Đã hơn một tháng sau khi có quyết định sáp nhập Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Kịch Việt Nam thành Nhà hát kịch Quốc gia song “sóng gió” trong nội bộ của hai nhà hát vẫn chưa hề ngưng nghỉ. Các nghệ sĩ của hai nhà hát lại càng hoang mang hơn khi lộ trình việc sáp nhập này mỗi ngày lại thể hiện nhiều bất cập. Sau hàng loạt các cuộc họp, bỏ phiếu tín nhiệm bất thường được tổ chức tại hai nhà hát, ngày 8.5, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn thay mặt lãnh đạo Bộ VHTTDL đã tham dự cuộc họp với các nghệ sĩ, diễn diễn viên của hai nhà hát.
Tại buổi họp này, các nghệ sĩ đã có đóng góp ý kiến thẳng thắn và khá gay gắt, trong đó, phần lớn ý kiến đều cho rằng việc sáp nhập của hai nhà hát tại thời điểm này là chưa khả thi khi chưa có đủ điều kiện chín muồi cả về cơ sở vật chất lẫn yếu tố nhân lực.
Nhiều nghệ sĩ cũng cho rằng quy trình tiến hành việc sáp nhập của hai nhà hát khi chưa tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của các nghệ sĩ là việc làm thiếu kín kẽ. Thêm nữa, việc đưa hai nhà hát với hai tiêu chí nghệ thuật, tính chất hoạt động khác nhau vào chung một “rọ” chỉ nhằm mục đích là tránh xã hội hóa là không hợp lý.
NSƯT Anh Tú - Nhà hát Tuổi trẻ cho biết: “Trước khi có quyết định sáp nhập, chi bộ của Nhà hát không được đọc đề án, kể cả tôi vốn đang là cấp ủy. Đề án được viết thiếu trình độ, thiếu hiểu biết tới mức khi đọc ai nấy đều ngã ngửa người.
Ví dụ đề án ghi là Nhà hát Tuổi trẻ diễn viên tuổi đời còn trẻ, thiếu kinh nghiệm biểu diễn, chưa đủ trình độ làm những vở diễn lớn mang tầm quốc tế. Trong khi những “Vũ Như Tô”, “Rừng trúc”, “Macbeth” sừng sững trong lòng khán giả, nguyên điều đó đã đủ nói về sự hiểu biết của người viết rồi. Bộ tin vào cái đề án như vậy mà phê duyệt thì quá quan liêu”.
Sau khi lắng nghe quan điểm của các nghệ sĩ, lãnh đạo Bộ VHTTDL hứa sẽ xem xét lại việc sáp nhập này và yêu cầu tạm dừng tất cả những công việc về tổ chức, về sắp xếp nhân sự của Nhà hát Quốc gia Việt Nam. Tại thời điểm này, tạm thời, nhà hát nào cứ hoạt động theo đường lối của nhà hát ấy.
L.T
Vui lòng nhập nội dung bình luận.