Sâu keo mùa thu trở lại, cảnh báo nguy hại hơn xưa
Sâu keo mùa thu trở lại, chỉ sau 1 đêm những ruộng ngô bị cắn nát xơ xác
Trần Khánh
Thứ bảy, ngày 25/07/2020 19:02 PM (GMT+7)
Sâu keo mùa thu đã xuất hiện trở lại trên các vùng trồng bắp ở nhiều tỉnh Đông Nam bộ. Đáng ngại là năm nay, sâu xuất hiện gây hại sớm hơn năm trước, đang đe dọa trực tiếp đến thu nhập của nhiều bà con nông dân.
Năm trước, khi cây bắp được 7-8 lá mới xuất hiện sâu keo. Năm nay, tại Bình Thuận, sâu keo mùa thu gây hại sớm hơn khi cây bắp mới bắt đầu từ 2-3 lá. Nhiều vùng trồng đã bị sụt giảm năng suất từ 60-80%, thậm chí mất trắng.
Bà Ngô Ngọc Thuận ở xã Hàm Cần (huyện Hàm Thuận Nam) kể, sâu bệnh hại đã tấn công ruộng bắp hơn 1ha của mình ngay từ đầu vụ. Dù gia đình đã tập trung phun xịt thuốc, nhưng chỉ hơn 1 tuần sau khi phát hiện, vườn bắp bị sâu cắn nát trơ trụi. Hiện gia đình bà phải phá bỏ ruộng bắp cũ, cày lại đất, xử lý mầm bệnh và chuẩn bị xuống đợt giống bắp khác.
Ngụ cùng xã, ông Mang Văn Chanh cho biết, hơn 65ha bắp của nhiều nông dân khác ở xã Hàm Cần cũng đã bị sâu keo gây hại. Sâu keo không chỉ cắn thủng rách phần lá bắp mà còn cắn nát luôn chồi non, phá hủy khả năng phát triển của cây.
Từ năm 2019, sâu keo gây hại khiến bà con gặp khó khăn. Nhiều người phải bán trâu, bò trả nợ tiền vay ngân hàng. "Năm nay, sâu keo lại tiếp tục đe dọa mùa màng, bà con rất mong chính quyền có biện pháp giúp nông dân phòng trừ cho hiệu quả", ông Chanh nói.
Bà Nguyễn Thị Hồng Sáng – Phó chủ tịch UBND xã Hàm Cần cho biết, mật độ sâu gây hại trung bình từ 4-8 con/m2, tỷ lệ lá bị sâu gây hại từ 50% trở lên. Chính quyền địa phương và các công ty thuốc đã trực tiếp hướng dẫn bà con cách thức phun xịt nhưng chỉ mới giảm bớt phần nào.
Tại huyện Châu Đức (Bà Rịa-Vũng Tàu), ông Hồ Văn Thân kể, 0,5ha bắp khoảng 30 ngày tuổi của ông cũng bị sâu keo gây hư hại nghiêm trọng, nhiều cây bị trụi sạch lá chỉ sau một đêm, ước tính thiệt hại khoảng 60%. "Đáng lo là bệnh mới này vẫn chưa có thuốc đặc trị nên bà con nông dân còn khá lúng túng trong việc phòng dịch", ông Thân cho biết.
Thống kê của Sở NNPTNT tỉnh cho thấy, gần 30ha diện tích trồng bắp tại các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc và TX. Phú Mỹ đã bị sâu keo mùa thu gây hại và đang có nguy cơ lan rộng.
Huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai) đã xuống giống gần 380ha bắp. Phòng NNPTNT huyện ghi nhận đã có 10ha nhiễm sâu keo mùa thu. Hiện tại, các sinh vật gây hại chỉ ở mức nhẹ hoặc trung bình.
Tuy nhiên, do thời tiết nắng mưa đang xen kẽ nhau, cây bắp bước vào giai đoạn mẫn cảm với sinh vật hại. Dự báo thời gian tới, sâu keo sẽ còn phát sinh gây hại cây bắp trên diện rộng.
ThS. Lê Công Hoàng – Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Thuận cho biết, đúng là năm nay sâu keo gây hại sớm hơn năm trước. Nông dân cần chú ý thăm đồng thường xuyên, kịp thời phát hiện sâu từ 1-3 tuổi để phun xịt thuốc đạt hiệu quả.
Bẫy bả chua ngọt cũng là một cách nhằm hạn chế tốc độ lây lan, cũng như giảm thiểu thiệt hại của sâu. Nông dân có thể hòa trộn 4 phần đường, 4 phần giấm ăn, 1 phần rượu, 1 phần nước thành hỗn hợp khoảng 1 lít dung dịch. Sau 2-3 ngày ngâm ủ, khi hỗn hợp đã dậy mùi chua thì phối trộn thêm 1 gram thuốc bảo vệ thực vật.
"Tiến hành treo bả chua ngọt ngoài đồng ruộng khi xuống giống cũng sẽ giúp phòng trừ sâu trưởng thành đẻ trứng và gây hại giai đoạn sau", ông Hoàng cho biết.
Ngoài ra, Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật cũng lưu ý, đối với diện tích bắp chưa bị sâu bệnh, bà con không nên chủ quan. Nông dân phải thường xuyên thăm đồng, kiểm tra, làm sạch cỏ và chủ động phun thuốc phòng trừ nhằm giảm thiệt hại ở mức thấp nhất do sâu keo mùa thu gây ra.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.