rồi mới có thể ra khơi đánh bắt.
Ông Sơn cho rằng, việc nạo vét luồng lạch Cửa Tùng là hết sức cấp bách và phải làm thường xuyên như quét nhà. Muốn thực hiện cần huy động nhiều nguồn vốn từ ngân sách lẫn vốn xã hội hóa và ưu tiên doanh nghiệp, nhà đầu tư có quyền lợi liên quan để việc nạo vét có trách nhiệm và hiệu quả.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.