Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Đều đặn mỗi tối thứ 3 và thứ 5 hàng tuần, anh Phán lại cùng đồng đội lặn lội đến những khu vực như bìa rừng, chuồng gia súc và các hộ gia đình thuộc huyện Cần Giờ để “săn” muỗi.
Tùy vào môi trường và khí hậu, có những ngày, đội bắt được 20-50 con, cao điểm nhất có thể lên đến 100 con. Sau mỗi lần kiểm tra, cứ thấy không có cá thể muỗi Anophen (loài muỗi truyền ký sinh trùng sốt rét) nào, cả đội lại thở phào nhẹ nhõm.
Đây là hoạt động thường niên của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) với mục đích ghi nhận nguy cơ sốt rét tại địa bàn. Dù dịch sốt rét đã được khống chế từ lâu, tuy nhiên, các nhân viên y tế vẫn phải duy trì việc bắt muỗi.
Từ số lượng muỗi Anophen bắt được, cả đội sẽ tiến hành phân tích, từ đó đưa ra cảnh báo và giải pháp phòng chống nếu phát hiện nguy cơ dịch sốt rét trở lại. Các địa điểm được chọn thường là những nơi có lịch sử sốt rét lưu hành, cứ 2 năm lại đổi địa điểm 1 lần.
Sau khi bắt muỗi về, đội sẽ tiến hành định loại, phân tích và đánh giá. Theo anh Phán, chỉ có dòng muỗi Anophen mới có ký sinh trùng sốt rét. Hiện ở TP.HCM đã phát hiện được 2 dòng.
“Khi bắt được nhiều cá thể thuộc dòng muỗi Anophen đồng nghĩa với việc nguy cơ bùng phát dịch sốt rét cao. Lúc này, HCDC sẽ cảnh báo đến người dân”, anh Phán cho biết.
Thông thường, mỗi buổi bắt muỗi sẽ kéo dài khoảng 3-4 tiếng. Khoảng 7h tối, đội sẽ có mặt ở Cần Giờ tiến hành “săn muỗi”, vì đây là thời điểm hoạt động mạnh mẽ nhất của muỗi Anophen. Mỗi đoàn đi “săn muỗi” bao gồm 4 người làm nhiệm vụ: mồi nhử và bắt muỗi.
Anh Phán cho hay, tất cả nhân viên y tế tham gia bắt muỗi đều đã được tập huấn để nắm chắc các đặc điểm của muỗi, định loại cũng như cách bắt.
Hơn 1 năm tham gia công việc này, chị Trần Thúy Loan (nhân viên Tổ ký sinh trùng - côn trùng) thuần thục chọn một góc tối nơi tập trung nhiều muỗi sau đó kéo ống quần lên khỏi đầu gối, dùng nhiệt độ và mùi hương của cơ thể mình để thu hút muỗi đến. Dù cả hai chân chi chít vết muỗi đốt, chị vẫn không dám sử dụng các sản phẩm chống muỗi.
“Người làm mồi phải để lộ những vùng da của cơ thể để thu hút muỗi đến. Đặc biệt, họ không được sử dụng nước hoa, xà phòng hay hóa chất đuổi côn trùng để việc bắt muỗi hiệu quả hơn”, Loan cho biết.
Khi mùi hương của người làm mồi thu hút muỗi, người còn lại sẽ canh thời cơ phù hợp để sử dụng máy hút hoặc ống nghiệm bắt ngay khi muỗi tiếp cận.
Bên cạnh phương pháp mồi người, đội còn sử dụng thêm 2 phương pháp khác để bắt muỗi là soi đèn và giăng màn. Tuy nhiên, phương pháp soi đèn khiến muỗi dễ gãy cơ thể và tỉ lệ chết cao, kém hiệu quả. Trong khi đó, phương pháp giăng màn lại có nhược điểm là tốn điện và công cụ bắt muỗi. Chính vì thế, mồi người là phương pháp tối ưu nhất. Trung bình, mỗi người chỉ ngồi làm mồi từ 15-30 phút sau đó đổi lượt cho người khác để tránh mệt mỏi.
“Vì nhà có chuồng gia súc nên các anh đã đến xin bắt muỗi khoảng hơn 10 lần. Trước đó, tôi chưa biết đến công việc này nên có người đến xin bắt muỗi để về thí nghiệm cũng thấy lạ. Sau khi đã được giải thích về công việc này, tôi cảm thấy đây là công việc ý nghĩa và rất có ích”, bà Lê Thị Mao (huyện Cần Giờ) cho biết.
Dù làn da lấm tấm vết muỗi đốt, chị Thúy Loan vẫn không giấu được sự tự hào về công việc mình đang làm. “Có những lúc sẽ cảm thấy mệt nhưng vì đam mê nên đó chỉ là cảm giác nhất thời. Những lúc ấy chỉ cần về nghỉ ngơi thì hôm sau tôi lại tiếp tục hăng say với công việc. Công việc này giúp ích cho xã hội và cộng đồng nên tôi rất yêu nó”, chị Loan cho biết
Vui lòng nhập nội dung bình luận.