Sau 3 năm xây dựng nông thôn mới: Bức tranh quê có gam màu mới

Thứ năm, ngày 08/05/2014 07:11 AM (GMT+7)
Môi trường- văn hóa là 2/19 tiêu chí nông thôn mới (NTM) mà không ít địa phương khó đạt. Thế nhưng, nhiều nơi đã linh hoạt, sáng tạo ra cách làm hay, nhờ đó mà môi trường ở nông thôn ngày một sạch đẹp, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng cao.
Bình luận 0
Nét đẹp hương ước làng

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo T.Ư Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, sau 3 năm xây dựng NTM cả nước đã có hơn 100.000 làng, thôn, xóm, tổ dân cư văn hóa, với hơn 60.000 nhà văn hóa đã được xây mới, 65.000 khu dân cư đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa, khoảng 16 triệu gia đình được công nhận là gia đình văn hóa, 1,3 triệu “Người tốt, việc tốt” được biểu dương, góp phần tích cực trong việc hoàn thành tiêu chí văn hóa của các địa phương.

Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp (ảnh chụp ở xã Nam Điền, Nam Trực, Nam Định).
Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp (ảnh chụp ở xã Nam Điền, Nam Trực, Nam Định).

Chúng tôi về Thái Bình, một trong những cái nôi của nền văn minh lúa nước, càng thấy được ý nghĩa của việc xây dựng NTM ở đây. Ông Nguyễn Thanh Tuyền – Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà cho biết, văn hóa là tiêu chí thứ 6 trong 19 tiêu chí NTM ở các xã. Theo đó, mỗi làng phải có một nhà văn hóa, mỗi xã một trung tâm văn hóa. “Đó là chỉ tiêu “cứng”, ngoài ra để đạt tiêu chí văn hóa các thôn, xã phải đạt trên 70% số hộ văn hóa, làng văn hóa… của chỉ tiêu “mền” – ông Tuyền cho biết thêm.

Theo ông Tuyền, cơ sở vật chất văn hóa là rất quan trọng, nhưng hương ước làng văn hóa mới chính là “linh hồn” của NTM. Bởi nó hướng con người đến cách hành xử văn hóa, thượng tôn pháp luật, để có được điều này phải bắt nguồn từ cá nhân, gia đình, dòng họ, làng xóm… Vì thế Hưng Hà đã quyết tâm xây dựng “Hương ước” cho tất cả 266 làng, tổ dân phố của 33 xã, 2 thị trấn.

Gặp chúng tôi, nông dân Đặng Văn Hải ở làng Vân Đài, xã Chí Hòa (Hưng Hà) hồ hởi khoe: “Hương ước làng tôi ngắn gọn, đầy đủ và dễ hiểu lắm. Trong đó chia ra các mục như: Phát triển kinh tế; xây dựng NTM; nếp sống văn hóa; an ninh trật tự, dân số kế hoạch hóa gia đình và khen thưởng kỷ luật. Sau khi Ban soạn thảo soạn ra sẽ lấy ý kiến của toàn dân, rồi bổ sung vào, rồi tiếp tục lấy ý kiến đến khi nào người dân đồng thuận thì nhờ xã, huyện xác nhận. Cũng nhờ hương ước này mà việc xây dựng NTM của thôn nhanh chóng hoàn thành”.

Tương tự, ở Phú Thọ cũng chọn hương ước để xây dựng, bảo tồn phát triển các giá trị văn hóa. Ví dụ như hương ước thôn Minh Đức, xã Minh Hòa (Yên Lập) quy định rất rõ về việc bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng trên địa bàn… Còn thôn Hùng Nhĩ, xã Cự Thắng (Thanh Sơn) thì cấm việc bán các nhà sàn trên 50 năm tuổi ra khỏi làng, nhằm ngăn chặn việc “chảy máu” nhà sàn, khôi phục lại các điệu múa, lễ tết phải mặc trang phục của dân tộc mình…

Sạch từ nhà ra ngõ

Cùng với tiêu chí văn hóa, qua 3 năm thực hiện xây dựng NTM, nhiều xã, huyện đã trở nên sạch đẹp hơn về môi trường. Nhiều người còn nhớ, trước năm 2011 thôn Ngọc Than, xã Ngọc Mỹ (Quốc Oai) và xã Chàng Sơn (Thạch Thất, Hà Nội) người dân phải dùng xe trâu, xe máy đến nơi khác để mua nước về dùng, vì nguồn nước ngầm, nước mặt ở đây bị ô nhiễm trầm trọng, tất cả các giếng khơi, giếng khoan đều không sử dụng được. Nguyên nhân là do thói quen vứt rác bừa bãi và việc thải trực tiếp phân lợn, gà, trâu, bò ra cống rãnh của người dân. Do đó, năm 2011 khi bước vào xây dựng NTM xã Ngọc Mỹ và Chàng Sơn xác định môi trường là một trong những tiêu chí nặng gánh, nên ưu tiên làm trước.

Theo báo cáo, năm 2013, các địa phương đã xây dựng được 540 công trình cấp nước và vệ sinh trong trường học, 368 trạm y tế, 721 công trình cấp nước tập trung, sửa chữa, nâng cấp 86 công trình…

Ông Nguyễn Văn Trường – Chủ tịch UBND xã Ngọc Mỹ cho biết: Để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, một mặt xã thanh lý hợp đồng giao khoán các ao, hồ cho người dân sử dụng chăn nuôi gia súc, gia cầm trước đây, mặt khác thành lập khu chăn nuôi tập trung vận động người chăn nuôi nhỏ lẻ, sang chăn nuôi tập trung. Không vứt rác, thải phân, nước thải ra kênh mương, đồng thời khơi thông cống rãnh, thành lập các tổ thu gop rác thải. “Hiện môi trường của xã đã được cải thiện và vừa qua UBND TP. Hà Nội cũng đã có văn bản giao cho Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội lập dự án cung cấp nước sạch cho người dân xã Ngọc Mỹ, khi dự án này hoàn thành thì chắc chắn xã sẽ đạt tiêu chí môi trường” – ông Trường nói.

Hà Giang là một trong những tỉnh có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, với thói quen đi vệ sinh ra cầu ao, vào rừng… mà rất ít hộ làm nhà vệ sinh, đây là nỗi trăn trở lớn của lãnh đạo địa phương khi triển khai tiêu chí môi trường. Ông Kiều Văn Bắc – Chủ tịch UBND xã Phương Thiện (TP.Hà Giang) cho biết, xã được chọn là xã điểm của thành phố giai đoạn 2011 – 2015, hiện xã đã đạt 18/19 tiêu chí. “Lúc đầu chúng tôi nghĩ sẽ chẳng bao giờ đạt được tiêu chí môi trường, vì thói quen của người dân nơi đây là đi vệ sinh ở cầu ao. Chúng tôi đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hộ vay vốn để làm nhà vệ sinh, nhưng họ làm rồi để đấy chứ không dùng, mà vẫn đi theo cách cũ” – ông Bắc cho biết.

Sau nhiều đêm trăn trở, cán bộ nơi đây đã tìm ra lời giải. Hóa ra đa số người dân đã làm nhà vệ sinh hợp vệ sinh, nhưng vẫn để “công trình” cầu ao, kể cả cán bộ, nên chẳng ai sử dụng công trình… mới. Ông Nguyễn Văn Kịch – Bí thư chi bộ thôn Tiến Thắng kể: “Gia đình tôi và trưởng thôn đã xung phong phá bỏ cầu ao trước, rồi chúng tôi tuyên truyền vận động, thậm chí phải hướng dẫn người dân cách sử dụng nhà vệ sinh tự hoại mới. Lúc đầu họ chưa quen, nhưng dần quen thấy tiện, mà lại sạch sẽ, nên bây giờ nhà nào cũng bỏ đi vệ sinh cầu ao sang đi vệ sinh tự hoại rồi”.

Việt Tùng (Việt Tùng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem